vĐồng tin tức tài chính 365

"Trùm" Mười Tường trốn thuế gần 800 tỷ đồng ra sao?

2023-12-05 14:50

Trong vụ án này, TAND tỉnh An Giang triệu tập 3 bị cáo, 82 người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên trong sáng cùng ngày đến tham dự phiên tòa chưa đến 20 người. Do đó HĐXX đã quyết định tạm hoãn phiên tòa, dời lại ngày 14/12.

Theo cáo trạng, từ năm 2009 - 2020, Nguyễn Thị Kim Hạnh đã thành lập 4 Công ty TNHH, 2 hộ kinh doanh do chính bị cáo và người làm công đứng tên đại diện để đăng ký kinh doanh nhiều lĩnh vực, nhưng chủ yếu là mua bán đường. Nguồn gốc số lượng đường do Hạnh trực tiếp mua, vận chuyển từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ. Trong đó Hạnh đứng tên các Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu (XNK) Hạnh Phát, Công ty THHH XNK Thiên Sứ, Công ty TNHH thương mại (TM) Huỳnh Phát Đạt do Trần Văn Phương và Nguyễn Thị Bé Em làm Giám đốc, Công ty TNHH TM Bình Kim An do Lê Thị Bạch Vân làm Giám đốc. Các Công ty hoạt động theo hình thức khai báo thuế khấu trừ.

Hộ kinh doanh Hạnh Phát do Hạnh thành lập và đứng tên chủ hộ kinh doanh. Từ tháng 11/2015 đến tháng 8/2018, Hạnh nhờ Nguyễn Thanh Thọ (cháu Hạnh) đứng tên, từ tháng 5/2019 do Mai Thị Ngọc Phấn (người làm thuê của Hạnh) đứng tên. Hộ kinh doanh Nguyễn Hoàng Út do Nguyễn Hoàng Út (em ruột Hạnh) đứng tên chủ hộ kinh doanh và đến năm 2018 do Nguyễn Phước Lộc (người làm thuê của Hạnh) đứng tên, rồi đổi thành hộ kinh doanh Lộc Phát. Hai hộ kinh doanh này hoạt động theo hình thức khai báo thuế khoán.

Quá trình điều tra xác định: Với danh nghĩa Công ty Hạnh Phát và hộ kinh doanh Hạnh Phát, Hạnh đã bán đường cho 20 khách hàng với tổng số tiền hơn 3.000 tỷ đồng. Trong đó Công ty Hạnh Phát là gần 2.895 tỷ đồng, hộ kinh doanh Hạnh Phát là hơn 190 tỷ đồng. Để nhận tiền bán đường từ khách hàng, Hạnh kêu những người làm công đứng tên mở các tài khoản ngân hàng và yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào các tài khoản nêu trên mà không chuyển vào tài khoản ngân hàng đã đăng ký với cơ quan thuế. Các tài khoản ngân hàng này đều đăng ký số điện thoại của Hạnh, nhận tin nhắn biến động tài khoản khi khách hàng chuyển tiền đường để Hạnh quản lý. Đồng thời khi mua bán đường, Hạnh không lập hồ sơ kế toán, không xuất hóa đơn bán hàng và kê khai thuế không đúng doanh thu bán ra.

Các bị cáo Hạnh, Võ, Sang tại tòa

Đối với Công ty Hạnh Phát, số tiền doanh thu đã khai báo thuế là gần 105 tỷ đồng, so với số tiền doanh thu thực tế là gần 2.895 tỷ đồng, chênh lệch giảm không khai báo là hơn 2.790 tỷ đồng. Đối với hộ kinh doanh Hạnh Phát, doanh thu bán đường phèn, mật đường phèn số tiền là hơn 190 tỷ đồng, nhưng chỉ khai báo thuế số tiền hơn 15,5 tỷ đồng. Căn cứ kết quả giám định về thuế, xác định số tiền gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước là hơn 755 tỷ đồng.

