vĐồng tin tức tài chính 365

Chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách đã thực sự đi vào cuộc sống

2022-12-30 19:25

Đồng chí Lê Minh Khái - Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Thị Hồng - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH; đồng chí Dương Quyết Thắng - Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc NHCSXH đồng chủ trì hội nghị.

Tín dụng chính sách xã hội - Chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng - Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, hạn chế phân hóa giàu nghèo, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước.

Thực hiện chủ trương trên, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, huy động được sự tham gia tích cực của toàn xã hội. Một trong những giải pháp mang lại hiệu quả là việc hình thành kênh tín dụng dành riêng cho người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, cụ thể hóa quy định của Luật các Tổ chức tín dụng về phát triển các ngân hàng chính sách hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Ngày 04/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; để thực hiện nhiệm vụ này, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo.

image

Các đồng chí lãnh đạo chủ trì Hội nghị

Trải qua 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, với sự kiên trì, quyết tâm cao, phát huy nội lực của NHCSXH và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, giảm số hộ nghèo, tăng số hộ khá, cải thiện từng bước đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong quá trình triển khai tín dụng chính sách xã hội, để phù hợp với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và giải quyết những vấn đề cấp bách đặt ra từ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; các bộ, ngành, địa phương và NHCSXH đã tích cực phối hợp, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung nhiều chính sách tín dụng với đa dạng mục tiêu và đối tượng thụ hưởng; tham mưu ban hành một số chính sách nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch.

Để có được những kết quả tích cực như trên là do sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; các Ban, Bộ, ngành Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội; cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức quốc tế, các tổ chức tín dụng đã quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ, động viên kịp thời và có hiệu quả; đặc biệt là những đóng góp, cống hiến của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ NHCSXH.

Theo Thống đốc NHNN, xác định việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đồng thời, để thực hiện thành công Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030, trong giai đoạn tới cần tiếp tục có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Ban, Bộ, ngành ở Trung ương, chính quyền địa phương; Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; sự nỗ lực của hệ thống NHCSXH; sự ủng hộ của nhân dân cả nước.

Hội nghị tổng kết này là dịp để đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, làm cơ sở đưa ra các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Tín dụng chính sách xã hội đã thực sự đi vào cuộc sống

Báo cáo tổng kết 20 năm triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác giai đoạn 2002-2022 đã cho thấy nhiều kết quả nổi bật.

Tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã xây dựng được mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng phù hợp với cấu trúc hệ thống chính trị và thực tiễn Việt Nam. NHCSXH đã thiết lập được mô hình quản trị và điều hành tác nghiệp gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đồng thời, xây dựng tổ chức thực hiện thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách thông qua hoạt động ủy thác cho Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên.

NHCSXH cũng đã phối hợp với chính quyền cấp xã, tổ chức chính trị - xã hội xây dựng, quản lý 168.624 Tổ tiết kiệm và vay vốn đến từng thôn, ấp, bản, làng, tổ dân phố. Tổ tiết kiệm và vay vốn là “cánh tay nối dài”, cầu nối giữa ngân hàng với người vay vốn. Đây là sản phẩm sáng tạo, có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện thành công chính sách tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác. Hoạt động giao dịch tại 10.435 Điểm giao dịch xã trên địa bàn cả nước được tổ chức nề nếp, hiệu quả với phương thức “giao dịch tại nhà; thu nợ, giải ngân tại xã” là hoạt động đặc trưng, riêng có của NHCSXH. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, 20 năm qua, NHCSXH thường xuyên chú trọng xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, quyết tâm với công việc, phục vụ người dân với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, cùng các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

image

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú - Ủy viên HĐQT NHCSXH trình bày tham luận tại hội nghị.

Trình bày tham luận tại Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngân hàng, triển khai Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ NHCSXH thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng nhằm giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, góp phần thực hiện thành công mục tiêu về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế.

