Theo chính sách mới, sinh viên quốc tế sẽ cần phải đạt được xếp hạng cao hơn trong các bài kiểm tra tiếng Anh và sẽ có nhiều sự giám sát chặt chẽ hơn đối với đơn xin thị thực lần thứ hai để kéo dài thời gian lưu trú của sinh viên.
Bộ trưởng Nội vụ Clare O'Neil cho biết trong cuộc họp báo: "Chiến lược của chúng tôi sẽ đưa số lượng di cư trở lại mức bình thường. Nhưng vấn đề không chỉ là con số. Đó là vì tương lai của Úc".
Thủ tướng Úc Anthony Albanese cuối tuần qua cho biết số lượng người nhập cư vào Úc cần phải được đưa trở lại "mức bền vững", đồng thời nói thêm rằng "hệ thống đã bị hỏng".
Bà O'Neil cho biết các cải cách có mục tiêu của chính phủ đã gây áp lực giảm ròng lượng người nước ngoài nhập cư và sẽ góp phần làm giảm số lượng người di cư như dự kiến.
Quyết định trên được đưa ra sau khi số lượng người nhập cư ròng vào Úc dự kiến đạt mức kỷ lục 510.000 trong giai đoạn năm 2022-2023, chủ yếu do làn sóng sinh viên quốc tế. Con số này được dự báo giảm xuống còn khoảng 250.000 người vào giai đoạn 2024-2025 và 2025-2026, gần bằng với mức trước COVID-19.
Theo hãng tin Reuters, Úc đã tăng số lượng người nhập cư hằng năm vào năm ngoái để giúp các doanh nghiệp tuyển dụng nhân viên. Động thái này nhằm bù đắp tình trạng thiếu hụt lao động sau đại dịch COVID-19 do các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt, khiến sinh viên và người lao động nước ngoài không thể nhập cảnh Úc trong gần hai năm.
Tuy nhiên, làn sóng người lao động và sinh viên nước ngoài đột ngột tràn vào Úc làm gia tăng áp lực lên thị trường thuê nhà vốn đã căng thẳng, với tình trạng tình trạng vô gia cư ngày càng tăng ở nước này.
Là thị trường phụ thuộc vào lao động nhập cư, Úc ngày càng thắt chặt các quy định về lao động, đồng thời đẩy nhanh việc tiếp cận những lao động có tay nghề cao, tạo điều kiện thuận lợi để giúp họ được thường trú.
Theo đó, thị thực mới dành cho người lao động có tay nghề cao sẽ được xem xét với thời gian thực hiện giảm xuống một tuần, giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh việc tuyển dụng những người di cư chất lượng tốt trong bối cảnh phải cạnh tranh khốc liệt với các nền kinh tế phát triển khác.
Xem thêm: nhc.680725161112132881-gnod-oal-iougn-av-neiv-hnis-iov-cuht-iht-tahc-teis-cu/nv.fefac