Yêu cầu này được Phó thủ tướng Lê Minh Khái nêu tại cuộc họp về điều hành tăng trưởng tín dụng, chiều 30/11. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến 23/11, dư nợ tín dụng tăng gần 8,4% so với cuối năm 2022. Mức này chỉ bằng gần 60% so với kế hoạch cả năm nay (14,5%). Như vậy, dư địa tăng tín dụng tháng cuối năm còn 6,2%, tương đương 735.000 tỷ đồng.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Ngân hàng Nhà nước bám sát tình hình thực tế của nền kinh tế, nhu cầu vay của doanh nghiệp, người dân và "xem lại quy định để điều chỉnh, nhằm điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chủ động, linh hoạt hơn".
Hơn một tháng còn lại của năm 2023, lãnh đạo Chính phủ đề nghị Ngân hàng Nhà nước đưa ra giải pháp điều hành, cấp tín dụng cho nền kinh tế, trong đó hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên. Các ngân hàng thương mại chủ động giải ngân vốn khi doanh nghiệp, người dân có nhu cầu và đảm bảo điều kiện.
Trước thực tế này, hôm 29/11, Ngân hàng Nhà nước đã phân bổ lại chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ ngân hàng thừa sang nhà băng thiếu. Tăng trưởng tín dụng chung trong năm 2023 vẫn giữ nguyên chỉ tiêu đã xác định từ đầu năm (14,5%).
Tại cuộc họp chiều 30/11, đại diện các ngân hàng cũng cho hay thực tế vốn không thiếu nhưng để giải ngân được, vấn đề không chỉ nằm ở điều hành chính sách tiền tệ, còn phụ thuộc vào khả năng hấp thụ vốn. Nhu cầu vay vốn giảm, giải ngân gặp khó khăn, dù các nhà băng đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, chủ động tìm kiếm khách hàng.
Thực tế, tổng cầu trong nước và thế giới đều giảm, doanh nghiệp không có đơn hàng, co cụm lại, không những không vay vốn mà khi bán được hàng tồn kho họ còn trả lại tiền cho ngân hàng. Những người có khả năng vay và trả thì không có nhu cầu, bởi nếu vay vốn sản xuất mà để tồn kho thì rất nguy hiểm. Vì thế, với khách hàng tốt, các ngân hàng thương mại "tranh nhau để cho vay", nhưng cũng có những nhóm cần thận trọng để phòng ngừa rủi ro.
"Làm ngân hàng, nhất là ngân hàng thương mại "ai cũng thích cho vay", không cho vay được là "thất nghiệp". Nhưng bối cảnh hiện nay, tất cả phân khúc khách hàng đều bị ảnh hưởng nên giải ngân tín dụng là bài toán khó", đại diện một nhà băng chia sẻ.
Các ngân hàng thương mại đề nghị cơ quan có thẩm quyền đưa ra các giải pháp tổng thể, nhất là giải quyết vướng mắc pháp lý liên quan tới các dự án bất động sản, kích cầu tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư nhân. Như vậy, "mạch máu" tín dụng mới có thể được khơi thông.
Đến cuối quý III, bức tranh tín dụng chung của hệ thống ngân hàng cho thấy sự phân hóa. Ở nhóm ngân hàng quốc doanh, các nhà băng tăng trưởng tín dụng đều ở mức một con số. Vietcombank trong 9 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng khoảng 4%, BIDV và VietinBank ở mức 9%.
Ngược lại, nhóm ngân hàng tư nhân có mức tăng cao hơn đáng kể. Ngân hàng mẹ VPBank có dư nợ cho vay đến cuối quý III là hơn 454.000 tỷ đồng, tăng 26% so với đầu năm. Mức này tại MB là hơn 500.000 tỷ đồng, tăng 16%. Tương tự, Techcombank, LPB, HDBank hay SHB cũng tăng tín dụng trên 10%.
Anh Minh
Anh Minh