Chưa đầy 5 năm sau khi lệnh trừng phạt của Mỹ gần như khiến Huawei Technologies tê liệt, gã khổng lồ công nghệ đã trở thành ‘cánh tay phải’ quan trọng giúp Bắc Kinh khẳng định vị thế trong cuộc đua chất bán dẫn.
Vai trò của Huawei trong ngành công nghiệp chip Trung Quốc vượt xa những gì các chuyên gia kỳ vọng. Ngoài việc là khách hàng quan trọng đối với các nhà sản xuất và thiết kế chip hàng đầu, Huawei còn có năng lực hỗ trợ tài chính cho các công ty nhỏ hơn trong chuỗi cung ứng.
Hỗ trợ nhà nước dành cho Huawei đã đạt đến độ ‘chưa từng có’, theo Bloomberg. Một mạng lưới các doanh nghiệp nhận vốn từ quỹ đầu tư chính phủ hiện đang tập trung giúp Huawei xây dựng mạng lưới chip tự cung ứng. Nhóm này bao gồm rất nhiều các chuyên gia quang học, nhà phát triển thiết bị chip và nhà sản xuất hóa chất. Kế hoạch nằm trong nỗ lực trị giá 30 tỷ USD nhằm giúp Huawei xây dựng thêm các cơ sở chế tạo chip.
“Huawei hiện là trung tâm. Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đã thúc đẩy Trung Quốc và ngành công nghiệp xích lại gần nhau theo cách mà chúng tôi chưa từng thấy trước đây”, Kendra Schaefer, đối tác của công ty tư vấn Trivium China có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết.
Được thành lập vào năm 1987, Huawei lần đầu tiên ghi được dấu ấn trong ngành thiết bị liên lạc trước khi mở rộng sang mảng điện thoại di động. Hãng nuôi một đàn thiên nga đen trong khuôn viên chính của mình như một lời nhắc nhở rằng bản thân không được phép tự mãn và lơ là trước mọi khủng hoảng trước mắt.
Hơn một thập kỷ trước, trong bối cảnh hoạt động kinh doanh bùng nổ, nhà sáng lập Ren tuyên bố việc tiếp tục đầu tư nghiên cứu chất bán dẫn chính là cách duy nhất giúp Huawei ngăn chặn những mối đe dọa từ bên ngoài. “Chúng ta không thể chết chỉ vì một sản phẩm nào đó”, ông Ren nhấn mạnh.
Sau khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen vào năm 2019, ông Ren chạy đua thiết kế lại bảng mạch và phần mềm để Huawei có thể hoạt động mà không cần đến công nghệ Mỹ. Vào thời điểm bận rộn nhất, nhiều nhân viên Huawei thậm chí còn không rời khỏi công ty trong nhiều ngày, sống bằng mì ăn liền và ngủ trên ghế.
Chính nỗ lực hết mình đó đã giúp Huawei sống sót. Cũng trong khoảng thời gian này, Trung Quốc bắt đầu tăng cường hỗ trợ, mở đường cho các công ty trong nước phát triển như ngày nay.
Chiếc điện thoại thông minh Mate 60 Pro được cho là sản phẩm thể hiện sâu sắc nhất sự gắn kết giữa giữa Huawei và chính phủ Trung Quốc khi phần lớn các linh kiện tiên tiến đều được sản xuất tại đại lục, đặc biệt là bộ xử lý 7 nanomet của SMIC. Theo Bloomberg, trung tâm của mạng lưới các doanh nghiệp nhà nước đang hỗ trợ Huawei nằm ở quỹ đầu tư Thâm Quyến, nơi Huawei đặt trụ sở chính. Tập đoàn Đầu tư Công nghiệp Lớn Thâm Quyến (SMIIG) đã được thành lập vào năm 2019 nhằm hỗ trợ nỗ lực sản xuất chip của Trung Quốc nói chung và Huawei nói riêng.
