Bước tiến mới nhất trong phát triển tàu siêu tốc, hay còn gọi là “tàu bay trên mặt đất” mà Trung Quốc đạt được là công trình chính của giai đoạn 1 dự án tuyến đường thử nghiệm tàu siêu tốc ở thành phố Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây, miền Bắc nước này vừa hoàn thành trong tháng 11. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã làm xong đường ống chân không để chạy thử tàu siêu tốc 1.000km/h.
Trước đó, hồi tháng 1 năm nay, các kỹ sư Trung Quốc đã lần đầu tiên thử nghiệm thành công tàu đệm từ tốc độ siêu cao chạy trong đường ống chân không ít ma sát. Đây cũng là lần đầu tiên hệ thống tàu sử dụng công nghệ hyperloop (siêu tốc), vốn mang nhiều ưu điểm hơn so với công nghệ tàu cao tốc thông thường, thử nghiệm thành công tại Trung Quốc.
Bà Lý Bình (Li Ping), thành viên nhóm dự án “tàu bay cao tốc” của Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc, chia sẻ trên truyền thông nước này cho biết: “Tàu bay cao tốc đã chuyển từ trạng thái tĩnh sang động. Đây là thử nghiệm tích hợp của toàn bộ hệ thống, tức tích hợp nhiều hệ thống con lại với nhau. Thông qua thử nghiệm này, bước đầu có thể xác minh tính hợp lý về mặt khoa học đối với thiết kế tổng thể của tàu bay cao tốc”.
Tại cuộc thử nghiệm, nguyên mẫu tàu đệm từ đã thực hiện ba lần chạy tại một đường ống thử nghiệm đệm từ siêu dẫn. Kết quả cho thấy, con tàu đã hoạt động bình thường khi tốc độ tàu vượt quá 50km/h trên tuyến đường thử nghiệm dài 210m.
Dự án tuyến thử nghiệm tàu siêu tốc ở thành phố Đại Đồng được phê duyệt tháng 9/2021 và khởi công xây dựng vào tháng 4/2022. Để đẩy nhanh tiến độ, nhóm thực hiện dự án đã áp dụng mô hình “vừa xây dựng, vừa tích hợp, vừa thử nghiệm” và đã hoàn thành việc xây dựng hạ tầng của cơ sở thử nghiệm và đoạn đầu tiên của tuyến đường thử nghiệm, cũng như việc tích hợp thiết bị và thử nghiệm toàn bộ quy trình trong vòng chưa đầy một năm. Ở thời điểm hiện tại, đường ống chân không dùng để thử nghiệm này chỉ dài 2 km.
Bà Lý Bình cho biết thêm: “Mục tiêu của chúng tôi là đạt tốc độ 1.000 km/h. Tiếp theo, chúng tôi sẽ tiến hành nhiều thử nghiệm hơn trên tuyến đường thử nghiệm của dự án giai đoạn 1 ở Đại Đồng để xác minh độ tin cậy của toàn bộ hệ thống. Trong những bước tiếp theo, chúng tôi sẽ kéo dài hơn tuyến đường thử nghiệm, sau đó thực hiện một số xác minh ở khoảng cách xa hơn và tốc độ cao hơn”.
Được biết, ngay từ phương án đưa ra năm 2017 cho dự án đường sắt tốc độ siêu cao kết hợp giữa công nghệ đệm từ trường, công nghệ bay siêu âm và công nghệ đường ống chân không, Trung Quốc đã đặt ra kế hoạch ba bước với ba mục tiêu là 1.000 km/h, 2.000 km/h và 4.000 km/h.
Tàu siêu tốc này có thể được sử dụng để vận chuyển giữa các cụm siêu đô thị trong tương lai. Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng mới đây dẫn lời của các nhà khoa học Trung Quốc trong một bài viết đăng trên tạp chí “Thiết kế tiêu chuẩn đường sắt” cho biết, qua nghiên cứu, họ đã chọn ra 6 tuyến đường sắt đủ điều kiện nhất để triển khai dự án tàu siêu tốc. Trong đó, tuyến đường dài 150km nối hai thành phố giàu có ở bờ biển phía Đông nước này là Thượng Hải và Hàng Châu được cho là khả thi hơn cả. Nếu được đưa vào sử dụng, người ta sẽ chỉ mất 9 phút để di chuyển giữa hai nơi này.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mục tiêu tốc độ 1.000 km/h khó có thể đạt được trong một sớm một chiều, mà đòi hỏi phải thực hiện rất nhiều các cuộc thử nghiệm.
Hiện nay, Trung Quốc đang vận hành mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới, với tổng chiều dài hơn 42.000 km và tốc độ có thể lên tới 400km/h. Trên thực tế, ý tưởng tàu siêu tốc không mới bởi đã từng được tỉ phú người Mỹ Elon Musk nhen nhóm từ năm 2012, nhưng với nền tảng công nghệ tàu cao tốc hiện có và quyết tâm thực hiện dưới sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ, ý tưởng này rất có thể sẽ trở thành hiện thực ở Trung Quốc trong tương lai không xa.