Đến làm cao su, không phải di cư nữa
Nhìn ngã ba rẽ vào trụ sở Công ty PTCS Phước Hòa Kampong Thom hiện nay san sát lầu cao, quán xá tấp nập, thật khó mà hình dung thời điểm ba công ty cao su mới thành lập và bắt đầu khai hoang nơi đây chỉ là một giao điểm của hai đường mòn giữa rừng khộp hoang vắng với hai cái lán dân địa phương.
Anh Krech Sok Pheap, phó chủ tịch xã Boeung LaVea (huyện Santuk), cười nói thông qua người phiên dịch: "Hai cái chòi đó giờ là hai nhà xây to, chủ vẫn ở ngay ngã ba đó. Tới giờ chúng tôi vẫn gọi đây là ngã ba Rong Pi, tiếng Khmer nghĩa là hai cái chòi".
Con đường rộng rãi bằng phẳng, xe hơi đi lại thoải mái như bây giờ trong trí nhớ của anh Sok Pheap 15 năm trước chỉ là một đường mòn, xe máy đi cũng gập ghềnh trắc trở. "Thường chỉ có xe bò đi. Đến khi các công ty cao su Việt Nam đầu tư vào, người dân mới có đường để đi lại nhiều", anh Sok Pheap khẳng định.
Là người dân xứ khác về đây đã 23 năm, làm trưởng ấp rồi phó chủ tịch xã, anh Sok Pheap chứng kiến cảnh xã Boeung LaVea vốn là xã vùng xa heo hút đã thay da đổi thịt từng ngày theo tán cao su. Anh nói rành mạch: "Người lao động về làm việc trong vườn cao su nhiều, dân số xã cũng tăng hơn 10 lần trong 15 năm qua. Đến nay cả xã có 7.043 hộ dân thì có 1.425 người là công nhân cao su. Bảy trong số 19 ấp sống dưới tán cao su".
Không chỉ thu hút nhiều dân về nhập cư, làm giàu cho xã, theo anh Sok Pheap, những người Campuchia trong bảy ấp sống cùng cây cao su đã thay đổi cả tập quán lâu đời của họ là không còn di cư, biến động chỗ ở nữa. "Ngoài bảy ấp có nhiều người làm cao su thì người dân 12 ấp còn lại vẫn đang trong tình trạng không ổn định. Nay đây mai đó du canh du cư, làm việc thời vụ, chuyển nơi ở liên tục", anh Sok Pheap kể thêm.
Tình hình an ninh trật tự trong các "ấp cao su" xã Boeung LaVea so với các ấp khác cũng tốt hơn. Thói quen ban ngày đi làm, tối về tiệc tùng rồi cãi vã, đánh nhau cũng giảm rõ rệt trong các ấp làm cao su. Họ đã biết tích trữ, biết dành dụm.
Khi Chính phủ Campuchia ban hành kế hoạch phát triển các ấp văn hóa trên cả nước, xã Boeung LaVea đã nhanh chóng đạt được chỉ tiêu ở các "ấp cao su" khi phối hợp với Công ty PTCS Phước Hòa Kampong Thom thực hiện tuyên truyền thông qua người lao động. Các tiêu chí không bạo lực gia đình, không mại dâm, không ma túy, không đánh bạc... nhanh chóng được thực hiện nghiêm túc.
Đóng góp quan trọng cho hạ tầng kinh tế
Nếu như miền Đông Nam Bộ Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ đã chứng kiến nhiều thị trấn, làng mạc ra đời theo quá trình phát triển cao su thì 16 năm qua, câu chuyện cũng diễn ra tương tự ở bảy tỉnh Kratie, Ratanakiri, Kampong Thom, Mondul Kiri, Siem Reap, Oddar Meanchay, Preah Vihear (Campuchia) - nơi các công ty của VRG vào đầu tư. Và tất nhiên, với kỹ thuật và tiềm lực hiện nay, tốc độ tiếp tục phát triển nhanh.
Với gần 100.000ha diện tích trồng cao su, các công ty của VRG đã chi hơn 41 triệu USD để xây dựng hơn 4.000km đường, trong đó có gần 1.000km là tuyến đường liên thôn, liên xã. Không chỉ phục vụ dân sinh vùng dự án mà hệ thống giao thông này đã giúp nhiều vùng núi rừng cách trở không còn cảnh heo hút.
Với mật độ dân cư khá thấp ở xứ chùa tháp (khoảng 87 người/km2 theo số liệu điều tra dân số năm 2019), hệ thống hạ tầng điện, nước cũng còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hầu hết các công ty hiện nay đều đã đầu tư kéo mạng lưới điện ba pha vào phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người lao động. Tổng số hạ tầng điện đã đầu tư tính đến nay đã dài hơn trăm km, với mức đầu tư gần 4 triệu USD.
