Thu hút FDI bị tụt hạng trong khu vực
Theo đó, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực quan trọng như thu ngân sách nhà nước tăng mạnh, tăng trưởng GRDP top đầu cả nước, quy mô nền kinh tế tăng 1,5 lần, an ninh chính trị ổn định... Tuy nhiên, trong bức tranh tươi sáng về nhiều mặt, những năm qua, hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại địa phương này đang gặp nhiều khó khăn.
Thanh Hóa hiện có rất nhiều điều kiện "thiên thời, địa lợi" như Nghị Quyết 58 của Bộ Chính trị, được phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2045, hệ thống giao thông đồng bộ như đường cao tốc, sân bay, cảng nước sâu, tài nguyên dồi dào, lực lượng lao động hùng hậu, giá rẻ... cùng nền tảng sẵn có về thu hút FDI với số vốn lũy kế hơn 14,7 tỷ USD. Tuy nhiên, thu hút vốn FDI trong những năm qua tại Thanh Hóa có dấu hiệu chững lại.
Theo đó, tính riêng từ thời điểm đầu năm 2021 tới đầu quý 4/2023, hoạt động thu hút vốn FDI trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa thực sự ghi nhận nhiều kết quả đột phá, khi số vốn FDI thu hút được tương đối hạn chế so với tiềm năng sẵn có.
Cụ thể, năm 2021 Thanh Hóa thu hút hơn 112 triệu USD đăng ký mới và 14,8 triệu USD vốn điều chỉnh; Năm 2022, Thanh Hóa thu hút được thêm 71,2 triệu USD, thuộc diện thấp nhất khu vực Bắc Trung Bộ. Trong 10 tháng đầu năm nay, tình hình thu hút vốn FDI có khởi sắc hơn với 285 triệu USD. Các kết quả này khá khiêm tốn với tổng số vốn FDI lũy kế hơn 14,7 tỷ USD mà địa phương này đã thu hút được và kém xa so với các địa phương khác trong khu vực.
So sánh, như tại tỉnh Nghệ An, trong khoảng thời gian qua, địa phương này đang tăng tốc trở thành địa điểm hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Theo công bố từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - đầu tư), lượng vốn FDI đăng ký vào tỉnh Nghệ An trong 9 tháng đầu năm 2023 đã lần đầu vượt 1 tỷ USD, đạt 1,272 tỷ USD, xếp thứ 6/63 tỉnh thành thu hút FDI hàng đầu Việt Nam. Lũy kế đến nay, tỉnh Nghệ An có 145 dự án FDI (còn hiệu lực) đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký đạt trên 3,87 tỷ USD. Trong đó, đáng chú ý, khi chỉ trong năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023, Nghệ An đã thu hút thêm khoảng 2,3 tỷ USD, vượt xa Thanh Hóa ở giai đoạn này.
Trong khi đó, một địa phương khác trong khu vực Bắc Trung bộ là Hà Tĩnh hiện đã khẳng định được vị thế trong thu hút dòng vốn ngoại FDI. Theo số liệu công bố từ UBND tỉnh Hà Tĩnh, tính tới tháng 5/2023, lũy kế địa phương này đã thu hút được 68 dự án FDI, với vốn đăng ký lên tới 16 tỷ USD, nằm trong top 10 tỉnh thành thu hút vốn FDI của cả nước và đã chiếm ngôi đầu về thu hút FDI khu vực Bắc Trung bộ mà Thanh Hóa nắm giữ nhiều năm qua. Thực tiễn trên cho thấy sự thụt lùi đáng báo động trong công tác thu hút vốn FDI tại xứ Thanh trong những năm gần đây.
Tìm lời giải khơi thông vốn FDI
Theo Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), qua 30 năm thực hiện thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, cho đến nay, dòng vốn FDI đã được nhìn nhận là một trong những trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Với Thanh Hóa, nguồn vốn FDI đã, đang góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, cải tiến sản xuất và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, các dự án FDI cũng giúp tạo nhiều việc làm và cải thiện thu nhập người lao động,... góp phần quan trọng vào phát triển chung của tỉnh Thanh Hóa. Vì lẽ đó, việc thu hút vốn FDI luôn được các địa phương hết sức quan tâm khi xây dựng các kế hoạch, mục tiêu phát triển và Thanh Hóa cũng không là ngoại lệ.
