"Uống sữa để yêu nước"
Anh Jian Yi, một công dân 43 tuổi tại Bắc Kinh vẫn còn nhớ như in thời kỳ thập niên 1990 khi truyền hình tràn ngập những quảng cáo về uống sữa. Mọi người khi đó được tuyên truyền rằng uống sữa sẽ cứu đất nước, khiến Trung Quốc trở nên cường thịnh hơn và sánh vai cùng các quốc gia khác.
Trên thực tế, 95% người Trung Quốc như anh Jian khó tiêu hóa Lactose trong sữa, hay nói cách khác là họ mắc chứng khó tiêu khi sử dụng sản phẩm này. Cha mẹ của anh Jian chưa bao giờ uống sữa thời niên thiếu trong khi cả một thế hệ Trung Quốc chẳng biết mấy đến mùi sữa qua những năm tháng bao cấp.
Bữa ăn truyền thống của người Trung Quốc không đi kèm nhiều với sữa hay những sản phẩm khác từ sữa. Từ thời phong kiến, các vua chúa như thời nhà Thanh cũng không dùng nhiều sữa trên bàn ăn. Trước khi mở cửa cải cách kinh tế, lượng cung cấp sữa tại Trung Quốc là rất hữu hạn, chỉ một số thành phần đặc biệt như các quan chức, vận động viên, trẻ em, tri thức và quân đội là may ra được nếm vị sữa.
Khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế vào thập niên 1980, sữa bột bắt đầu xuất hiện nhiều hơn ở các cửa hàng mậu dịch và chỉ được mua bằng tem phiếu. Bố mẹ của Jian cũng mua sữa cho anh dù rất đắt bởi họ nghĩ chúng là thực phẩm xịn, tốt cho con mình. Anh Jian mặc dù chẳng thích uống sữa do khó hấp thụ Lactose nhưng vẫn phải cố vì sự đắt đỏ của sữa.
Kể từ giai đoạn này, Trung Quốc tích cực đẩy mạnh việc uống sữa trong dân chúng nhằm cải thiện sức khỏe, thể trạng, chiều cao và nhiều thứ khác. Năm 1949, khi mới thành lập đất nước Trung Quốc chỉ có hơn 120.000 con bò thì đến nay, quốc gia này đã có khoảng 13 triệu con bò sữa và là nơi sản xuất sữa lớn thứ 3 thế giới. Lượng tiêu thụ sữa bình quân trong người dân cũng tăng từ gần 0 lên 30kg/năm.
Trong vòng 30 năm từ khi đổi mới, sữa đã được coi là biểu tượng của một xã hội hiện đại, phát triển. Trên thực tế, chính quyền Bắc Kinh đã coi việc người dân uống sữa là một trong những mục tiêu quan trọng để phát triển đất nước.
Nguyên nhân là chính phủ Trung Quốc cần nâng cao chất lượng sống của nhân dân, để họ có thể tiếp xúc được với những sản phẩm giàu protein như thịt, sữa, qua đó giảm bớt chênh lệch giàu nghèo, cũng như gia tăng uy tín chính quyền sau thời kỳ bao cấp. Vào thời kỳ đó tại các vùng nông thôn, khoảng 1/5 số trẻ em bị suy dinh dưỡng, thiếu chiều cao hoặc gặp các vấn đề về sức khỏe do đói ăn.
Bởi vậy, kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc là công nghiệp hóa ngành chăn nuôi, sản xuất sữa từ tình trạng manh mún, cá thể, đồng thời tăng gấp 3 lần lượng sản phẩm sữa tiêu thụ trong người dân.
Công cuộc chuyển đổi này của Trung Quốc không hề nhỏ. Chúng không chỉ bao gồm việc phát triển thị trường tiêu thụ sữa từ con số không hay tìm giải pháp cho việc khó hấp thụ Lactose trong người dân, mà còn là cổ phần hóa các doanh nghiệp, hợp nhất đất đai thành các nông trại hay biến những vùng sa mạc thành nơi chăn nuôi. Thế rồi phải tính đến giống, phân bón, công nghệ cùng nhiều thứ khác.
Tuy nhiên, vẫn còn một chi phí nữa mà hầu như không được ai chú ý đến, ảnh hưởng đến rất nhiều nước trên thế giới do sự phát triển ngành sữa của Trung Quốc gây ra, đó là môi trường. Ngày nay, Trung Quốc đã trở thành nhà sản xuất sữa lớn cũng như thị trường tiêu thụ khổng lồ, nhưng đi kèm với đó là nhu cầu 1.020 lít nước trên mỗi lít sữa sản xuất. Đó là chưa kể hàng loạt những vùng đất đai, sông ngòi bị ô nhiễm bởi các chất thải từ chăn nuôi.