Vấn đề nước sinh hoạt cũng đã được giải quyết khi gần 500 giếng nước sạch được khoan với vốn đầu tư gần 1 triệu USD. Nhiều công ty còn xây dựng nhà máy lọc nước, cung cấp nước uống và nước sinh hoạt đến các nông trường.
Đặc biệt để thu hút lao động, việc xây dựng nhà cửa cho người lao động cũng được đặt lên hàng đầu. Tại các công ty, mỗi nông trường đều có những khu nhà cho người lao động được xây dựng tập trung hàng chục căn.
Ước tính tổng diện tích xây dựng nhà ở của VRG đã đầu tư cho công nhân cao su người Campuchia trong các vườn cao su lên đến hơn 266.000m2 với tổng giá trị hơn 24 triệu USD. Đa số các nông trường dựng nhà sàn gỗ đặc trưng của người Khmer với diện tích nhà hơn 100m2, có khuôn viên sân vườn thoáng mát đảm bảo nhu cầu sống thoải mái của một gia đình sáu người.
Tham quan các vườn cao su VRG trên nước bạn, chúng tôi vẫn thích nhìn những căn nhà đều đặn, ngăn nắp nằm dọc theo các lộ chính giữa màu xanh cao su ngút ngàn. Nhìn từ trên xuống, những ngôi làng công nhân này đông đúc hơn nhiều so với những làng phát triển tự nhiên của người địa phương ở các khu vực lân cận.
Mỗi nông trường các công ty cao su đều đầu tư xây dựng thêm ít nhất một trường học tiểu học, một trạm xá, một ngôi chùa với tổng mức đầu tư hơn 3,4 triệu USD. Mỗi trường tiểu học trong các nông trường cao su thường có đến hàng trăm em học sinh theo học các chương trình từ lớp 1 đến lớp 5, không chỉ là con em công nhân mà tất cả trẻ em trong vùng lân cận đều theo học. Giáo viên do ngành giáo dục Campuchia phân bổ và được hưởng thêm phụ cấp từ các công ty cao su.
Các trạm xá cũng được phân bổ ít nhất một bác sĩ, một y tá theo quy định ngành y tế nước bạn. Những bác sĩ này phần lớn trước đây là người Việt Nam sang và cũng được công ty cao su trả lương để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân trong vùng.
"Trẻ em trong các ấp cao su đã có chỗ đi học, thuận lợi hơn nhiều so với các ấp khác. Đau bệnh thì có trạm xá khám cho. Người già cũng an tâm khi có chùa gần để tập trung sinh hoạt tâm linh mà không phải lặn lội đi xa như trước. Dân về làm cao su thì có sẵn nhà, có sẵn việc, con cái được đi học, còn có nơi để ốm đau tìm tới. Đó là lý do nhiều người dân về làm cao su đã ở lại và không còn phải tính chuyện di cư nữa", anh Sok Pheap vui vẻ nhận định.
"Khi VRG phát triển cây cao su tại Campuchia đã tạo nên chuyển biến rõ rệt. Đầu tiên là góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn. Bộ mặt nông thôn được thay màu áo mới, góp phần giải quyết việc làm cho người địa phương, tránh lao động phải đi làm xa nhà.
Đây là điển hình tiêu biểu thực hiện an sinh xã hội trên địa bàn. Các hoạt động văn hóa xã hội, thiện nguyện, xây dựng chùa chiền phục vụ tín ngưỡng cho bà con luôn được công ty đóng góp, hỗ trợ tốt. Quá trình hoạt động không chỉ có thành tựu sản xuất mà còn để lại tiếng vang, hình ảnh tốt đẹp với chính quyền địa phương, với bà con trong vùng" - ông Ngoun Ratanak, tỉnh trưởng tỉnh Kampong Thom, chia sẻ.
****************
"Mỗi tháng vợ chồng kiếm được khoảng 700 - 800 USD. Nhiều thứ có sẵn, đâu chi tiêu gì nhiều, con cháu cũng sống tốt cả rồi".
>> Kỳ tới: Đổi đời theo dòng "vàng trắng"
Ngày 1-2-1979, chưa đầy một tháng sau khi chế độ diệt chủng Pol Pot bị nhân dân Campuchia đập tan dưới sự hỗ trợ của bộ đội tình nguyện Việt Nam, những cán bộ ngành cao su Việt Nam đầu tiên đã được cử sang giúp nước bạn khôi phục các vườn cây.