Một giàn khoan dầu của Nga ở biển Baltic - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Sputnik, ông Putin đã thông qua sắc lệnh về các biện pháp đặc biệt liên quan đến giá trần đối với dầu của Nga, cấm vận chuyển dầu và các sản phẩm dầu mỏ nếu các hợp đồng áp giá trần.
Nghị định cấm cung cấp các sản phẩm dầu mỏ của Nga theo giá trần có hiệu lực từ ngày 1-2-2023 đến ngày 1-7-2023, trong khi lệnh cấm đối với các sản phẩm dầu mỏ sẽ được xác định sau.
"Việc cung cấp dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ của Nga cho các cá nhân và pháp nhân nước ngoài bị cấm nếu các hợp đồng cung cấp các nguồn cung cấp này" áp dụng giá trần, Hãng tin AFP dẫn nội dung sắc lệnh cho biết.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin cũng có thể cấp phép cung cấp đặc biệt các sản phẩm bị cấm.
Điện Kremlin đã nhiều lần chỉ trích mức giá trần do các nước phương Tây đưa ra là "không thể chấp nhận được", đồng thời cho rằng biện pháp này sẽ tác động đến giá cả thị trường.
Mức giá trần của nhóm G7 áp lên dầu mỏ vận chuyển bằng đường biển của Nga có hiệu lực từ ngày 5-12 là một phần trong nỗ lực của phương Tây nhằm hạn chế năng lực chiến tranh của Nga tại Ukraine.
Với mức giá trần 60 USD/thùng do nhóm G7, Liên minh châu Âu (EU) và Úc thống nhất áp đặt, dầu Nga chỉ được phép vận chuyển đến các nước thứ ba bằng tàu chở dầu của G7 và EU, cũng như các công ty bảo hiểm và tổ chức tín dụng khi dầu được mua bằng hoặc thấp hơn mức đó.
Vì các công ty vận chuyển và bảo hiểm quan trọng của thế giới đều có trụ sở tại các nước G7, nên mức trần này có thể khiến Nga khó bán dầu với giá cao hơn.
Giá trần có hiệu lực vào ngày 5-12, nhưng sẽ có giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 45 ngày cho phép các tàu đã lấy hàng trước ngày đó được chở hàng và dỡ hàng trước ngày 19-1-2023 mà không bị phạt.
Mức giá trần sẽ được xem xét hai tháng một lần, bắt đầu từ giữa tháng 1-2023, để đảm bảo nó thấp hơn ít nhất 5% so với giá dầu thô trung bình của Nga do Cơ quan Năng lượng quốc tế xác định. Mỗi sự thay đổi về giá trần đều sẽ cần tất cả 27 thành viên EU và sau đó là G7 nhất trí.
TTCT - 60 USD/thùng là mức giá trần cho dầu Nga mà EU thỏa thuận được vào ngày 2-12 sau những cuộc tranh cãi nội bộ. Cơ chế giá trần này sẽ hoạt động thế nào, hậu quả với thị trường năng lượng Nga cũng như toàn cầu ra sao, và Nga có những biện pháp đối phó gì?