Hiện nay, chăn nuôi là nguyên nhân cho 14,5% khí thải nhà kính, cao hơn cả chất thải từ giao thông. Riêng chăn nuôi bò chiếm đến hơn 2/3 số khí thải nhà kinh của toàn ngành. Phân bò là nguyên nhân chính tạo nên các loại khí nhà kính trong khi hàng loạt cánh rừng bị đốt phá để làm nơi chăn thả.
Mọi người chắc cũng nhớ đến vụ cháy rừng Amazon diễn ra suốt nhiều tuần liền năm 2019 tại, nhưng ít ai biết rằng Trung Quốc nhập khẩu tới 60% lượng đậu nành trên thế giới, chủ yếu từ Brazil và Mỹ, để nuôi bò và đây là nguyên nhân chính cho việc chặt rừng trồng đậu tại Brazil.
Theo các nghiên cứu của Hà Lan, nếu lượng tiêu thụ sữa tại Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng như hiện nay thì lượng khí thải nhà kinh do chăn nuôi trên thế giới sẽ tăng 35%, còn lượng đất cần cho chăn nuôi ở Trung Quốc cũng tăng 32% trong vòng 30 năm tới.
Như một hệ quả tất yếu, các nhà khoa học cảnh báo rằng tham vọng tăng gấp 3 lượng sữa tiêu thụ của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng nặng nề đến môi trường thế giới bởi họ đang sản xuất sữa vượt khả năng cho phép của tự nhiên. Trớ trêu thay, chính quyền Bắc Kinh nhận thức được điều này và họ tích cực nhập khẩu sữa cũng như những nguyên liệu khác cho chăn nuôi, như đậu nành. Theo tính toán, thế giới sẽ phải cấp thêm diện tích tương đương 2 lần Ireland để chăn nuôi bò sữa thì mới đáp ứng đủ nhu cầu sữa theo kế hoạch của Trung Quốc.
Cháy rừng Amazon năm 2019
Phải cao lớn như người Phương Tây
Anh Jian Yi là tác giả của cuốn tư liệu về thực phẩm tại Trung Quốc cách đây 10 năm. Bản thân anh cho rằng chính Olympic 1984 đã làm thay đổi nhận thức của người dân về dinh dưỡng và sử dụng sữa. Những hình ảnh thật về người nước ngoài sau bao năm đóng cửa xuất hiện, cả xã hội trầm trồ khi người Phương Tây cao hơn, khỏe hơn và đánh bại vận động viên Trung Quốc trong nhiều môn thi đấu.
Kể từ đây, tư tương ăn nhiều thịt và uống nhiều sữa giống Phương Tây để cao lớn hơn bắt đầu manh nha. Chính quyền Bắc Kinh đã học hỏi khá nhiều từ chiến lược phát triển dinh dưỡng, chiều cao của Nhật Bản.
Khi Mỹ cai quản Nhật sau Thế chiến II, họ đã ban hành chương trình cải thiện sức khỏe bằng cách phát sữa và trứng học đường tại các trường học Nhật Bản. Ngay lập tức chiều cao bình quân người Nhật được cải thiện chỉ sau 1 thế hệ.
Năm 1984, Trung Quốc cải cách kinh tế và tạo nên chuỗi tăng trưởng kéo dài chưa từng có. Bình quân nền kinh tế này tăng trưởng 10% cho đến năm 2010. Mảng nông nghiệp là nơi đầu tiên tại Trung Quốc có sự cải cách khi được công nghiệp hóa, còn người nông dân thì tự do kinh doanh, nhờ đó sản lượng lương thực, bao gồm sữa của Trung Quốc tăng chóng mặt. Chỉ trong vòng 20 năm sau đó, sản lượng lương thực của Trung Quốc đã tăng bình quân 4,5%/năm.
Tăng trưởng nóng khiến chính phủ Trung Quốc cổ xúy mạnh việc uống sữa trong dân
Như một hệ quả tất yếu, người dân bắt đầu dùng nhiều sữa hơn trong thập niên 1980-1990 khi chất lượng sống đi lên. Các sản phẩm sữa của nước ngoài bắt đầu xuất hiện trên kệ siêu thị và có thể được mua dễ dàng trong khi người dân đã có tủ lạnh để bảo quản sữa. Thế rồi hàng loạt những công nghệ giảm lượng Lactose, thay đổi khẩu vị… đã thúc đẩy lượng tiêu thụ sữa của người dân.
