Chỉ vì chút ham chơi với bạn bè mà cô từ Đà Nẵng lạc đến tận TP.HCM, bươn chải biết bao nhiêu công việc để sống sót.
Nhiều cảm xúc khán giả được viết: "Thương quá, chỉ là một đứa trẻ mà phải trải qua quá nhiều chuyện", "Hồi tui còn nhỏ có mẹ mà còn cực khổ làm phụ mẹ nuôi em. Huống hồ sống cô độc một thân một mình".
Tuổi thơ đau khổ kể trong Như chưa hề có cuộc chia ly
Cô là Phạm Thị Minh Nguyệt, hiện cư ngụ tại thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM.
Cô sống cùng chồng và hai người con tên Quan và Thư trong ngôi nhà thuê, phụ các con làm nghề may rèm cửa. Cô con gái lớn tên Tâm đã lập gia đình có con và ở riêng.
Trailer Như chưa hề có cuộc chia ly
Trước khi có cuộc sống như ngày hôm nay, cô Nguyệt đã phải trải qua biết bao biến cố. Chính Tâm đã gửi thư đến chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly nhờ giúp đỡ cho mẹ.
Dõi theo những nơi cô Nguyệt đến, nghe lời cô kể lại khán giả hình dung ra hành trình đầy khó khăn để có thể tồn tại của một cô bé mới chỉ hơn mười mấy tuổi đầu.
Con đường Nguyễn Huệ và những địa điểm lân cận là tâm điểm của những câu chuyện. Ba lần cô trở về nơi đây là ba giai đoạn quan trọng của cuộc đời.
Lần thứ nhất, cô được một người buôn bán ở con đường này đem về nhà ở Gò Dầu Tây Ninh để nuôi. Công việc hằng ngày là làm việc nhà và chăm em.
Thời gian trôi qua 4 năm, tưởng cuộc đời đã yên ổn thì đứa em nghịch ngợm không may ngã gãy tay. Cô Nguyệt bị mẹ nuôi đánh, rồi đuổi ra khỏi nhà. Ba nuôi đưa ra bến xe, cô về lại con đường Nguyễn Huệ.
Lần thứ hai, từ con đường này, cô được giới thiệu đến Bắc Mỹ Thuận để làm việc. Quãng thời gian đó rất khổ, cô làm đủ thứ việc. Cô Nguyệt suýt chết đuối mấy lần khi kéo lưới bắt cá.
Cô nhớ lại: "Có lần tôi kéo lưới lên thì thấy một con rắn bự. Tôi quăng bỏ lưới làm mất con rắn, bị chủ đánh đòn đau. Rồi tối khi mấy đứa con gái ngủ cùng nhau, có con rắn chui vào cái mền. Sợ quá, tôi xin về nhưng chủ đâu có cho, còn đánh nữa".
Cô lại trốn lên một chiếc ghe chở ổi rồi kể tình thiệt với chủ ghe. Ông chủ thương tình cho cô tiền. Cô lại tiếp tục về lại con đường Nguyễn Huệ.
Lần thứ ba này, Nguyệt đã trở thành thiếu nữ 16 tuổi và vẫn đơn côi. Cô làm đủ thứ việc để kiếm sống: Phụ buôn bán, đi trông con cho người ta:
"Bế em miết hai bên hông tôi đen thui. Chủ ăn cơm xong, tôi mới được ăn. Chỗ ngủ ở dưới bếp. Có tối mình nằm ngủ khóc thút thít bị chủ đánh, rầy giờ này ngủ không lo ngủ cứ khóc khóc như ma vậy", cô kể nghẹn ngào.
Cuối cùng, cô Nguyệt đến làm việc và gắn bó khá lâu với quán cơm của bà Châu - cũng một người phụ nữ nghèo. Bà thương cô và cô cũng thương lại bà như mẹ. Hai người phụ nữ một già một trẻ nương nhau sống.
Và chuyện người yêu mình
Cũng tại quán cơm này cô bước vào giai đoạn mới: có được mái ấm gia đình vào năm 1991.
