Sáng 8.12, tại buổi giám sát chuyên đề về nhà ở xã hội của HĐND TP.HCM, đại biểu Phạm Thị Thanh Hương cho biết, thay vì làm 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2025 như ban đầu, UBND TP.HCM điều chỉnh chỉ tiêu giảm xuống còn 1,15 triệu m2.
Dù vậy, đại biểu này nói chưa thể an tâm với chỉ tiêu này, bởi trong 91 dự án dự kiến triển khai vẫn còn nhiều dự án dở dang. Chưa kể, trong đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội đã được Thủ tướng phê duyệt, TP.HCM phải thực hiện 26.200 căn giai đoạn 2021 - 2025 và 43.500 căn giai đoạn 2026 - 2030. "Thành phố sẽ tập trung dự án nào sau khi đã giảm chỉ tiêu xuống", đại biểu đặt câu hỏi.
Về nghĩa vụ 20% nhà ở xã hội tại các dự án thương mại, bà Hương đánh giá thực tế cho thấy thành phố chưa làm được khi chỉ có 1 dự án có thực hiện nghĩa vụ này, còn lại các dự án khác chưa thực hiện.
"Nguyên nhân nào khiến chủ đầu tư không thực hiện, trách nhiệm của UBND TP.HCM và các sở ngành theo dõi, đôn đốc chỉ đạo ra sao, nếu chủ đầu tư không thực hiện thì trách nhiệm của các cơ quan nhà nước là gì", bà Hương đặt câu hỏi.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM có 91 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 3 dự án đã hoàn thành, 13 dự án đang triển khai và 75/91 dự án chưa triển khai (chiếm hơn 82%).
Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở TT-TT dẫn chứng báo cáo nêu vận dụng Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội với 5 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Bà Trinh đề nghị UBND TP.HCM cần có kế hoạch cụ thể thực hiện 5 nhóm giải pháp, xác định lộ trình, công việc cụ thể để giải quyết khó khăn.
Quy trình rút gọn nhưng vướng ngay bước đầu tiên
Trả lời đại biểu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho rằng, giai đoạn 2016 - 2020 hoàn thành 69,2% chỉ tiêu xây dựng nhà ở xã hội, hiện thành phố đang tập trung triển khai giai đoạn 2021 - 2025 nhưng mới làm được 3/91 dự án, đạt 3,3%.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM nhận thấy thị trường bất động sản khó khăn nên đặt mục tiêu hoàn thành 1,15 triệu m2 sàn nhà ở xã hội. Đối với chỉ tiêu Thủ tướng giao (26.200 căn giai đoạn 2021 - 2025 và 43.500 căn giai đoạn 2026 - 2030), ông Cường cho hay, đối với thành phố, đây là chỉ tiêu hết sức thách thức.
Tuy nhiên, với Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội và luật Nhà ở mới thông qua, ông Cường khẳng định, thành phố sẽ nỗ lực với các giải pháp như đoàn giám sát chỉ ra, và cách làm sẽ thay đổi.
Trong đó, thành phố tập trung điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Bởi theo ông Cường, thời gian qua, các dự án nhà ở xã hội đều vướng khâu quy hoạch vì không nằm trong các đồ án quy hoạch phân khu.
Năm 2022, TP.HCM ban hành quy trình đầu tư nhà ở xã hội từ khu đất của doanh nghiệp và đất công, gồm 8 - 10 bước nhưng ngay bước đầu tiên là quy hoạch đã vướng mắc. "Trên cơ sở quy hoạch chung, thành phố sẽ điều chỉnh các quy hoạch phân khu, khi đó 88 khu đất dự kiến làm nhà ở xã hội sẽ tiếp tục cập nhật cho phù hợp quy hoạch, rồi triển khai các bước tiếp theo", ông Cường nói.
Về xác địnhnghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, đã giao Sở Tài chính rà soát 142 dự án khu đô thị mới, nhà ở thương mại chưa chọn được phương thức thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội để thống nhất cách thức thực hiện.
Ngoài ra, Phó chủ tịch TP.HCM cũng cho biết, thời gian tới sẽ tập trung phát triển dữ liệu đất đai, xây dựng, quy hoạch, đảm bảo công khai, minh bạch thông tin dự án, đối tượng mua, thuê mua, thủ tục đăng ký.