Từ giữa thập niên 1980, hàng loạt những tập đoàn lớn như Fonterra, Nestle, Danone hay Arla đã đầu tư mạnh vào Trung Quốc. Hàng triệu USD đã được các công ty quốc doanh và tập đoàn sữa nước ngoài đổ vào thị trường, từ quảng cáo cho đến kích thích người tiêu dùng uống nhiều sữa hơn. Thế rồi sự xâm nhập của ẩm thực Phương Tây như chuỗi nhà hàng McDonald’s, Starbucks thập niên 1990 khiến người dân ăn nhiều pho mai và sữa hơn.
Cuối thập niên 1990, chính phủ tích cực hỗ trợ ngành chăn nuôi bằng những khoản vay mua bò, giảm thuế cho công ty hay cấp hàng triệu USD tiền vay cho ngành sản xuất sữa. Việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) càng khiến người nông dân có động lực sản xuất.
Năm 1990, cư dân thành thị Trung Quốc chỉ uống khoảng 4kg sữa/năm thì con số này đã nhảy lên 18kg/năm vào năm 2005.
Theo lý thuyết, trẻ em sinh ra đã có enzyme Lactase để tiêu hóa Lactose trong sữa, nhưng chúng bị mất dần đi khi cai sữa. Khẩu phần ăn của người Châu Á lại không có nhiều sữa nên có rất nhiều người không thể tiêu thụ sản phẩm từ sữa. Tuy nhiên nếu trẻ em tiếp tục uống sữa như Phương Tây, cơ thể vẫn sẽ duy trì phần nào việc sản sinh Lactase cũng như không có phản ứng chối bỏ khi uống sữa.
Bởi vậy, chính phủ đã tích cực khuyến cáo cha mẹ Trung Quốc cho con uống sữa. Chương trình sữa học đường đã được thực hiện từ năm 2000 và mở rộng ra toàn quốc.
Những vụ bê bối chất lượng đã làm ngành sữa nội địa Trung Quốc lao đao
Trớ trêu thay, vụ bê bối sữa chứa Melamine nổ ra năm 2008 khiến ngành sữa Trung Quốc khủng hoảng toàn diện. Mặc dù chính phủ đã thắt chặt hơn tiêu chuẩn kiểm tra chất lượng ngành sữa nhưng người dân nước này vẫn chỉ chọn những thương hiệu lớn hơn là các hãng sữa trong nước. Tuy vậy, với những người dân vùng quê thì họ chẳng có mấy lựa chọn, nhất là chương trình sữa học đường thường sử dụng những hãng sữa nội địa.
Ngày nay, cuộc khủng hoảng sữa ở Trung Quốc đã dần qua đi và người dân lại bắt đầu dùng những hãng sữa nội địa. Vụ bê bối năm 2008 không khiến chính quyền Bắc Kinh nản chí với kế hoạch nâng cao sức khỏe cho người dân.
Hiệu quả của chiến lược này là khá rõ ràng khi tỷ lệ suy dinh dưỡng tại Trung Quốc đã giảm từ 24% năm 1990 xuống chỉ còn 9% năm 2015 nhờ thu nhập bình quân đầu người tăng đến hơn 2.000%. Thậm chí ngày nay, Trung Quốc còn phải đối mặt tình trạng béo phì thừa cân. Khoảng 1/3 số người lớn tại Trung Quốc hiện nay ở vào tình trạng thừa cân trong khi 6% mắc các bệnh tiểu đường.
Tuy nhiên trớ trêu là nhiều vùng quê của nước này vẫn ở trong tình trạng đói ăn và suy dinh dưỡng, tạo nên sự mất cân bằng giữa thừa cân và đói ăn trên cả nước.
Bất chấp những điều đó, chính quyền Bắc Kinh vẫn kiên trì với kế hoạch tăng sản lượng tiêu thụ sữa của mình và thậm chí còn muốn thúc đẩy chúng mạnh hơn. Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, nếu Trung Quốc tăng gấp 3 lần sản lượng tiêu thụ sữa vào năm 2050, bình quân mỗi người Trung Quốc vẫn dùng chưa đến 50% tổng lượng tiêu thụ sữa trung bình ở Châu Âu.
Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là nếu người Trung Quốc muốn tiêu thụ sữa ngang Phương Tây, thế giới sẽ phải đốt bao nhiêu rừng, nuôi bao nhiêu bò, thải bao nhiêu khí thải nhà kính và làm ô nhiễm bao nhiêu dòng sông nữa?
Băng Tâm
Theo Tổ Quốc/Tổng hợp