Quá trình điều tra vụ án còn xác định Nguyễn Thị Kim Hạnh đã chỉ đạo Trần Nguyễn Bảo Thúy, Nguyễn Tường Cẩm Tú rút tiền bán đường cát không xuất hóa đơn để trốn thuế có trong các tài khoản của Huỳnh Bá Kiệm, Phạm Thanh Sang, Nguyễn Tường Cẩm Tố, Phạm Khắc Tường, Nguyễn Thị Kim Xuyến để chuyển vào tài khoản của Nguyễn Văn Võ, Nguyễn Văn Sang nhiều lần với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng. Trong đó Võ nhận 9 lần với số tiền hơn 3,5 tỷ đồng, Sang nhận 11 lần với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng.

Mười Tường được biết đến là "bà trùm" điều hành đường dây buôn lậu vàng, USD, đường cát trên tuyến biên giới Tây Nam. Trước đó bị cáo này lần lượt bị TAND tỉnh An Giang tuyên phạt 3 năm tù về tội "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài", 8 năm tù về tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới", 14 năm tù về tội "Buôn lậu", 23 năm tù về tội "Buôn lậu" và "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới".

Từ tháng 10/2021 đến tháng 01/2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang lần lượt khởi tố Hạnh, Võ, Sang. Tại cơ quan điều tra, Hạnh khai: Từ năm 2010 - 2020, bị can mua bán đường cát, đường phèn, mật đường phèn và vay tiền của nhiều người. Nguồn gốc đường cát bán ra thị trường bị can mua lại của các công ty, đấu giá, mua trôi nổi về trộn lại để bán. Hạnh có quen biết với Võ, Sang và mượn tiền để làm ăn. Sau đó, Hạnh kêu Tú chuyển vào tài khoản của Võ để trả nợ, chuyển cho Sang để mua mô tơ bơm cát và làm từ thiện. Tuy nhiên bị can Hạnh không thừa nhận đã chỉ đạo cho người thân, người quen thuê mở tài khoản, ủy quyền tài khoản, mở công ty, hộ kinh doanh, đứng tên tài sản dùm.

Theo kết luận điều tra, để hoạt động trái pháp luật không bị xử lý, che giấu được số tiền trốn thuế, Hạnh đã câu móc với Võ, Sang (lúc đó là công an) hùn ghe, xe tải tham gia vận chuyển đường cát đem đi bán cho những người trong và ngoài tỉnh. Sau đó Hạnh đã chỉ đạo cho Thúy, Tú chuyển tiền từ doanh thu bán đường không xuất hóa đơn của Hạnh, Võ, Sang tổng tổ tiền gần 5 tỷ đồng...

Tuy Hạnh, Võ, Sang không thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng căn cứ vào các lời khai của những người liên quan, người làm chứng, tài liệu giám định thuế, sao kê tài khoản ngân hàng cùng nhiều chứng cứ khác đã thu thập được có trong hồ sơ vụ án, đủ cơ sở chứng minh Hạnh đã thực hiện hành vi mua bán đường không lập hồ sơ kế toán, không xuất hóa đơn khi bán hàng, kê khai thuế không đúng doanh thu bán ra làm giảm số tiền thuế phải nộp cho ngân sách Nhà nước tổng số tiền hơn 755 tỷ đồng. Ngoài ra Hạnh còn sử dụng số tiền trốn thuế để đưa cho Võ, Sang đầu tư vào việc nuôi cá, gửi tiết kiệm và làm từ thiện nhằm che giấu nguồn gốc tiền buôn lậu đường và trốn thuế là để thực hiện hành vi "Rửa tiền".

Đối với hộ kinh doanh Nguyễn Văn Siêng, Cơ quan CSĐT sẽ tiếp tục điều tra làm rõ hành vi "Trốn thuế". Còn đối với những người mua đường không xuất hóa đơn, nhận uỷ quyền của Hạnh để thực hiện giao dịch chuyển tiền với bên mua đường cát hoặc nhận tiền bán đường cát hộ, đứng tên dùm nhiều tài sản của Hạnh, cơ quan điều tra tiếp tục điều tra làm rõ xử lý sau.

Nguyễn Nhân

Xem thêm: lmth.731651_oas-ar-gnod-yt-008-nag-euht-nort-gnout-ioum-murt/et-hnik-hnin-na/nv.moc.nagnoc

Comments:0 | Tags:An ninh kinh tế

“"Trùm" Mười Tường trốn thuế gần 800 tỷ đồng ra sao?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools