Suốt 8 năm, Tiến sĩ Fernando García-Bastidas miệt mài nhân giống đậu ở quê hương Colombia với mong muốn tạo ra được loại bia thơm hơn, có hương vị hơn. Tuy nhiên thời gian gần đây, mối quan tâm của ông gần chuyển sang một loại trái cây mới tại Nariño, khu vực giáp ranh với Ecuador: Chuối. Vị Tiến sĩ này đã tiến hành nghiên cứu đủ các giống loại, từ hoang dã, giống lai quý hiếm đến dòng phổ biến tiêu thụ trong khắp các siêu thị, từ đó tình cờ phát hiện ra cách mà Mẹ Thiên nhiên âm thầm tiêu diệt chúng.
Vào tháng 7/2019, García-Bastidas bay từ Hà Lan đến Colombia để khảo sát một đồn điền chuối. Mặc đồ bảo hộ kín mít cùng chiếc ủng to ngoại cỡ, ông tiến vào cánh đồng và nhanh chóng nhận ra rất nhiều cây con đang rũ xuống. Cẩn thận bóc tách từng lớp thân, thứ đập vào mắt García-Bastidas khiến ông thốt lên: “Chết tiệt. Đây là Fusarium”.
Suốt 40 năm qua, nông dân, nhà khoa học và các nhà sản xuất lớn trong ngành vô cùng lo lắng khi chứng kiến nấm Fusariumodoratissimum, hay Tropical Race 4 (TR4), xâm chiếm các đồn điền chuối tại Đông Nam Á. Vào năm 2013, Tiến sĩ García-Bastidas lần đầu tiên tìm thấy chúng ở Jordan và chẳng bao lâu sau, loại nấm này đã tràn vào các cánh đồng chuối ở châu Phi.
Fusarium thấm sâu vào đất, tấn công rễ chuối và nhanh chóng xâm chiếm toàn bộ hệ dinh dưỡng, khiến cây thối rữa dần từ bên trong trước khi nảy quả. Đáng tiếc, không có phương pháp điều trị hay phòng ngừa nào. TR4 sẽ lưu lâu trong đất và tiếp tục hủy hoại những mùa màng tiếp theo.
Người ta luôn lo sợ rằng TR4 sẽ xâm nhập vào châu Mỹ Latinh, nơi thời tiết không có sương giá và đất phù sa trù phú thuận lợi cho việc trồng chuối Cavendish, loại chuối được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới. Một số giống khác có thể sống hòa hợp với Fusarium, song hầu hết đều không có giá trị thương mại: quả nhỏ, nhiều hạt, quá chua và dai.
Ngược lại, giống Cavendish lại cho ra những quả chuối tuyệt vời: Đủ cứng để trải qua những ngày dài vận chuyển, không chín quá nhanh và đặc biệt, sản lượng luôn ở mức cao. Kết quả, chuối Cavendish chiếm tới 99% lượng xuất khẩu toàn cầu. Năm 2022, các quốc gia Trung và Nam Mỹ đã vận chuyển hơn 16 triệu tấn chuối này ra nước ngoài. Hầu hết đều được tiêu thụ trong các siêu thị.
Có thể nói, người Mỹ mua chuối nhiều hơn bất kỳ loại trái cây nào khác. Không có họ, ngành chuối toàn cầu trị giá 25 tỷ USD chắc chắn sẽ sụp đổ.
Tuy nhiên, chuối Cavendish lại rất dễ bị ảnh hưởng bởi TR4. Gần 8.000 mẫu Anh trên 17 trang trại chuối hiện đang được kiểm dịch tại Colombia - quốc gia xuất khẩu chuối có năng suất cao thứ tư trên thế giới. Những khu vực khác đang bật chế độ cảnh giác nghiêm trọng.
Sau khi phát hiện ra nấm TR4 tại Colombia, quan chức chính phủ và hiệp hội những người trồng chuối nước này vội tăng cường “kiểm dịch thực vật”. Dole Plc và Chiquita Brands International - hai công ty lớn nhất trong ngành kinh doanh chuối thậm chí còn tham gia Liên minh toàn cầu chống TR4 để theo dõi và kiểm tra sự lây lan của nấm trên khắp châu Mỹ Latinh.
Để tìm ra cách ngăn chặn TR4, vào tháng 4, Dole đã trồng hàng chục cây chuối Cavendish biến đổi gen tại một trong những cánh đồng bị nhiễm bệnh ở Colombia. Một số cây được chỉnh sửa gen để tạo ra protein chống nấm và tăng cường khả năng phòng vệ. “Chúng ta không thể thất bại được”, Giám đốc điều hành của Elo, Todd Rands cho biết.
Hoạt động buôn bán chuối bắt đầu vào năm 1870, sau khi một thuyền buôn từ Jamaica cập bến với 160 chùm chuối được gọi là Gros Michel. Đến năm 1900, người Mỹ tiêu thụ 15 triệu nải Gros Michel mỗi năm.
Thế rồi, giống Cavendish xuất hiện. Năm 1965, quả chuối Gros Michel cuối cùng đã được bán ở Mỹ. Cavendish dù không ngọt hay cứng bằng, song lại là lựa chọn tốt nhất để xuất khẩu.
Việc thế giới chỉ dựa vào một loại chuối nghe có vẻ thiển cận, song sản xuất hàng loạt giúp đảm bảo năng suất cao. Chi phí cũng có thể dễ dàng được kiểm soát được bằng cách tiêu chuẩn hóa các phương pháp trồng và thu hoạch. Đó là lý do vì sao chuối, được vận chuyển đến đủ những khu vực xa xôi nhất trên bản đồ, đã phát triển trở thành ngành công nghiệp trị giá 25 tỷ USD.
