Hằng năm, các gia đình phải chi một khoản không ít cho việc mua sách giáo khoa mới, nhất là các gia đình đông con, gia đình khó khăn lại càng thêm khó - Ảnh: NAM TRẦN
Ngày 29-12, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm ký ban hành thông báo kết luận thanh tra chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo.
Nội dung đáng chú ý của kết luận này, cơ quan thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm liên quan công tác biên soạn, in ấn, và tăng giá sách giáo khoa.
Gây hiểu nhầm phụ huynh học sinh bắt buộc phải mua sách bài tập
Vấn đề "nóng" nhất được thanh tra làm sáng tỏ trong công tác quản lý về in ấn, sử dụng sách bài tập. Trong đó sai phạm nghiêm trọng được chỉ ra là Bộ Giáo dục và Đào tạo không kịp thời ban hành văn bản liên quan, dẫn đến gây hiểu nhầm cho phụ huynh, học sinh và xã hội về việc tài liệu này là phải mua kèm.
Cụ thể, bộ này ban hành văn bản số 2372 ngày 11-4-2013 về việc sử dụng sách, tài liệu tham khảo trong trường phổ thông. Văn bản có nội dung hướng dẫn sách bài tập do Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam tổ chức biên soạn dựa theo sách giáo khoa, được thẩm định, cho phép xuất bản, in và phát hành.
"Thực tế, việc tổ chức biên soạn, biên tập, xuất bản, in ấn và tổng phát hành các loại sách bài tập, sách tham khảo thuộc chức năng, nhiệm vụ của nhà xuất bản, là đơn vị thống lĩnh thị trường, độc quyền tổ chức biên soạn, biên tập, xuất bản, in và phát hành. Nếu sách bài tập được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, cho phép xuất bản, in và phát hành là không đúng chức năng, nhiệm vụ", cơ quan thanh tra phân tích trong kết luận.
Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm phát biểu chỉ đạo tại buổi công bố kết luận thanh tra - Ảnh: TTCP
Thanh tra chỉ ra mặc dù bộ ban hành thông tư quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên nhưng chưa "kịp thời ban hành văn bản về việc dừng sử dụng văn bản" nêu trên.
"Do đó gây nhầm lẫn cho học sinh, phụ huynh học sinh và xã hội hiểu rằng sách bài tập được nhà xuất bản xuất bản cũng là tài liệu bắt buộc phải mua kèm theo sách giáo khoa, dẫn đến thực tiễn hầu hết gia đình học sinh khi mua sách giáo khoa đều mua sách bài tập kèm theo do nhà xuất bản phát hành", kết luận nêu.
Từ những phân tích trên, Thanh tra Chính phủ cho rằng "có dấu hiệu lợi ích nhóm” giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước với nhà xuất bản trong việc in ấn, phát hành sách bài tập.
Chuyển Bộ Công an điều tra hai nội dung
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng cho chuyển thông tin hai nội dung sang Bộ Công an để xem xét, xử lý theo quy định.
Cụ thể là nội dung hướng dẫn sử dụng sách bài tập, sách tham khảo có dấu hiệu "lợi ích nhóm" giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước với Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam trong việc in ấn, phát hành sách bài tập.
Thứ hai là nội dung lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất sách giáo khoa theo phương thức chào hàng cạnh tranh của Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam có nhiều điểm bất thường, chưa bảo đảm công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
“Lãng phí tạm tính” là hơn 2.374 tỉ đồng
Theo kết luận, quá trình tăng giá sách lần 3, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có giải pháp kiểm soát chặt chẽ để yêu cầu nhà xuất bản phải thực hiện đầy đủ chỉ đạo của bộ. Trong quá trình đó nhà xuất bản đã tăng giá bán sách giáo khoa gần 17%.
Bộ cũng chưa ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật trong biên soạn, xuất bản bộ sách giáo khoa chuẩn làm căn cứ xây dựng phương án giá cho các nhà xuất bản thực hiện khi kê khai theo quy định. Công tác phê duyệt, giao kế hoạch sản xuất kinh doanh sách giáo khoa hằng năm cho nhà xuất bản đều chậm; chưa thực hiện trách nhiệm tổ chức giám sát nhà xuất bản theo quy định.
Công tác lưu trữ của bộ còn bị kết luận buông lỏng do không cung cấp được bản thảo mẫu sách giáo khoa được bộ trưởng phê duyệt để làm cơ sở đối chiếu sách giáo khoa hiện hành.
Khi biên soạn sách giáo khoa đã thiết kế một số bảng số liệu để trống nên học sinh có thể viết vào. Từ 2014 đến hết tháng 8-2019, đã phát hành và bán được tổng hơn 300 triệu bản sách giáo khoa có các trang học sinh có thể viết vào sách.
"Trường hợp tính 65% sách giáo khoa có các trang sách học sinh có thể viết vào không dùng lại được, gây lãng phí cho gia đình học sinh và xã hội thì giá trị lãng phí tạm tính là 2.374.205,8 triệu đồng", kết luận nêu.
TTO - 'Con lớn của tôi năm nay đang học lớp 5 nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc phải mua sách tham khảo cho cháu. Nhưng năm nay, con út vào lớp 1 mới được 2 tuần mà vợ chồng tôi đã phải tìm đến sách tham khảo như một cái phao cứu sinh'.