Doanh nghiệp “chờ vốn”
Cuối năm, phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều nêu khó khăn về nguồn vốn, muốn được ngân hàng giải ngân phải có đơn hàng xuất khẩu. Mặt khác, khi tham gia thị trường nội địa phải chịu thuế VAT 5% làm hạn chế hiệu quả kinh doanh.
Tại tỉnh Đồng Tháp, ông Trần Trương Tấn Tài, Giám đốc Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam cho biết, thời gian qua doanh nghiệp mua lúa cầm chừng, bởi giá lúa hiện nay đã tăng đến 9.600 đồng/kg.
"Giá lúa biến động ngoài sức tưởng tượng của doanh nghiệp, hiện chúng tôi tập trung xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao, chấp nhận lượng hàng đi không lớn, nhưng giá trị cao. Như hiện nay giá lúa tăng cao, trong khi doanh nghiệp chỉ có thể thu mua 7.000 đồng/kg, tính hết chi phí nông dân có lời 41%, thì gạo mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường", ông Tài nói.
Theo các doanh nghiệp, giá gạo thế giới tăng nhanh cũng đồng thời đẩy giá lúa, gạo nguyên liệu trong nước tăng cao, gây ra khó khăn về tài chính cho nhiều doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng với đối tác trước đó. Một số doanh nghiệp chưa liên kết thu mua với nông dân nên gặp khó về nguyên liệu để cung ứng cho các đơn hàng.
Tâm lý chờ giá lúa tăng mới bán của người dân cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang thiếu vốn để thu mua lúa, gạo, gặp một số vướng mắc về thủ tục thuế…
Theo ông Trương Văn Chính, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Chơn Chính, trong liên kết để đảm bảo hài hòa lợi ích tránh định giá trước từ đầu vụ, thị trường đến đâu chúng ta theo đến đó cùng chia sẻ lợi ích với nông dân.
"Hiện doanh nghiệp cũng khá khó khăn do đội vốn lên trong quá trình thu mua và nâng cấp mở rộng nhà xưởng, mong muốn hợp tác được với các ngân hàng lớn tại Đồng Tháp nhằm mở rộng vùng liên kết. Bên cạnh đó, việc thu mua phải nhanh, cần sự hỗ trợ của ngân hàng và sự thấu hiểu chia sẻ của hợp tác xã và nông dân với doanh nghiệp", ông Chính nói.
Hầu hết doanh nghiệp đặt ra nhiều khó khăn về giá nguyên liệu đầu vào, câu chuyện về vốn, logistics, hợp tác liên kết thuế và truyền thông. Doanh nghiệp cần vốn có tính thời điểm, còn ngân hàng có chủ trương cho vay theo quy định, nhưng làm sao linh hoạt các thủ tục để doanh nghiệp kịp thời có vốn nhằm ứng phó với thị trường biến động.
Được biết, hiện toàn tỉnh Đồng Tháp có 17 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo được Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, xuất khẩu.
Địa phương có khoảng 175 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xay xát, lau bóng gạo. Ước tính sản lượng xay xát, lau bóng gạo năm 20223 đạt 1,44 triệu tấn, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 99,6% kế hoạch năm. Dự kiến năm 2023, sản lượng gạo chế biến ước đạt 1,85 triệu tấn, tăng 38,27% so với năm 2022.
Tăng khả năng hấp thụ vốn
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện thông thoáng hơn cho các ngân hàng thương mại cung ứng các sản phẩm tín dụng một cách thuận lợi hơn. Đồng thời, ngoài các giải pháp linh hoạt, tăng hạn mức cho vay đối với các doanh nghiệp lúa gạo thì cần “kích thích” khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp.
Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực với thời hạn và lãi suất hợp lý; tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay; tích cực triển khai cho vay đối với các chương trình, chính sách tín dụng.
Theo bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank, ngoài các giải pháp, chính sách của ngành Ngân hàng, cần có sự tham gia của các bộ, ngành địa phương cùng tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng, hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến các dự án đầu tư về đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là vấn đề môi trường trong sản xuất lúa gạo, thủy sản.
Ðồng thời, cần tăng cường minh bạch hóa tài chính của khách hàng để ngân hàng có cơ sở tiếp cận thẩm định và cho vay nhanh chóng nhất. Doanh nghiệp cần chủ động xây dựng dự án, phương án sản xuất kinh doanh khi thị trường phục hồi, tăng cường quản lý dòng tiền, minh bạch tài chính, kịp thời đề xuất ngân hàng các dự án, phương án khả thi tiếp cận được vốn và trình bày các khó khăn vướng mắc để phối hợp xử lý.
Còn ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc BIDV đề nghị, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét xây dựng các chương trình tín dụng xanh cho nông nghiệp nói chung và lúa gạo nói riêng.
Các Bộ, ngành đặc biệt là Bộ NN&PTNT cùng các địa phương cần có quy hoạch tổng thể, rõ ràng về các vùng nuôi, vùng trồng, có cơ chế, biện pháp kiểm soát tổng cung, sản lượng của toàn vùng về lúa gạo để kiểm soát giá cả đầu ra và đảm bảo giá cho nông dân.
Ðịa phương cần quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn pháp lý cho doanh nghiệp, hộ dân để đủ tài sản thế chấp, đảm bảo cho các khoản vay ngân hàng.
Linh hoạt sản phẩm tín dụng cho nông dân
Theo ông Lê Thanh Hạo Nhiên, Giám đốc Tài chính, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, hiện tại nông dân rất khó tiếp cận vốn vay do không có tài sản thế chấp, không chứng minh được mục đích sử dụng vốn. Dòng vốn rơi vào tình trạng thắt cổ chai tại các doanh nghiệp.
Do đó, cần chính sách hỗ trợ nông dân vay vốn trên cơ sở nông dân tham gia liên kết sản xuất với doanh nghiệp, có hợp đồng đầu ra, hợp đồng bao tiêu để có cơ sở chứng minh rằng họ có nguồn tiền quay về để trả cho ngân hàng.
“Nông dân có thể được cung cấp các khoản vay không phải bằng tiền mà quản lý mục đích sử dụng vốn vay bằng cách cung cấp vật tư nông nghiệp, thuốc, phân bón, giống để đảm bảo mục đích sử dụng vốn. Ngân hàng quản lý được mục đích sử dụng vốn, có tài sản thế chấp là hợp đồng bao tiêu đầu ra cộng thêm quản lý dòng tiền qua tài khoản cá nhân của nông dân, khuyến khích nông dân mở tài khoản để kiểm soát dòng tiền. Ðây là cơ sở để ngân hàng có cơ chế cho nông dân vay hợp tác sản xuất với doanh nghiệp và giải quyết các nút thắt cổ chai này”, ông Nhiên đề nghị.