Ngày 7-12, HĐND tỉnh Khánh Hòa cho biết theo báo cáo giám sát về kết quả thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất (từ năm 2021-2023), để thực hiện 237 dự án, có 13.109 trường hợp dân bị thu hồi đất, tổng cộng hơn 9,18 triệu m2.
Nhưng chỉ có 967 hộ được bố trí đất tái định cư với tổng diện tích hơn 74.119,53m2. Như vậy, đất tái định cư chỉ bằng 0,8% tổng diện tích đất thu hồi của dân (918,16ha).
Trong 3 năm, tỉnh Khánh Hòa đã bố trí 847 lô đất tái định cư cho 976 hộ bị thu hồi đất đủ điều kiện được giao đất tái định cư. Số lô đất tái định cư đó ít hơn số hộ bị thu hồi đất là 120 hộ.
Đất tái định cư chưa tương đương với nơi ở cũ
Rất nhiều dự án đã được tỉnh Khánh Hòa thu hồi đất của dân để giao cho các nhà đầu tư thực hiện dự án kinh doanh bất động sản, phân lô bán nền được phê duyệt qui hoạch mỗi lô đất ở, biệt thự rộng đến khoảng từ 100m2 đến 600m2, nhiều trường hợp còn rộng hơn nữa.
Trong khi đó, diện tích đất tái định cư cho dân bị thu hồi đất, trong 847 lô tái định cư đã nêu trong toàn tỉnh, bình quân chỉ rộng 87,5m2/lô. Diện tích bình quân mỗi lô đất tái định cư ở ở TP Nha Trang đã giao chỉ rộng 84,2m2.
Có rất nhiều dự án trên địa bàn tỉnh vì chưa có quỹ đất tái định cư nên chưa trình được phương án giá bồi thường để thu hồi đất và giá đất tái định cư cùng một thời điểm. Từ đó, dẫn đến nhiều mâu thuẫn, bất cập trong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho dân bị thu hồi đất.
Đất định cư lại chưa đáp ứng điều kiện về vị trí tương đương với nơi ở cũ bị giải tỏa để thu hồi đất của dân, nhất là các dự án ở TP Nha Trang.
Đa số khu tái định cư ở các huyện chưa xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quan của từng vùng miền cư dân bị thu hồi đất.
Nhiều dự án ngoài ngân sách nhà nước, chủ đầu tư là doanh nghiệp, tư nhân "chưa quan tâm đến chất lượng công trình tại các khu tái định cư và việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các khu tái định cư"
Có đến 97,8% đơn thư liên quan đến thu hồi đất
Vì thế, trong 3 năm qua, cả tỉnh có gần 60% đơn thư đó liên quan đến các vấn đề về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Riêng Nha Trang, tỉ lệ đó lên đến 97,8%.
Theo Đoàn giám sát, "tỉnh Khánh Hòa đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, qui hoạch phát triển đô thị sẽ được điều chỉnh và ngày càng mở rộng; các trường hợp bị giải tỏa thu hồi đất trên địa bàn tỉnh rất lớn".
Trong khi đó, hiện nay quĩ đất tái định cư ở Khánh Hòa lại hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của các hộ dân bị ảnh hưởng giải tỏa, thu hồi đất cho các dự án. Quĩ đất tái định cư, nhất là ở TP Nha Trang ngày càng hạn hẹp, không đủ bố trí cho toàn bộ các dự án trên địa bàn thành phố.
Theo HĐND tỉnh, khiếu kiện về bồi thường khi thu hồi đất đai của dân vẫn còn nhiều, kéo dài, có vụ gay gắt, giải quyết chậm dứt điểm. Đó vấn đề ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các dự án đầu tư và việc thực hiện kê hoạch kinh tế xã hội của tỉnh cần phải được khắc phục.
Theo Hội đồng tư vấn, phản biện của Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa, việc “khảo sát, kiểm định, đánh giá chất lượng công trình chợ Đầm tròn Nha Trang” là chưa chính xác, thiếu tính pháp lý.