Cụ thể, theo bà Hà Thu Giang - Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), trong năm 2023 sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với hoạt động kinh doanh đầu tư bất động sản, dự án có quy mô lớn, cao cấp.
“Tuy nhiên sẽ tiếp tục đẩy mạnh cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân, nhất là các dự án sắp hoàn thành, bàn giao, có thanh khoản tốt; dự án nhà ở xã hội, thương mại có mức giá thấp phù hợp với nhu cầu công nhân, lao động” - bà Hà Thu Giang nhận định.
Việc điều hành lãi suất, tỷ giá trong năm 2023 tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong ảnh: Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú đang phát biểu. |
Liên quan đến gói triển khai hỗ trợ lãi suất 2%, bà Hà Thu Giang - Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) - thông tin, đến cuối tháng 11/2022, doanh số cho vay đạt gần 30.000 tỉ đồng, dư nợ cho vay là 23.000 tỉ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất chỉ đạt gần 78 tỉ đồng.
Theo bà Thu Giang, doanh số này chưa đạt được kết quả như kỳ vọng do 2 vướng mắc chính. Thứ nhất có 67% doanh nghiệp ngại tiếp cận vì so với hỗ trợ giảm lãi 2% thì chi phí theo dõi sau kiểm tra, thanh tra còn nhiều hơn; nếu có sai phạm bị thu hồi khoản hỗ trợ sẽ gây khó cho doanh nghiệp.
Thứ hai, theo quy định thì các doanh nghiệp phải có khả năng trả nợ và phục hồi, dù doanh nghiệp được đánh giá có khả năng trả nợ nhưng chính doanh nghiệp và ngân hàng cũng không dám chắc là thời gian tới có khả năng phục hồi hay không. Một số khách hàng khác là hộ kinh doanh nhưng lại không có giấy phép kinh doanh, đã tham gia các chương trình hỗ trợ khác nên không thuộc đối tượng.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cho biết là bản thân họ cần hỗ trợ về vốn hơn là lãi suất, đề nghị chính sách hỗ trợ cần phải trực tiếp như giảm thuế. Hiện Ngân hàng Nhà nước đã tổng hợp ý kiến của doanh nghiệp và trình lên Chính phủ để có hướng tháo gỡ về cơ chế chính sách, theo đó có thể điều chỉnh cho vay theo ngân hàng chính sách xã hội hoặc giảm các loại thuế.
Ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) - cho rằng, trong năm 2022, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có tới 7 lần tăng lãi suất, lên mức cao nhất trong 15 năm qua. Đây cũng là đợt tăng lãi suất nhanh nhất kể từ năm 1980 đến nay. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lãi suất, tỷ giá tại Việt Nam trong thời gian qua.
Ông Phạm Chí Quang dự báo lạm phát, lãi suất cao, sự dịch chuyển dòng vốn trên toàn cầu... sẽ tiếp tục trong năm 2023 và sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam. Cụ thể là sẽ ảnh hưởng đến chính sách điều hành tăng trưởng tín dụng, lãi suất, tỷ giá trong năm 2023.
Sức ép về tỷ giá đến kinh tế Việt Nam có dấu hiệu giảm nhưng không có nghĩa là tỷ giá trong năm 2023 sẽ giảm vì Fed dự báo đồng USD còn nhiều biến động. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong năm 2022 của Việt Nam đạt 732 tỉ USD, gần 190% GDP, rõ ràng áp lực lạm phát nhập khẩu, lên mặt bằng tỷ giá rất lớn.
Về tăng trưởng tín dụng và cấp hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước cũng phải xem xét thận trọng. Việt Nam được rất nhiều tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế cảnh báo tốc độ tăng trưởng tín dụng đang ở mức rủi ro với an toàn hoạt động ngân hàng. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, hiện tổng dư nợ tín dụng GDP của Việt Nam đang xếp ở vị trí cao nhất trong các nước có thu nhập trung bình thấp với dư nợ là 124% GDP. Nếu tiếp tục duy trì tăng trưởng tín dụng trên 12% thì tỷ lệ đòn bẩy tín dụng GDP rất lớn, tạo nên rủi ro cho an toàn hệ thống.
Về lãi suất, theo đánh giá của Fed thì lãi suất quốc tế thời gian tới sẽ tiếp tục tăng, Việt Nam không thể đi ngược hướng thế giới. “Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới để điều hành thận trọng, duy trì mặt bằng lãi suất, tỷ giá thị trường ổn định, góp phần kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%” - ông Phạm Chí Quang nói.
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.0471841a-nas-gnod-tab-gnud-nit-tahc-taos-meik-cut-peit-3202-man/nv.moc.enilnounuhp.www