Tại kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, các đại biểu dành nhiều câu hỏi chất vấn về phát huy tiềm năng, lợi thế của ngành du lịch Nghệ An. Theo báo cáo của ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc sở Du lịch Nghệ An, ngành du lịch địa phương đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, đóng góp của du lịch vào GRDP còn ở mức khiêm tốn, mức chi tiêu của khách du lịch chưa cao, trong đó chi cho mua sắm và nhu cầu khác chiếm tỷ trọng thấp. Sản phẩm du lịch tuy đã cải thiện nhưng chưa tạo bước đột phá, chưa có sản phẩm tạo thương hiệu đặc trưng cho du lịch Nghệ An; chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh với các dự án tầm cỡ, dịch vụ độc đáo, cao cấp để thu hút đối tượng khách có mức chi tiêu cao, đem lại nguồn thu lớn.
Tại phiên chất vấn, đại biểu Lê Thị Kim Chung (huyện Quỳnh Lưu) nêu câu hỏi: Du lịch được xác định là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng xã hội hóa cao và vấn đề liên kết phối hợp là rất quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế liên kết các sở, ngành, địa phương với ngành Du lịch còn bất cập. Đề nghị Sở có giải pháp giải quyết bài toán liên kết trong phát triển du lịch trong thời gian tới?
Liên quan đến du lịch, đại biểu Phan Thị Minh Lý (huyện Yên Thành) cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến Nghệ An không phát huy được tiềm năng thế mạnh trong du lịch. Theo đại biểu có 2 nguyên nhân chính đó là do phát triển các sản phẩm du lịch và thu hút đào tạo nguồn nhân lực. Vây có giải pháp nào để tháo gỡ 2 khó khăn này?
Đại biểu Trình Văn Nhã (Thanh Chương) nêu quan điểm Nghệ An là tỉnh có tiềm năng phát triển nhiều loại hình du lịch khác nhau. Để tạo ra động lực thu hút du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài đến với Nghệ An cần chọn một số loại hình trọng điểm. Từ đó, đại biểu đặt câu hỏi, thời gian tới, ngành Du lịch định hướng lựa chọn loại hình trọng điểm nào và giải pháp như thế nào?
Trả lời chất vấn trước câu hỏi của đại biểu Chung, ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết, trong thời gian qua, đơn vị đã chủ động phối hợp với các Sở, ngành, địa phương ký kết, triển khai nhiều hoạt động liên kết để phát triển du lịch. Ở ngoại tỉnh thì thúc đẩy liên kết đặc biệt với các tỉnh, thành phố như TP Hồ Chí minh, các tỉnh Bắc Trung bộ mở rộng, Tp.Hải Phòng,... ký kết với Saigon tourit và Viettravel, tập đoàn Mường Thanh... Ngành Du lịch sẽ tiếp tục rà soát lại các nội dung đã ký kết để đưa sự liên kết đi vào chiều sâu, có trọng tâm, đảm bảo hiệu quả và đổi mới cơ chế điều phối. Nâng cao hiệu quả liên kết, vai trò, trách nhiệm phối hợp của các Sở, ngành địa phương. Bên cạnh đó, mở rộng quan hệ hợp tác giữa Nghệ An với các địa phương khác trong nước và quốc tế.
Theo ông Cường, ngành Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng, có tính xã hội hóa cao. Ngành Du lịch được thụ hưởng sản phẩm du lịch từ các ngành. Cả xã hội làm du lịch chứ không phải một mình ngành du lịch. Ngành Du lịch chỉ làm công tác quản lý nhà nước về du lịch, đó là công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược phát triển, bộ quy tắc ứng xử, các chỉ thị để quản lý nhà nước tốt hơn về lĩnh vực du lịch.
Ông Nguyễn Mạnh Cường cũng thừa nhận lực lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành. Lao động ngành du lịch đang vừa thiếu, vừa yếu.
Về nguồn nhân lực du lịch, theo nhận định của ông Bùi Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH có sự thiếu hụt. Nguyên nhân do đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến quá trình biến động lao động. Hoạt động du lịch không thường xuyên, ảnh hưởng đến thu nhập và quá trình làm việc của người lao động. Giai đoạn 2021 -2023, toàn tỉnh đã đào tạo hơn 8.100 lao động cho lĩnh vực du lịch nhưng số lượng lao động du lịch học ở trình độ sơ cấp là 5.600 lao động. Sự gắn kết của các cơ sở du lịch và trung tâm đào tạo lao động đang hạn chế... Để phát triển nguồn nhân lực du lịch, ông Hưng cho rằng cần tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền, chú ý định hướng nghề nghiệp cho đối tượng lao động trẻ. Tổ chức xây dựng kế hoạch đào tạo lao động của ngành du lịch. Đối với các cơ sở du lịch, cơ sở lưu trú cần quan tâm, phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm và các sở đào tạo việc làm trong việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch...
Theo ông Cường, hiện Nghệ An có 7 loại hình, ngành Du lịch chọn 3 trụ cột về du lịch văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng biển và du lịch sinh thái mạo hiểm gắn với du lịch cộng đồng. “Khách nước ngoài đến với Nghệ An đang chọn hình thức du lịch cộng đồng. Để phát triển mô hình du lịch cộng đồng, ngành Du lịch sẽ tiếp tục xây dựng mô hình này. Sau 5 năm nữa chúng ta đánh giá tổng kết lại việc nhân rộng mô hình này. Tỉnh đang hướng tới phát triển du lịch miền Tây, mở rộng hệ thống không gian du lịch miền Tây ngày càng phát huy tốt hơn tiềm năng lợi thế của các địa phương”, ông Cường cho biết thêm.
Ông Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An đánh giá, thời gian qua, du lịch Nghệ An có bước phát triển khá tích cực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, phát triển du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; vai trò “mũi nhọn” trong nền kinh tế chưa thực sự rõ nét. Từ những kết quả đạt được, những vấn đề còn tồn tại, bất cập mà đại biểu đã chất vấn, nêu ra trong phiên chất vấn, để ngành Du lịch thực sự trở thành “kinh tế mũi nhọn”, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh, các cấp, ngành và các địa phương cần tập trung thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp.
Cần thống nhất nhận thức đúng và có quyết tâm chính trị cao để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng; phát triển du lịch liên quan đến trách nhiệm nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Để phát triển du lịch không thể mỗi ngành Du lịch làm được mà cần có trách nhiệm và sự vào cuộc đồng bộ các cấp, các ngành trong tỉnh. Cần xây dựng một triết lý, bộ nhận diện rõ ràng, tầm nhìn dài hạn, quy hoạch và quản lý quy hoạch bài bản, tổng thể, hiệu quả cho du lịch của tỉnh.
Tiếp tục nghiên cứu tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế hỗ trợ có tính đột phá hơn, mạnh hơn để phát triển du lịch, trong đó tập trung các nhóm ưu tiên như: Khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; phát triển sản phẩm du lịch.
Tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch, trong đó ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng du lịch tại các địa bàn có tiềm năng; đầu tư hạ tầng giao thông kết nối phục vụ du lịch thuận lợi. Đầu tư phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nhất là các chuỗi liên kết và dịch vụ, đáp ứng tiêu chuẩn du lịch quốc tế, du lịch nội địa cao cấp, du lịch bình dân gắn với bảo tồn, phát huy vai trò các di tích lịch sử, các điểm đến và khu du lịch; chương trình OCOP…