Theo dữ liệu từ Tianyancha, một nền tảng trực tuyến, SMIIG đã đầu tư vào khoảng chục công ty trong chuỗi cung ứng, trong đó có 3 cơ sở sản xuất chip liên kết với Huawei. Hoạt động quan trọng nhất phải kể đến một công ty có tên SiCarrier Technology, được thành lập vào năm 2021. SiCarrier đã xây dựng mối quan hệ cộng sinh chặt chẽ với Huawei thông qua một bộ phận nghiên cứu nội bộ, hay còn được gọi là Phòng thí nghiệm 2012.
Theo một một nguồn tin thân cận, SiCarrier đang tuyển dụng rất nhiều các kỹ sư ưu tú làm việc trực tiếp trong các dự án của Huawei ở Thâm Quyến và Đông Quan. Phía Huawei cũng đã chuyển giao khoảng chục bằng sáng chế cho SiCarrier, bao gồm công nghệ cách âm cho máy điện tử và thiết kế trung tâm dữ liệu.
SiCarrier hoạt động quanh Thâm Quyến và đặt văn phòng trong một khu công nghiệp liên kết với Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Một cơ sở khác nằm tại tòa nhà sáu tầng bên trong khu công nghiệp nhỏ ở ngoại ô phía đông Thâm Quyến, chuyên sản xuất các bộ phận phục vụ quá trình sản xuất chất bán dẫn như bánh răng, van điều khiển áp suất…Như vậy, SiCarrier đối với Huawei không chỉ đơn thuần là một nhà sản xuất.
Sau khi bị đưa vào danh sách đen, Huawei thuê một số cựu nhân viên ASML. Hai người trong số đó trước đây từng sống ở Hà Lan và đã gia nhập Huawei từ năm 2021 đến 2022.
Được biết, Huawei cũng đang hợp tác với công ty Trung Quốc SMEE, vốn nằm trong danh sách cấm vận của Mỹ, để phát triển công nghệ khắc thạch bản cho chip điện tử. Hãng SMEE đã nghiên cứu kỹ thuật này hơn 10 năm nay song đến nay chưa có nhiều tiến triển.
Việc cho ra mắt chiếc smartphone Mate 60 cho thấy nỗ lực to lớn của Huawei trong việc xây dựng hệ thống chip điện thoại Charlotte – hiện được gọi là Kiri9000S với hiệu năng tương đương dòng chip 2 năm tuổi của Qualcomm. Huawei không đưa ra bất kỳ thông tin nào xoay quanh quá trình này. Chỉ biết, một nguồn lực khổng lồ đã được dồn vào dự án, cộng thêm sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc, để duy trì thị phần cũng như tham vọng sản xuất chip AI. Theo công ty phần mềm TechInsights, dòng chip Kiri9000S được sản xuất dưới quy trình 7 nanomet bởi SMIC - nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất Trung Quốc.
Hiện Huawei đang thúc đẩy hoạt động thương mại và Mate 60 Pro chính là ‘bàn đạp’. Các nhà phân tích kỳ vọng doanh số bán thiết bị cầm tay sẽ tăng vọt lên 40 triệu đến 60 triệu chiếc vào năm tới.
“Các khoản trợ cấp sẽ giúp Huawei hạ giá sản phẩm”, Chris Miller, tác giả cuốn Chip War: The Fight for the World’s Most Critical Technology, cho biết. “Ở nhiều thị trường mới nổi, điều này có thể sẽ giúp hãng giành thị phần”.
Mẫu Mate 60 Pro đánh dấu sự xuất hiện trở lại của một thiết bị có 5G do Huawei sản xuất. Giữa bối cảnh bị hạn chế từ Mỹ, sản phẩm khơi gợi niềm tự hào của người dân, đồng thời trở thành dòng điện thoại bán chạy nhất. Hãng nghiên cứu Counterpoint Research ước tính chỉ riêng mẫu Mate 60 Pro sẽ đạt doanh số ít nhất 7 triệu máy, nếu ‘không có bất kỳ trục trặc nào về nguồn cung’.
