Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực
Theo báo Công thương, số liệu mới nhất của Bộ Công Thương, trong bối cảnh khó khăn chung của 11 tháng qua, xuất khẩu các sản phẩm của ngành nông nghiệp tiếp tục có những đóng góp ấn tượng, là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu cả nước, đặc biệt là các nhóm hàng nông sản như: Gạo, rau quả, cà phê, hạt điều. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản trong tháng 11 ước đạt gần 3 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây cũng là nhóm hàng duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng trong 11 tháng năm 2023, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 29,5 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước.
Nổi bật trong nhóm này là mặt hàng hàng rau quả với kim ngạch xuất khẩu trong tháng 11 ước đạt 500 triệu USD, tăng 65,2% so với cùng kỳ năm 2022. Qua đó, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 11 tháng năm 2023 đạt 5,32 tỷ USD, tăng 74,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với mặt hàng rau quả, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, Việt Nam tham gia hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua việc ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương; cùng với đó là các cơ quan chức năng đẩy mạnh xúc tiến, mở rộng thị trường, thúc đẩy các giải pháp tạo thuận lợi thương mại… đã giúp xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt kỷ lục hơn 5 tỷ USD.
Ngoài ra, do Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của rau quả Việt Nam nên khi nước này mở lại một số cửa khẩu từ đầu năm nay, cùng với những nghị định thư được ký kết từ cuối năm 2022 cũng là một trong những nguyên nhân chủ lực thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng trưởng.
Thời gian qua, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc cũng hưởng lợi khi Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt thêm 230 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam, nâng tổng số lên 343 cơ sở được cấp phép. Đây cũng chính là động lực lớn cho tăng trưởng xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường này. Hiện sầu riêng và mít là 2 mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất vào thị trường Trung Quốc.
Cùng với gạo, rau quả cũng là điểm sáng trên bức tranh xuất khẩu. Lượng gạo xuất khẩu tháng 11 tăng 19,3% và kim ngạch xuất khẩu tăng 59,6% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 11 tháng, lượng gạo xuất khẩu đạt 7,75 triệu tấn, tăng 16,2% và kim ngạch xuất khẩu gạo ước đạt 4,4 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, giá gạo Việt Nam xuất khẩu tuần qua tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong 3 tháng nhờ nhu cầu mạnh mẽ.
Tuần qua (27/11-3/12), giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam tăng từ mức 650 - 655 USD của tuần trước đó lên 655 - 665 USD/tấn. Các thương nhân xuất khẩu cho rằng, giá chào bán gạo của Việt Nam tiếp tục vững giá và tăng nhẹ do nguồn cung trong nước có phần hạn chế. Bên cạnh đó, giá nội địa hiện cũng ở mức cao, áp lực lên giá xuất khẩu, buộc các doanh nghiệp phải chào bán ở mức cao mới có lãi.
Thời gian qua, nhờ kịp thời tăng sản lượng, xuất khẩu gạo đã đạt hơn 7,7 triệu tấn với giá trị hơn 4,4 tỷ USD, tăng hơn 16% về khối lượng và hơn 36% về giá trị. Đáng chú ý, chỉ đến giữa tháng 11, kết quả xuất khẩu gạo đã vượt kết quả của cả năm 2022 (cả năm 2022 đạt 7,1 triệu tấn, kim ngạch đạt 3,45 tỷ USD).
Ở nhóm ngành hàng công nghiệp, nhiều mặt hàng thế mạnh có xu hướng suy giảm về kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước. Chỉ có một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng như: Kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng tới 20,2%, điện thoại các loại và linh kiện tăng 3,9%, dây điện và cáp điện tăng 10,2%; sắt thép các loại tăng 25,4%...
Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu
Theo Vietnamplus, để đẩy mạnh xuất khẩu, trong thời gian tới, các bộ ngành cần nỗ lực đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, trong đó có hoàn tất đưa vào thực thi Hiệp định FTA với Israel, ký kết các hiệp định FTA, hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, Mercosur…) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Các bộ ngành cần đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng trong nước, nhất là các mặt hàng có nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào nội địa để hạn chế nhập khẩu và chủ động nguồn cung. Thường xuyên rà soát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm...
Đảm bảo năng lượng và điện cho sản xuất, tiêu dùng trong mùa cao điểm nắng nóng. Kịp thời có giải pháp hỗ trợ một số ngành, lĩnh vực chịu tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ...
Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần tiếp tục tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các hiệp định FTA, trong đó đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định.
Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới…
Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam-Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.
Các bộ, ngành tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại; hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện; kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, hiệp hội về thông tin, nhu cầu, quy định mới của thị trường.
Đào Vũ (T/h)