vĐồng tin tức tài chính 365

Dự án sản xuất lắp ráp ô tô "made in Việt Nam" ở xứ Thanh có hồi sinh?

2022-12-29 08:13

Ý tưởng lớn "đứt gánh giữa đường"

Theo tìm hiểu, dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô, của Công ty Vinaxuki Thanh Hóa, được cấp phép xây dựng từ năm 2010 với tổng vốn đăng ký 1.360 tỷ đồng. Đây là dự án gửi gắm nhiều tâm huyết và tham vọng của ông Bùi Ngọc Huyên - Chủ tịch HĐQT Công ty Vinaxuki Thanh Hóa.

Theo đó, dự án được phát triển trên khu đất diện tích hơn 45ha, trên địa bàn hai xã Đại Lộc và Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa). Với mục tiêu là sản xuất, lắp ráp các loại ôtô tải có tải trọng từ 0,5 tấn đến 45 tấn, ôtô buýt từ 16 chỗ ngồi đến 100 chỗ ngồi và các loại ô tô du lịch (xe con). Trong đó, hướng tới tối đa việc nội địa hóa để cho ra đời những sản phẩm chuẩn "made in Việt Nam", như chia sẻ của vị Chủ tịch Vinaxuki. 

Ban đầu, trong giai đoạn những năm 2007-2009, lượng xe xuất xưởng của Vinaxuki trung bình 50-60 xe mỗi ngày, có thời điểm lên tới 100 xe. Năm 2011, riêng lượng tiêu thụ xe tải (dòng xe chính của Vinaxuki) luôn đứng top đầu thị trường. Giai đoạn này cũng là lúc công ty chuyển hướng với ý nghĩ táo bạo, mang tính tiên phong là sản xuất dòng ô tô con giá rẻ "made in Việt Nam".

Tiêu dùng & Dư luận - Dự án sản xuất lắp ráp ô tô 'made in Việt Nam' ở xứ Thanh có hồi sinh?

Ông Bùi Ngọc Huyên bên "đứa con tinh thần" còn dang dở của mình.

Sau những cố gắng không ngừng để lắp ráp dây chuyền vận hành đi vào hoạt động (2011), tuy nhiên cũng là lúc tình hình tài chính thế giới cũng như Việt Nam đang trong giai đoạn có nhiều biến động tiêu cực, khủng hoảng, dẫn tới thị trường tiêu thụ ô tô bị đình trệ, đồng thời, việc huy động vốn gặp nhiều khó khăn đi kèm lãi suất cao.

Với những kinh nghiệm non trẻ của một doanh nghiệp mới chập chững bước vào ngành công nghiệp ô tô vốn là cuộc chơi riêng của các nước phát triển, nên chỉ sau 2 năm hoạt động, nhà máy Vinaxuki đã bắt đầu ngưng trệ rồi bỏ hoang thời gian dài từ đó. Cú sốc này đã khiến Vinaxuki là một công ty đi đầu về lắp ráp ô tô, có kết quả kinh doanh ban đầu khả quan với số vốn nghìn tỷ, Vinaxuki đã lâm vào tình cảnh bi đát, phá sản.

Có lẽ ý tưởng lớn từ bỏ việc lắp ráp xe tải đơn thuần và đang có sự phát triển tốt để chuyển một lượng vốn lớn định hướng sang chế tạo, sản xuất xe con với tỉ lệ nội địa hóa cao, có thể lên tới 40% là bước ngoặt của doanh nhiệp này.

Tiêu dùng & Dư luận - Dự án sản xuất lắp ráp ô tô 'made in Việt Nam' ở xứ Thanh có hồi sinh? (Hình 2).

Dây chuyền sản xuất lắp ráp ô tô của Vinaxuki.

Theo một số chuyên gia phân tích sau đó, khi đi theo con đường này, vì là tiên phong nên Vinaxuki thiếu cả kinh nghiệm sản xuất cũng như các ngành công nghiệp phụ trợ để có thể sản xuất được một chiếc ô tô hoàn chỉnh trong thời điểm đó và cũng đã "không gặp thời".

Trong một chia sẻ với báo giới, ông Huyên đau xót: “Quan trọng tôi là người dân Việt Nam, tôi cần tiền làm xe thương hiệu Việt. Tôi vẫn theo đuổi giấc mơ ô tô Việt Nam. Tôi khẳng định người Việt hoàn toàn đủ tài năng và trí tuệ làm ô tô”.

Với những khó khăn không thể cứu vãn và bị ngân hàng siết nợ phát mãi tài sản, ngày 24/6, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Đức Giang ký Quyết định số 2194/QĐ-UBND về việc thu hồi 456.344m2 đất của Công ty TNHH Một thành viên ô tô Vinaxuki Thanh Hóa (Vinaxuki Thanh Hóa). Đây được xem như là dấu chấm hết cho dự án sản xuất xe hơi đầy tham vọng của Vinaxuki.
 
Tuy nhiên, xác định công nghiệp chế tạo mà trong đó sản xuất lắp ráp ô tô là một trong những ngành mũi nhọn, tỉnh Thanh Hóa đã tiếp tục chấp thuận cho Công ty Cổ phần giải trí nghe nhìn Toàn Cầu thuê khu đất trên để tiếp tục sử dụng thực hiện dự án Cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng với số vốn đầu tư dự kiến lên tới gần 7.000 tỷ đồng.