Chồng cô đến hàng ăn nhậu thì gặp cô, nói lời yêu.
Anh là bộ đội từ chiến trường Campuchia về, vừa mất mối tình cũ. Cô hỏi ý mẹ nuôi, bà bảo cô lấy người yêu mình chứ đừng vội yêu họ. Thế là anh dẫn cô về ra mắt gia đình.
Ai dè, má chồng cô là con của người chủ mà cô từng phụ bán cơm. Cô kể: "Bà gặp hỏi: ủa mày đi đâu đây. Tôi nói con quen cái anh này nè. Bả nói là nó là con trai của tao đó, mày về mày lấy nó mày trị nó đi, thằng này riết lì lắm nói nó không nghe - bả nói vậy đó".
Cuộc hôn nhân của cô Nguyệt đến nhanh chóng, bất ngờ. Từ khi quen và thương cô Nguyệt, anh bỏ nhậu, chí thú làm ăn.
"Đẻ đứa lớn xong ổng hỏi có yêu tôi không? Tôi trả lời tôi không biết tình yêu là gì, từ nhỏ đến lớn đi làm tôi có quen ai đâu mà biết tình yêu. Còn tình cảm bây giờ có con mình nghĩ con thôi", cô cười e thẹn.
Cuộc tìm kiếm gia đình cô Nguyệt không đề cập nhiều. Từ những lời kể khá chính xác về tên mẹ, các anh chị, địa điểm gần nhà… chương trình đã tìm ra được mẹ, em gái và em trai.
Cuộc đời bà Khuê - mẹ cô Nguyệt cũng nhiều biến cố. Mỗi người con bà đều có những người cha khác nhau. Thời chiến tranh loạn lạc những người chồng đi lính không biết sống chết như thế nào. Riêng cô Nguyệt có cha là người Nhật.
Người mẹ ấy cũng đã từng le lói niềm hy vọng khi có người quen kể đã thấy cô ở trong TP.HCM. Người ấy còn hứa dẫn bà đi tìm con. Nhưng thật không may người này lại mất đột ngột.
Giờ đây người em trai út của cô là thầy trụ trì chùa Tam Bảo (Đà Nẵng). Mẹ cô và em về Hội An, làm công quả ở Nam Quang Tự sau đó xuống tóc.
Gặp con bà Khuê không khóc. Bàn tay bà vuốt mái tóc tém ngắn của con gái thất lạc và nói: "Hồi nhỏ tóc con đẹp lắm, ai đi ngang qua đều muốn bồng, giờ y nè".
Bà còn sờ răng của cô Nguyệt như để xác định lại, rồi thốt lên: "Mừng rồi. Nguyệt có hai răng cửa to".
Một chi tiết khá lạ là trong ký ức của cô Nguyệt là hình ảnh cô mặc áo đồng phục đi lạc cùng bạn trong ngày đầu tiên đi học.
Cả hai đi dọc theo đường ray xe lửa, đi xa mãi quên đường về nhà rồi lưu lạc đến TP.HCM.
Nhưng thực tế, mẹ cô khẳng định không đi học. Có lẽ những ký ức trong quá khứ phai dần màu theo thời gian. Hay vất vả quá cô Nguyệt nhớ sai.
Việc đi học có lẽ chỉ là một giấc mơ tuổi thơ. Cũng như vì hồn nhiên trong suy nghĩ của một đứa trẻ, cô lạc mất gia đình. Để giờ đây mấy chục năm sau khi trở lại, cô dường như cũng mang theo cái hồn nhiên ấy.
Như chưa hề có cuộc chia ly: Những con số tháng 11-2023
- 5 cuộc tìm ra.
- 780 đầu thông tin mới được xử lý.
- 109 hồ sơ tìm kiếm mới được lập.
Câu chuyện tìm lại người thân của chị Oanh trong tập 170 Như chưa hề có cuộc chia ly với chủ đề 'Dù đau mấy cũng thành dĩ vãng' ngập tràn trong nước mắt.