Thông tin vừa được Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đưa ra, trên cơ sở thông tin thu thập nghiệp vụ về website "phoxedien.com", nghi vấn có dấu hiệu vi phạm, Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường đã truy vết các địa chỉ bán hàng trên trang thương mại điện tử và phát hiện các vi phạm.
Tại website "phoxedien.com" của đơn vị chủ quản là Công ty TNHH xe điện xe máy Vinh Phát (quận 12, TP.HCM), có xác nhận là "đã thông báo Bộ Công Thương" đây là nhà phân phối chính hãng của nhiều nhãn hiệu như: PEGA, KAZUKI, DK Bike, OSAKAR.
Website cũng giới thiệu về các chế độ ưu đãi hấp dẫn, như đổi trả hàng miễn phí, hỗ trợ trả góp online, hay "cứu hộ tận nơi...", bảo hành ắc quy 24 tháng, cùng hệ thống chi nhánh...
Theo giá niêm yết trên website, trung bình một chiếc xe đạp điện tại phoxedien.com có giá dao động từ 9 - 17 triệu đồng với nhiều mã giảm giá trực tiếp.
Nhiều website cũng liên kết với các nền tảng mạng xã hội với hàng chục nghìn lượt like và theo dõi, công khai số tài khoản.
Qua theo dõi, xác minh có dấu hiệu vi phạm, Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường đã phối hợp với các đơn vị kiểm tra các chi nhánh thuộc chuỗi phoxedien.com tại 4 tỉnh thành phố với 10 điểm kiểm tra.
Tại địa điểm kinh doanh lớn nhất đặt ở quận Bình Tân, TP.HCM, đến ngày thứ ba chủ hộ kinh doanh mới có mặt và xuất trình giấy tờ, hóa đơn chứng từ xe đạp điện và xe máy điện. Với mặt hàng xe đạp điện, đoàn kiểm tra phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm với nhãn hiệu KAZUKI và OSAKAR.
Đơn cử, thông tin trên website đối với sản phẩm xe đạp điện DTP KAZUKI được giới thiệu có vận tốc tối đa là 30-40km/h, trọng lượng xe 45kg. Trong khi theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe đạp điện, công suất động cơ lớn nhất không lớn hơn 25km/h và có khối lượng không lớn hơn 40kg.
Đặc biệt, đoàn kiểm tra ghi nhận tem mang logo của tem hợp quy dán trên nhiều xe đều có cùng một ký hiệu, dãy số seri dù mã số khung của từng xe là khác nhau.
Nhận định ban đầu của đoàn kiểm tra xác định đơn vị này có vi phạm khi buôn bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn, cung cấp thông tin sai lệch, kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ...
Kiểm tra các địa điểm kinh doanh khác tại quận Tân Phú, huyện Hóc Môn, quận 7, quận 12... lực lượng chức năng đã tiến hành tạm giữ tổng cộng 91 chiếc xe đạp điện các nhãn hiệu OSAKAR, KAZUKI, DK BIKE, Lihaze ebike, PEGA, DYLIXE, SARUNE, AIR WHEEL, HOMESHELL cũng có nhiều dấu hiệu vi phạm tương tự như trên.
Kiểm tra tại Bến Tre, đoàn tạm giữ 28 xe đạp điện các nhãn hàng hóa KAZUKI, OSAKAR, SUPER BIKE, YPCOOL SPORT, NIKE BIKE, SARUNE, DYLIXE và 9 xe máy điện nhãn hiệu KAZUKI và OSAKAR. Tất cả hàng hóa trên chưa xuất trình được các hóa đơn, chứng từ liên quan, chưa xuất trình được chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật.
Theo đó, tổng số lượng xe bị cơ quan chức năng tạm giữ các loại tại TP.HCM, Bến Tre lên trên 200 chiếc để tiếp tục xác minh, làm rõ cơ sở xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Đây là kết quả có được nhằm thực hiện quyết định số 319 của Thủ tướng về Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.
Pin xe đạp và xe máy điện vẫn xuất hiện một số công nghệ và chất liệu 'cũ' từng dùng trên ô tô.