Ngân hàng là nơi giao dịch tiền bạc, do vậy đây chính là địa điểm mà các nghi can cướp nhắm tới. Điển hình là vụ nghi phạm Lê Phú Cao (32 tuổi, ngụ Thừa Thiên - Huế) dùng súng, roi điện cướp ngân hàng vào tháng 4 vừa qua.
Sau khi thâm nhập vào ngân hàng, Cao dùng súng nhựa và liên tục bấm roi điện để phát ra âm thanh và tia lửa nhằm mục đích thị uy, đe dọa người trong phòng giao dịch ngân hàng. Các nữ nhân viên hoảng sợ, ngồi nấp xuống bàn, Cao buộc bảo vệ phải úp mặt vào tường và cướp 660 triệu đồng từ ngân hàng này.
Tiến sĩ Đoàn Văn Báu (chuyên gia tâm lý học) nhận định, các nghi can cướp thường đã chuẩn bị, lên kế hoạch kỹ càng trước khi hành động, thậm chí có trang bị cả vũ khí “nóng” như súng, roi điện, dao. Hiện nay, khâu phòng ngừa hay kỹ năng phòng vệ của bảo vệ, nhân viên ngân hàng còn khá hạn chế. Đây chính là yếu tố góp phần dẫn đến một số vụ cướp ngân hàng diễn ra trót lọt.
Tình trạng gia tăng các vụ cướp ngân hàng trong nhiều năm trở lại đây, ông Lê Minh Đức, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM bày tỏ sự quan ngại bởi các nghi phạm manh động, liều lĩnh, táo tợn khi sử dụng các hung khí có tính sát thương cao, gây nguy hiểm đến tính mạng con người để thực hiện hành vi phạm tội.
Theo ông Đức, sự gia tăng các vụ cướp ngân hàng là mối nguy hiểm đối với an ninh trật tự xã hội và tình hình an ninh, an toàn trong hoạt động của các ngân hàng.
Ông Đức chia sẻ thêm, hiện nay, các hệ thống đảm bảo an ninh ngân hàng, lực lượng bảo vệ ở một số ngân hàng còn có những sơ hở, thiếu cảnh giác dẫn đến các nghi can nảy sinh ý định cướp ngân hàng. Vì vậy, thiết nghĩ các ngân hàng cần tăng cường, đảm bảo an ninh.
Để phòng ngừa các sự cố nguy hiểm như cướp ngân hàng, trả lời PV Thanh Niên, thượng tá Nguyễn Ngọc Nam, Trưởng công an H.Hóc Môn (TP.HCM) cũng khuyến cáo, các ngân hàng, tổ chức tín dụng phải chủ động củng cố, tổ chức lực lượng bảo vệ chặt chẽ. Người dân phải tăng cường cảnh giác, cung cấp thông tin nhanh chóng, phối hợp với lực lượng chức năng truy xét tội phạm.
Đồng quan điểm với ý kiến của thượng tá Nguyễn Ngọc Nam, ông Lê Minh Đức gợi ý các ngân hàng cần tăng cường an ninh bằng cách điều chỉnh quy định an ninh, dán thông báo để cảnh báo khách hàng, nâng cấp hệ thống camera giám sát cả công khai lẫn bí mật để nhận diện rõ người ra vào trụ sở, phòng giao dịch của ngân hàng.
Một biện pháp khác, theo ông Lê Minh Đức là các ngân hàng nên học tập theo mô hình ở nước ngoài, lắp đặt hệ thống báo động và phát tín hiệu khẩn cấp được kết nối với cơ quan công an gần nhất. Hệ thống này phải được bố trí tại những nơi nhân viên có thể dễ dàng tiếp cận.
Ông Đức nhấn mạnh: “Chính quyền các địa phương phải chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường rà soát, kiểm soát thông tin trên mạng xã hội để kịp thời phát hiện, xử lý triệt để các hội nhóm có tính chất lôi kéo, kích động thực hiện hành vi phạm tội”.
Cận cảnh lực lượng công an bắt giữ các nghi phạm cướp ngân hàng tại TP.HCM
Bên cạnh đó, lực lượng công an địa phương phải thường xuyên nắm vững địa bàn và quản lý chặt những nghi can không có việc làm ổn định, hay tụ tập cờ bạc, nghiện hút ma túy… để kịp thời phát hiện, răn đe, không để họ hình thành ý đồ thực hiện hành vi tội phạm.
Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM cũng đề xuất Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành, địa phương rà soát kiến nghị Chính phủ điều chỉnh các mức phạt tăng cao để răn đe các hành vi lợi dụng mạng xã hội để kích động bạo lực, vi phạm đạo đức xã hội.
Khi đối diện với những nghi phạm cướp ngân hàng, đặc biệt là khi các nghi phạm cướp có trang bị vũ khí, nhiều người sẽ trở nên bị động, run sợ. Thạc sĩ Nguyễn Thế Huy, Chi hội trưởng Chi hội tâm lý học trường học TP.HCM (thuộc Hội Tâm lý học Việt Nam) đưa lời khuyên, bình tĩnh là yếu tố quan trọng để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân viên, ngân hàng. Đặc biệt lưu ý, không nói hoặc hành động làm cho nghi can cướp kích động.
"Hãy cố gắng làm theo những hướng dẫn nghiệp vụ đã được tập huấn trước đó và nếu có thể hãy điều đình, "câu giờ" trong khả năng cho phép để tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng và các đơn vị nghiệp vụ. Tuyệt đối không nên kháng cự khi không cần thiết, tránh gây kích động cho kẻ cướp. Trong lúc tiếp xúc với đối tượng, mọi người cần giữ bình tĩnh, hãy quan sát, ghi nhớ các đặc điểm về trang phục, hình dáng, cử chỉ, giọng nói, độ tuổi… để cung cấp cho công an về sau", thạc sĩ Huy nhấn mạnh.
Xem nhanh 12h ngày 27.11: Xôn xao vụ ‘đại náo’ trụ sở công an | Kế hoạch cướp ngân hàng như phim
“Việc đánh đổi tương lai và nhân phẩm của bản thân cho những hành động hung hăng, manh động như quỵt nợ, cướp của, giết người sẽ không giúp ích gì cho tình trạng hiện tại của bất kỳ cá nhân nào, mà còn có thể gây hại nghiêm trọng cho xã hội. Khi gặp khó khăn, hãy tìm kiếm sự trợ giúp từ gia đình, người thân, bạn bè và các cộng đồng tích cực”, thạc sĩ Nguyễn Thế Huy đưa ra lời khuyên.