Những chiếc cặp “quá khổ” đè nặng vai học sinh ngày nay - Ảnh: TỰ TRUNG
Giảm tải trên sách!
- Giảm tải hiện tại mà tôi thấy đang áp dụng theo hướng này: 1. Gộp nhiều môn thành một môn, nhưng nội dung thì bằng các môn cộng lại.
2. Kiến thức từ cấp trên, lớp trên đem xuống cấp dưới, lớp dưới học cho thành vĩ nhân.
3. Phát sinh ra nhiều môn mới nghe tên rất thực tế, hoành tráng nhưng thực chất cũng là lên lớp ngồi nghe, chép, học thuộc rồi thi, ví dụ: Hoạt động trải nghiệm, Địa lý địa phương.
Bạn đọc Nguyễn Thủy
- Tôi rất thất vọng và hoài nghi việc giảm tải này. Nhất là việc học bán trú của các cháu tiểu học. Rất quá sức, kiệt quệ sức khỏe thể chất và tinh thần, cảm xúc.
Bạn đọc An Nguyên
- Giảm thì có "giảm trên sách" đó, nhưng kiểm tra, thi cử, tốt nghiệp nó đẻ ra đủ thứ dạng trên trời dưới biển, kết quả là vẫn phải gồng gánh thêm đủ dạng, vẫn học ngày đêm mới thi được. Mà nói thật, mấy bài tập đánh đố kiểu đó chẳng có giúp ích được gì cuộc sống sau này.
Ý kiến bạn đọc Nhân
- Các lãnh đạo chưa bao giờ công nhận là chương trình giảm tải vẫn... nặng tải. Họ không lắng nghe ý kiến của các bên liên quan để cải tiến chương trình phù hợp kỳ vọng của xã hội.
Họ, những người xây dựng chương trình, đã bỏ quên ý kiến của các bên liên quan là phụ huynh, học sinh, giáo viên, cộng đồng. Do đó bây giờ họ phải cố gắng bảo vệ cái họ xây dựng, mặc dù rõ ràng ngày càng không phù hợp.
Cần lắm thay một chính sách cải tiến chất lượng liên tục trong giáo dục các cấp theo xu hướng mới, làm sao cho chương trình đào tạo ra những con người đáp ứng kỳ vọng của xã hội.
Các trường đại học đã và đang xây dựng theo hướng đó, cớ sao Bộ Giáo dục và Đào tạo không áp dụng vào các bậc học thấp hơn? Có như vậy thì học sinh mới đỡ khổ, học sinh Việt Nam mới phát triển hết được trí tuệ sự sáng tạo của mình.
Cải tiến chất lượng còn đi kèm với cải tiến phương pháp giảng dạy, điều mà đội ngũ giáo viên buộc phải điều chỉnh. Cần có chiến lược dài hơi và cương quyết, và tầm nhìn xa của một nhà lãnh đạo có tâm, có tầm.
Ý kiến bạn đọc Minh
Đừng chạy theo thành tích nữa
- Con tôi bắt đầu chương trình mới từ lúc cháu học lớp 1, nay cháu học lớp 3 mà tối nào cháu cũng thủ thỉ: Mẹ ơi, con không muốn đi học nữa vì con viết bài nhiều mỏi tay quá, con không có thời gian ra chơi.
Mặc dù cháu vẫn cố gắng học tốt nhưng tôi cảm nhận được tối nào cháu cũng trăn trở, sợ đến trường.
Trong khi tôi có các cháu con chị gái tôi đang học bậc tiểu học ở Canada, các cháu chỉ mới học ở phạm vi cơ bản và có nhiều thời gian chơi nhạc cụ, chơi thể thao, mỗi ngày đi học về đều líu la líu lo.
Tôi cảm nhận được sự vui tươi của các cháu tôi và rất ham khám phá, đọc sách, trong khi các con tôi cặp sách thì nặng, lúc nào cũng mệt mỏi, căng thẳng. Làm sao để cải cách hết được đây, ngẫm nghĩ thấy buồn cho việc cải cách loay hoay trong vòng luẩn quẩn của giáo dục nước ta, rồi người chịu thiệt thòi vẫn là trẻ, kéo theo bao công sức mệt mỏi của cha mẹ, thầy cô.
Làm ơn lắng nghe ý kiến của chúng tôi, đừng chạy theo số lượng thành tích nữa. Hãy tập trung cho trẻ có thêm thời gian vận động, vui chơi, phát triển điểm khác biệt của trẻ thì mới có một cơ thể phát triển lành mạnh và phát triển tài năng được.
Chúng ta cần tôn trọng sự khác biệt của trẻ để trẻ phát triển theo thế mạnh thì mới đa dạng xã hội được. Chứ với kiểu giáo dục học thuộc, rập khuôn như hiện tại sẽ tạo ra nguyên một thế hệ sàn sàn như nhau, chúng ta sẽ bỏ qua thời gian vàng để phát hiện điểm mạnh, điểm khác biệt của trẻ để định hướng, bồi dưỡng.
Hiện tại, với sự quá tải, nhồi nhét, trẻ ít vận động lại tăng nguy cơ béo phì, rồi trẻ stress, trầm cảm thì tương lai, hệ lụy của đất nước sẽ như thế nào đây?
Bạn đọc Nguyên Nguyễn
- Quá tải sao lại đổ lỗi cho giáo viên? Quá tải trước hết và nguyên nhân chính là do nội dung chương trình quá ôm đồm, quá tham lam từ các nhà biên soạn. Quá tải cũng tại một phần thiếu trường lớp.
Mỗi khi lượng học sinh đông, trường lớp thiếu chắc hẳn khi tuyển sinh trường phải lựa chọn thang điểm. Những nguyên nhân trên mới chính là nguyên nhân của áp lực. Chứ đừng đổ lỗi cho giáo viên, đổ lỗi cho cách dạy và cũng đừng vội đổ lỗi cho học thêm.
Bạn đọc Thôn Trần
- Chương trình học quá nặng nề, quá nhiều môn học không cần thiết và không thực tế. Giáo trình quá dài nhưng nội dung và hiệu quả không nhiều, các cháu học sinh để đáp ứng được mức trung bình của trường thì đã không còn thời gian hoạt động xã hội và thể chất.
Cứ đơn giản so sánh thời khóa biểu giữa trường quốc tế và trường công bạn sẽ thấy vấn đề ở đâu. Các trường quốc tế vẫn cho ra lớp trẻ năng động và đủ kiến thức.
Bạn đọc Ba Phi
Học sinh đang phải học hành căng thẳng như thế nào, các phụ huynh lo lắng ra sao, chương trình học mới có khiến áp lực học sinh thêm nặng và giải pháp nào để học sinh thoải mái, hạnh phúc hơn với việc học?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... mời bạn gởi đến phản hồi trong ngày qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết.
Ngày học hai buổi ở trường, tối làm bài tập ở nhà đến khuya hoặc đi học thêm khiến học sinh hầu như không còn thời gian ăn uống, nghỉ ngơi, tập luyện thể dục thể thao. Chuyện học hành thật quá vất vả!
Xem thêm: mth.35692435103212202-med-coh-yagn-coh-iahp-nav-iot-noc-oas-am-iat-maig-hnirt-gnouhc/nv.ertiout