Tại Thanh Hóa, Nhật Bản là quốc gia có số vốn đầu tư cao nhất, với tổng số 19 dự án đang hoạt động, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 6,6 tỷ USD, chiếm 45,2% tổng vốn đầu tư FDI của tỉnh. Trong khi các nhà đầu tư Hàn Quốc đứng đầu về số lượng dự án đầu tư với trên 40 dự án.
Tuy nhiên, thu hút vốn FDI trong những năm qua tại địa phương này đang có dấu hiệu "thụt lùi" đáng báo động, vì vậy, trong năm 2023 Thanh Hóa đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để nhanh chóng đưa dòng vốn FDI "chảy lại" với địa phương này.
Để thực hiện cải thiện môi trường đầu tư cũng như cải thiện trong công tác thu hút FDI, trong năm 2023 tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nhiều giải pháp như tăng cường thúc đẩy giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng sạch, cải thiện thủ tục hành chính rút ngắn thủ tục đầu tư,... đồng thời tăng cường tích cực tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư quảng bá hình ảnh môi trường đầu tư xứ Thanh tới các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo đó, trong năm 2023 Thanh Hóa đã nỗ lực tập trung nguồn lực giải phóng mặt bằng, đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tạo nhiều quỹ đất “sạch” để thu hút đầu tư. Trong giai đoạn 2022-2026, Thanh Hóa sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng thiết yếu, đặc biệt tại KKTNS, các KCN và khu vực trọng điểm. Điều này đã được cụ thể hóa một phần tại Nghị quyết 357/NQ-HĐND ngày 11-12-2022 của HĐND tỉnh về việc phê duyệt đề án “Giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng các khu tái định cư và giải phóng mặt bằng các KCN trong KKTNS”. Trong giai đoạn 2023-2027, Thanh Hóa sẽ ưu tiên dành nguồn ngân sách khoảng hơn 11.000 tỷ đồng đầu tư các khu tái định cư và giải phóng mặt bằng tại các KCN trong KKTNS.
Cũng trong năm 2023, hoạt động đối ngoại, xúc tiến, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm chỉ đạo, thực hiện. Tỉnh này đã tổ chức nhiều đoàn công tác đi làm việc, xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Đài Loan, Châu Âu, Thái Lan... Trong đó, tiếp và làm việc với nhiều đoàn công tác, tổ chức quốc tế, nhà đầu tư để xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào tỉnh như Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), đoàn chuyên gia Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), đoàn công tác của nhà đầu tư Ấn Độ; Tập đoàn WHA của Thái Lan...
Trong tháng 11, đoàn công tác của tỉnh Thanh Hoá đã có chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản. Tại đây, đoàn công tác của tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều hoạt động gặp gỡ, trao đổi, tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa tỉnh Thanh Hóa với các địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp địa phương.
Tín hiệu vui về công tác thu hút FDI của tỉnh Thanh Hóa, khi trong tháng 6, Tập đoàn Sumitomo, là một trong những tập đoàn công nghiệp lớn, lâu đời của Nhật Bản đã ký kết biên bản ghi nhớ với tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, tập đoàn dự kiến sẽ đầu tư, phát triển khu công nghiệp (KCN) với diện tích 650ha, vốn đầu tư 400 triệu USD, biến phía Tây Tp.Thanh Hóa thành một KCN hàng đầu.
Hay mới đây, ngày 24/12, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký kết biên bản ghi nhớ với đại diện lãnh đạo Công ty WHA Thái Lan Việt Nam về đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Dự kiến, WHA sẽ đầu tư 2 dự án hạ tầng công nghiệp tại Khu kinh tế Nghi Sơn và huyện Hoằng Hóa với tổng vốn đầu tư khoảng 335 triệu USD.
Có thể thấy, với các yếu tố "thiên thời, địa lợi" sẵn có, cùng dấu hiệu xuất hiện khả quan từ các "đại bàng" trong lĩnh vực hạ tầng công nghiệp. Hy vọng rặng trong năm tới tình hình thu hút vốn FDI của tỉnh Thanh Hóa sẽ thực sự khởi sắc.
Giai đoạn 2022-2025, tỉnh Thanh Hóa đang đặt ra mục tiêu thu hút tổng nguồn vốn FDI và đầu tư trong nước (DDI) đạt khoảng 30 tỷ USD. Trong đó, mục tiêu cụ thể sẽ tiếp cận, xúc tiến từ 3 đến 6 công ty sở hữu công nghệ gốc, nằm trong top 500 công ty xuyên quốc gia trên thế giới đầu tư vào Thanh Hóa.