Dự đoán Trung Quốc sẽ tiếp tục rót hàng tỷ USD vào cuộc đua chip nhớ bởi một khi bị bỏ lại phía sau, tham vọng phát triển chip AI sẽ bị ảnh hưởng.
“Điều quan trọng đối với Bắc Kinh là họ phải đạt tiến bộ trong giai đoạn này. Thành phố đã thực hiện phân tích toàn bộ chuỗi cung ứng ít nhất kể từ năm 2014. Mục đích của nguồn tài trợ là đầu tư vào một lĩnh vực mà nước này tin mình có thể tạo ra sức ảnh hưởng”, một nhà phân tích nói.
Các chuyên gia trong ngành tin rằng nguồn tài trợ từ chính phủ đã giúp bù đắp chi phí sản xuất chip quá cao. Theo báo cáo thường niên của công ty, Huawei đã nhận được 6,55 tỷ Rmb (948 triệu USD) từ giới chức vào năm 2022, nhiều hơn gấp đôi số tiền một năm trước đó. SMIC cũng nhận được 6,88 tỷ Rmb, song song với hỗ trợ bổ sung từ Quỹ đầu tư công nghiệp mạch tích hợp Trung Quốc.
“Trong nửa đầu năm 2023, hoạt động kinh doanh cơ sở hạ tầng ICT của Huawei tiếp tục phát triển bền vững và ổn định. Mảng thiết bị tiêu dùng cũng ghi nhận dấu hiệu tăng trưởng tích cực”, bà Mạnh Vãn Chu, Chủ tịch luân phiên của Huawei phát biểu.
Hiện tại, SMIC và Huawei đang tăng cường tham vọng sản xuất chip AI. Dòng chip AI Ascend của Huawei đã được các chuyên gia phân tích đánh giá cao dù hiệu suất tổng thể còn kém.
Nguồn tin thân cận cho biết gã khổng lồ internet Tencent, Baidu và Meituan đã mua chip Ascend 910b của Huawei để thử nghiệm quy mô nhỏ. Nhà máy sản xuất con chip này cũng đang nỗ lực mở rộng năng lực sản xuất 7nm cho các chip Huawei đặt hàng trước và phát triển quy trình 5nm tiên tiến hơn. Mục tiêu sản xuất Ascend 910b trong năm tới tăng hơn gấp đôi so với năm 2023. Kỳ vọng hơn 200.000 con chip sẽ được sản xuất.
Tuy nhiên, dấn thân làm chip AI đồng nghĩa với việc Huawei và SMIC phải giành thị phần từ Nvidia. Chip AI lớn hơn bộ xử lý của điện thoại thông minh và do đó, nhiều khả năng bị lỗi trong quá trình sản xuất. Hiện tỷ lệ sản xuất chip Ascend 910b của Huawei chỉ đạt hơn 20%, nghĩa là cứ 5 con chip được sản xuất thì có gần 4 con bị lỗi.
Bắt đầu với việc thành lập Quỹ đầu tư công nghiệp mạch tích hợp Trung Quốc vào năm 2014, Bắc Kinh nuôi dưỡng ngành công nghiệp vi mạch bằng nguồn tài trợ chính phủ. Quỹ đầu tư này đã tích lũy được số tiền khổng lồ 47 tỷ USD trong thập kỷ qua và dự kiến sẽ huy động thêm 41 tỷ USD nhằm củng cố thêm năng lực tự chủ công nghệ của Trung Quốc.
Một báo cáo của công ty nghiên cứu JW Insights, chính phủ đã rót 290,8 tỷ USD vào các lĩnh vực liên quan đến chất bán dẫn trong năm 2021 và 2022, trong đó 1/3 dành cho thiết bị và vật liệu bán dẫn. Động lực đằng sau khoản đầu tư khổng lồ này rất đơn giản: thoát khỏi sự phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu và giành được chỗ đứng vững chắc hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo: Bloomberg, FT