Dự án có "hồi sinh" trong tay người mới

Theo đó, Công ty Cổ phần giải trí nghe nhìn Toàn Cầu được nhà nước cho thuê đất và thu tiền thuê đất hàng năm, thời hạn thuê đất được tính từ ngày ban hành quyết định này đến ngày 26/10/2059 (thời hạn thuê đất còn lại theo Quyết định số 2904/QĐ-UBND ngày 10/9/2012 của UBND tỉnh Thanh Hóa).

Trước đó, tháng 2/2022, tại xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc, Công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn cầu đã tổ chức Lễ khởi công, Cụm nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng, với tổng mức đầu tư 6.900 tỷ đồng. 

Tai buổi lễ có đại diện lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và các sở, ban ngành địa phương cùng đại diện phía Công ty Cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn cầu. Tuy nhiên niềm vui "chẳng tày gang", sau hơn 9 tháng khởi công rầm rộ, dự án đầy tham vọng trên vẫn "án binh bất động".

Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, sau 9 tháng khởi công khu đất dự án trên gần như vẫn giữ nguyên hiện trạng. Cả khuôn viên dự án chìm trong không gian vắng lặng, hầu như không ghi nhận dấu hiệu của hoạt động thi công và sự hiện diện của máy móc, nhân công tại đây. 

Trong khuôn viên dự án, các hệ thống nhà xưởng cũ của Vinaxuki trước đây hiện đã có dấu hiệu xuống cấp, gỉ sét bong tróc nhưng cũng không có dấu hiệu được thay thế, sửa chữa, có một số ít vật tư được tập kết. 

Tiêu dùng & Dư luận - Dự án sản xuất lắp ráp ô tô 'made in Việt Nam' ở xứ Thanh có hồi sinh? (Hình 3).

Khung cảnh vắng lặng tại dự án.

 

 

 

Những hình ảnh trên gần như trái ngược với quyết tâm của phía lãnh đạo Công ty Cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn cầu tại buổi lễ khởi công được tổ chức trang trọng, rầm rộ ở thời điểm đầu năm với nhiều máy móc tập kết khiến nhiều người hoài nghi về sự hồi sinh của dự án ô tô "made in Việt Nam" tại xứ Thanh.

Qua tìm hiểu của Người Đưa Tin, Công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn cầu (chủ đầu tư dự án) được thành lập ngày 10/10/2019, có địa chỉ đăng ký số nhà 22, ngách 59, ngõ 147 đường Xuân Đỉnh, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Người đại diện pháp luật là ông Vũ Văn Hùng, ngoài ra, ông Hùng cũng là người đại diện của Công ty Cổ phần tập đoàn tài chính và thương mại toàn cầu, được thành lập 7/12/2020 có địa chỉ tại thôn Hải Bối, xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Tp.Hà Nội.

Cũng theo tìm hiểu, trước khi trở thành chủ đầu tư dự án sản xuất lắp ráp ô tô với vốn đầu tư được giới thiệu lên tới gần 7.000 tỷ đồng, Công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn cầu được biết tới hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ, giải trí, thương mại... Tuy nhiên, cụ thể các thông tin về hoạt động của chủ đầu tư này, đặc biệt các hoạt động trong ngành công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô gần như "vắng bóng" khi tiến hành các bước tìm kiếm cơ bản trên không gian mạng. 

Trao đổi nhanh với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cho biết, doanh nghiệp trên khá "kín tiếng" và hiện cũng chưa thấy đơn vị tiến hành hoat động thi công. "Doanh nghiệp chưa thấy đề xuất ý kiến vướng mắc gì với huyện, tôi nghe qua có thể doanh nghiệp đang có ý định xin điều chỉnh quy hoạch", ông Hoàng chia sẻ. 

Về vấn đề trên, ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Thanh Hóa cho biết, Công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn cầu trúng đấu giá sau khi ngân hàng phát mãi dự án và đồng thời xin tiếp tục thực hiện dự án trên. Về phía Sở KHĐT cũng chưa thấy doanh nghiệp có ý kiến gì, quan điểm của Sở là luôn đồng hành, hỗ trợ kịp thời để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu dự án vẫn không thể triển khai theo kế hoạch thì sẽ tham mưu cho tỉnh có phương án để xử lý theo quy định của pháp luật, tránh lãng phí nguồn lực.

Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa thông tin Công ty cổ phần giải trí nghe nhìn Toàn Cầu đủ năng lực để tiếp tục thực hiện dự án theo yêu cầu của UBND tỉnh tại khoản 4, Điều 2, Quyết định số 2194/QĐ-UBND ngày 24/6/2021 sau khi thực hiện các nội dung công việc theo yêu cầu của UBND tỉnh này.

Việt Phương

Xem thêm: lmth.988685a-hnis-ioh-oc-hnaht-ux-o-man-teiv-ni-edam-ot-o-par-pal-taux-nas-na-ud/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Dự án sản xuất lắp ráp ô tô "made in Việt Nam" ở xứ Thanh có hồi sinh?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools