Vấn đề lớn hơn, tôi nghĩ nằm ở chuyện giáo dục nhân cách vẫn chưa thật sự được chú trọng trong trường học, dù nhiều trường vẫn còn treo bảng câu "Tiên học lễ - Hậu học văn".
Không ít phụ huynh cũng chưa quan tâm đến giáo dục nhân cách. Làm chủ tịch hội đồng trường, tôi thường có những cuộc tiếp đón phụ huynh muốn tìm hiểu về việc học của con.
Nhưng từ trước đến nay, các câu hỏi của phụ huynh thường chỉ về chương trình học: vì sao học môn này nhiều, môn kia ít; kết quả thi cử, cách ôn tập ra sao... Không một phụ huynh nào hỏi các vấn đề liên quan chuyện giáo dục nhân cách cho con.
Nhìn rộng ra có thể thấy để thu hút phụ huynh, các quảng cáo tuyển sinh của các trường học hiện nay chỉ giới thiệu về chương trình học, cơ sở vật chất, không đề cập đến giáo dục nhân cách.
Giáo dục nhân cách cho học sinh cần sự đồng bộ và kiên định của các mắt xích gồm Nhà nước, trường học và gia đình. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, có thể thấy thời lượng học dành cho giáo dục nhân cách hiện quá ít ỏi.
Ở cấp tiểu học, số tiết đạo đức chỉ mỗi tuần một tiết, muốn tìm thêm giờ để dạy học sinh những điều hay về nhân cách cũng không có thời gian.
Lên cấp II thì càng không thể, các giáo viên buộc phải chạy theo chương trình, hoàn thành số tiết và giúp học sinh vượt qua các kỳ thi.
Về phía nhà trường, tôi nghĩ cần sự dũng cảm theo đuổi triết lý giáo dục là đem lại những gì tốt nhất cho học sinh, đồng thời dành thời gian để đào tạo thêm cho giáo viên.
Một điều đáng buồn là trong những buổi tập huấn, tôi nhận thấy một số giáo viên trẻ thiếu sự thấu cảm. Họ giống như những "thiếu niên lâu năm" và không thể làm gương. Ví dụ nhiều giáo viên trẻ dạy học sinh về ăn uống lành mạnh nhưng chính họ lại mỗi ngày uống... ba ly trà sữa.
Về phía phụ huynh, tôi nghĩ cần thấy việc giáo dục nhân cách là quan trọng và có sự đồng hành cùng nhà trường. Khi xảy ra những chuyện không hay, một số phụ huynh thường làm ầm lên thay vì bình tĩnh cùng nhà trường tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra cách giải quyết.
Ngoài ra, nhiều phụ huynh dùng mạng xã hội để làm áp lực cho giáo viên. Tôi từng chứng kiến câu chuyện một học sinh khi bị nhắc nhở trong thư viện đã trả lời rằng: "Con không sợ, con về méc mẹ đưa lên YouTube".
Sự đồng hành của phụ huynh là vô cùng quan trọng. Nếu thay sự đồng hành bằng những áp lực thông qua mạng xã hội, giáo viên có thể sợ dạy.
Thực tế hiện nay một số giáo viên bắt đầu truyền tai nhau cứ nhắm mắt làm ngơ hay đừng đụng đến học sinh dù các em có sai.
Bởi họ sợ chỉ cần nghiêm khắc một chút, họ cũng dễ bị phụ huynh tấn công. Khi thầy cô có tâm lý "cứ thờ ơ, sẽ an toàn" thì người chịu hậu quả cuối cùng không ai khác chính là học sinh.
Nói về việc cô giáo bị học sinh nhốt, ném dép ở Tuyên Quang, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói đó là việc không thể chấp nhận được, nhưng phải làm rõ nguyên nhân và tìm hiểu khách quan.