Cụ thể, theo số liệu mới nhất, các ngân hàng đã vay mượn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm trên 95% khối lượng giao dịch) 223.789 tỷ đồng, với lãi suất 0,16%/năm - tương đương giai đoạn dịch Covid-19.
Các kỳ hạn chủ chốt khác như 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng cũng đã giảm so với phiên liền trước, về lần lượt 0,37%/năm; 0,43%/năm và 1,02%/năm.
Lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm và vẫn ở vùng đáy lịch sử trong gần một tháng trở lại đây, cùng thời điểm Ngân hàng Nhà nước bơm trả cho hệ thống ngân hàng toàn bộ số tiền đã hút về qua kênh tín phiếu, đưa lượng lưu hành về mức 0.
Trước đó, từ cuối tháng 9, Ngân hàng Nhà nước hút ròng liên tục trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dư thừa và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021.
Động thái phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước khi đó được các công ty chứng khoán nhận định nhằm điều chỉnh thanh khoản trong hệ thống trong ngắn hạn, giúp thu hẹp chênh lệch với lãi suất USD, giảm bớt áp lực lên tỷ giá.
Hoạt động bơm, hút tiền qua kênh tín phiếu là nghiệp vụ thông thường của Ngân hàng Nhà nước, tác động đến lượng tiền trên thị trường liên ngân hàng (nơi các nhà băng cho vay lẫn nhau), không lưu thông trên thị trường dân cư.
Sau 35 phiên phát hành liên tiếp với tổng quy mô hơn 360.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước đã dừng hoạt động chào bán tín phiếu từ ngày 9/11. Cùng với việc đáo hạn các đợt phát hành từ tháng 9, mỗi phiên có hàng nghìn tỷ đồng được bơm lại hệ thống ngân hàng. Lượng lớn tín phiếu đáo hạn đã góp phần hỗ trợ đà giảm của lãi suất liên ngân hàng những tuần qua.
Báo cáo thị trường tài chính tiền tệ của một công ty chứng khoán ghi nhận Ngân hàng Nhà nước không thực hiện thêm giao dịch nào trên thị trường mở, đồng thời bơm trả lại hệ thống thanh khoản hơn 58.000 tỷ đồng trong tuần trước.
Đơn vị này cũng ước tính, tuần đầu của tháng 12 sẽ ghi nhận khoảng 15.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, toàn bộ lượng tiền Ngân hàng Nhà nước đã hút sẽ quay trở lại hệ thống.
Bên cạnh đó, thanh khoản hệ thống ngân hàng dư thừa cũng do tình trạng tăng trưởng tín dụng ở mức thấp dù ở giai đoạn cao điểm cuối năm - trái ngược với diễn biến năm trước, các ngân hàng đầy "room" tín dụng, phải xin thêm.
Tính đến ngày 23/11, dư nợ toàn hệ thống tăng 8,38% so với cuối năm ngoái. Với mục tiêu tăng trưởng 14,5% đặt ra trước đó, dư địa còn lại để các tổ chức tín dụng mở rộng tăng trưởng tín dụng khoảng 6,2% tương đương hơn 730.000 tỷ đồng có thể "bung" ra thị trường.
Phía các ngân hàng thương mại cũng liên tục điều chỉnh giảm biểu lãi suất huy động, có bên giảm xuống mức thấp nhất lịch sử.