Mãi đến những năm 1980, khi giống Cavendish được trồng ở Đông Nam Á, người ta mới nhận ra nó dễ bị tổn thương bởi TR4 như thế nào. Các vùng trồng chuối rộng lớn ở Malaysia và Indonesia đặc biệt gặp rủi ro.
Theo García-Bastidas, điều đáng sợ nhất là nhiều chủng Fusarium khác nhau sẽ tồn tại ở những dạng riêng biệt trong nhiều thiên niên kỷ. Nhiều chủng còn phát triển tại những môi trường cận nhiệt đới giá lạnh.
Đến năm 2016, Dole hợp tác với Quỹ Nghiên cứu Nông nghiệp Honduras để cố gắng xác định các giống chuối có khả năng kháng nấm. Năm năm sau đó, công ty này trích dẫn TR4 như là một mối đe dọa nghiêm trọng trong hồ sơ gửi chính phủ Mỹ và thừa nhận: “Chúng ta có thể không ngăn chặn được sự lây lan của TR4. Chúng ta cũng có thể không phát triển được giống chuối có khả năng kháng bệnh hoàn toàn”.
Cho đến nay, Dole đã chi gần 20 triệu USD cho các nỗ lực cách ly và phòng ngừa. Công ty cũng đang tìm kiếm một giải pháp khác và bắt đầu hợp tác với Elo Life Systems.
Vào tháng 7, phóng viên Bloomberg đã đến Durham, nơi Elo đang thực hiện dự án biến đổi gen Cavendish. Rands, Giám đốc điều hành Elo Life Systems từ năm 2022, gọi sứ mệnh chính của công ty là “nông nghiệp phân tử”, trong đó, kỹ thuật tiên phong là áp dụng quy trình di truyền tạo ra chất làm ngọt, sau đó tái tạo chúng trong bộ gen của dưa hấu, củ cải đường và các loại cây trồng khác ở Mỹ.
Matt DiLeo, phó chủ tịch phát triển sản phẩm của Elo, đã đưa phóng viên Bloomberg đi tham quan cơ sở nghiên cứu. Nhận thức được mối đe dọa mà TR4 gây ra, công ty đã chủ động liên hệ với Dole.
Tại đây, công ty trồng chồi chuối non trong những chiếc hộp nhựa trong suốt có mã vạch. Đất chứa rất nhiều chất dinh dưỡng và hormone - đủ để nuôi dưỡng những chiếc rễ cực nhỏ.
Để kiểm tra xem cây con có dấu hiệu kháng TR4 hay không, các nhà khoa học của Elo đã cắt chồi, nhúng chúng vào dung dịch bào tử nấm, sau đó trồng vào đất trong buồng tăng trưởng riêng. “Mất 13 ngày để cây có chết hay không”, DiLeo nói.
Giống Cavendish chứa hơn 30.000 loại gen, vượt quá con số 20.000 được tìm thấy ở người, song các nhà khoa học của Elo chỉ đang nhắm mục tiêu nghiên cứu khoảng 100. Công việc này đã kéo dài khoảng 3 năm và tốn rất nhiều công sức.
Sau khi tham quan các buồng sinh trưởng, hai người bước vào phòng thí nghiệm nơi Jack Wilkinson, giám đốc Elo, tìm hiểu cách Cavendish có thể đối phó với sự lây nhiễm nhanh.
“Nếu bạn có thể làm chậm quá trình phát triển của nấm, cây sẽ có thêm cơ hội tự bảo vệ mình”, ông nói và cho phóng viên Bloomberg xem một đĩa petri chứa đầy protein kháng nấm và những chấm đen nhỏ—bào tử TR4. Việc các bào tử này không hoạt động đồng nghĩa với việc các protein đã ức chế thành công sự phát triển của nấm Fusarium.
Protein kháng nấm sau đó được gửi đến khu nuôi cấy mô - một phòng thí nghiệm đối diện văn phòng của Wilkinson. Đây là nơi Taylor Frazier-Douglas, một nhà khoa học của Elo, tạo ra những cây chuối thực sự.
“Hầu hết mọi người đều không biết rằng chuối họ ăn hàng ngày đang trên bờ vực tuyệt chủng”, Frazier-Douglas nói.
Công nghệ biến đổi gen là giải pháp, song không ai biết liệu người tiêu dùng có chấp nhận ăn chuối biến đổi gen hay không. Công ty Dole thừa nhận rằng người mua hàng và chính phủ có thể có cái nhìn bất lợi về chúng.
Một bài báo xuất bản năm 2018, chưa đầy một năm trước khi Tiến sĩ García-Bastidas tìm thấy TR4 ở Colombia, lưu ý rằng mặc dù 88% nhà khoa học cho rằng thực phẩm biến đổi gen là an toàn song chỉ có 37% người Mỹ đồng tình với điều đó. Mỹ đã thông qua luật liên bang vào năm 2022 yêu cầu phải dán nhãn “công nghệ sinh học” hoặc “có nguồn gốc từ công nghệ sinh học” trên nhãn các loại thực phẩm có thành phần biến đổi gen. Liên minh Châu Âu cũng có các quy định nghiêm ngặt về loại cây trồng này.
Tuy nhiên, nếu muốn tiếp tục ăn chuối, chúng ta có thể sẽ không còn sự lựa chọn nào khác. “Chúng tôi đã đạt đến giới hạn rồi”, DiLeo nói. “Cách duy nhất mà chúng tôi có thể dùng để giải quyết vấn đề này là sử dụng công nghệ sinh học”.
Theo: Bloomberg Businessweek