Trong đó, NHNN chỉ đạo các TCTD Nhà nước duy trì tiền gửi 2% tại NHCSXH. Trong cơ cấu nguồn vốn huy động từ tổ chức, cá nhân trên thị trường thì nguồn nhận tiền gửi 2% của các TCTD Nhà nước đóng một vai trò rất quan trọng và chiếm tỷ trọng lớn, đặc biệt trong thời gian đầu khi NHCSXH mới đi vào hoạt động; NHNN cũng tái cấp vốn để NHCSXH có nguồn lực triển khai các chương trình tín dụng chính sách.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh chia sẻ, thông qua vốn tín dụng chính sách, đã giúp cho gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động (trong đó hơn 141 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài). Vốn tín dụng chính sách cũng góp phần quan trọng trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh và bền vững theo chuẩn nghèo từng thời kỳ: giai đoạn 2001-2005 từ 17% xuống 7% cuối năm 2005, bình quân giảm 2%/năm, giai đoạn 2006-2010 từ 22% cuối năm 2005 xuống 9,45%, bình quân giảm 2,51%/năm; giai đoạn 2011-2015 từ 14,2% xuống 4,25%, bình quân giảm 2%/năm; giai đoạn 2016-2020 từ 9,88% xuống 2,75%, bình quân giảm 1,43%/năm; đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,23%.

image

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng báo cáo kết quả 20 năm thực hiện chương trình tín dụng chính sách

Theo Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng, trải qua 20 năm, nguồn vốn tín dụng chính sách có sự tăng trưởng vượt bậc, tốc độ tăng trưởng ổn định qua các năm, năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội ,100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay với nguồn vốn nhận ủy thác đến nay đạt gần 30 nghìn tỷ đồng. Thể hiện rõ phương châm “Trung ương và địa phương cùng làm”.

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó tập trung ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, huyện đảo, xã đảo, vùng bãi ngang ven biển. Trong 20 năm qua, với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, NHCSXH đã tập trung huy động được nguồn lực lớn để cho vay, đảm bảo hoàn thành 100% chỉ tiêu, kế hoạch tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao, tạo điều kiện giúp trên 42,8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay gần 830 nghìn tỷ đồng. 

Đến 30/11/2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt gần 280 nghìn tỷ đồng với gần 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ. Trong tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội, dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 99.810 tỷ đồng, chiếm 35,7%, với gần 2,2 triệu khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay tại huyện nghèo là 30.494 tỷ đồng, chiếm 10,9%, với gần 590 nghìn khách hàng còn dư nợ; dư nợ đối với khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số là 69.175 tỷ đồng, chiếm 24,7% với trên 1,4 triệu khách hàng còn dư nợ.

Ngoài chính sách cho vay vốn hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, còn có các chính sách cho vay vốn để giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, để giảm nghèo, tín dụng chính sách còn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với doanh số cho vay gần 18 nghìn tỷ đồng cho gần 280 nghìn lượt khách hàng. 

Chất lượng tín dụng chính sách xã hội luôn được duy trì, củng cố, nâng cao, đảm bảo mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn cho Nhà nước. Tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh giảm từ 13,75%/tổng dư nợ (khi nhận bàn giao) xuống còn 0,67%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,26%/tổng dư nợ (thời điểm 30/11/2022). 

Từ những kết quả đạt được, đặc biệt sau 8 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW có thể khẳng định chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã thực sự đi vào cuộc sống; “là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn của hộ nghèo, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực”-  (Báo cáo số 660/BC-UBTVQH13 ngày 19/5/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) - là một “trụ cột” quan trọng, một “điểm sáng” trong các chính sách giảm nghèo; góp phần giải quyết một số vấn đề thiết yếu trong cuộc sống cho người nghèo, đối tượng chính sách; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện tại các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững; hạn chế, đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi; tạo nguồn lực cho các địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, được nhân dân đồng tình ủng hộ, cộng đồng quốc tế đánh giá cao, góp phần đưa Việt Nam trở thành một hình mẫu về giảm nghèo trên thế giới. 

Với những thành tích đạt được trong triển khai chính sách tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác trong 20 năm qua, NHCSXH đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng nhiều Danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao quý: Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2004; tặng Cờ thi đua của Chính phủ các năm 2006, 2008, 2010, 2011, 2014, 2015, 2016, 2017 và năm 2018; Chủ tịch nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2008, hạng Nhì năm 2013; Huân chương lao động hạng Nhì năm 2006, hạng Nhất 2017. Năm 2020, NHCSXH vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”.

CKH

Xem thêm: 524655VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www

Comments:0 | Tags: Tín dụng

“Chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách đã thực sự đi vào cuộc sống”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools