Lại một mùa Giáng sinh sắp đến, khắp con đường ngõ hẻm của các nước châu Âu và châu Mỹ dần khoác lên “bộ đồ Noel” rực rỡ. Người người, nhà nhà bận rộn lựa chọn đồ trang trí và quà tặng trong dịp quan trọng nhất năm. Những mặt hàng Giáng sinh này thường đến từ Nghĩa Ô (Trung Quốc).
Là trung tâm phân phối đồ Giáng sinh lớn nhất và đầy đủ nhất thế giới, Nghĩa Ô sản xuất 2/3 sản phẩm Giáng sinh của thế giới, như cây thông Noel, mũ Giáng sinh, quần áo Giáng sinh, ông già Noel, xe trượt tuyết, thiệp chúc mừng, đèn trang trí, dải màu…
Theo một báo cáo từ hãng tin The Hustle của Hoa Kỳ, hết 81% trong tổng số 96 triệu cây Giáng sinh được trưng bày ở Hoa Kỳ mỗi năm là cây giả nhựa nhân tạo, và chỉ có 19% là cây thật, mà Nghĩa Ô đã chiếm 93% sản phẩm cây giả.
Ngay từ nửa năm trước, phóng viên của tờ Thời báo Hoàn cầu đã đến Nghĩa Ô để phỏng vấn để xem "tình hình làm ăn đồ Giáng sinh" của Nghĩa Ô đã thay đổi như thế nào hậu dịch bệnh và trong thời kỳ suy thoái kinh tế của năm nay, cũng như cách thành phố này đã ảnh hưởng đến bầu không khí Giáng sinh toàn cầu như thế nào.
“Mùa Giáng sinh” bắt đầu sớm
Ở Nghĩa Ô, bạn có thể mua tất cả những thứ liên quan đến Giáng sinh. Nếu muốn kinh doanh đồ Giáng sinh, hãy chạy nước rút trước nửa năm hoặc thậm chí một năm.
Vào lúc 9h sáng ngày 4/5, một nhóm 6 doanh nhân người Liban (một quốc gia Trung Đông) đã đến Nghĩa Ô.
Liban là một trung tâm kinh tế và thương mại quan trọng trong toàn bộ Trung Đông, và hơn 80% hàng hóa ở nơi đây được nhập khẩu. Nhóm người nói với phóng viên rằng lần này đến Nghĩa Ô, họ cảm thấy khung cảnh buôn bán vẫn tấp nập và nhộn nhịp, đã phục hồi đáng kể sau nạn dịch và trông không có vẻ bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế biến động hiện nay, đặc biệt là các sản phẩm Giáng sinh, có nhiều kiểu dáng và chất liệu mới.
“Mũ ông già Noel là 3,5 tệ (gần 12.000 đồng), có thể rẻ hơn không?”, “Giá đã thấp nhất, không thể rẻ hơn”, “Bộ đồ Giáng sinh này có màu xanh lá cây và đỏ không? Đặt số lượng bao nhiêu mới chốt đơn?”, “Đặt ít nhất 5 bộ, có thể thay đổi màu sắc”...
Tại nhà máy sản xuất quần áo và quà tặng Giáng sinh, doanh nhân người Liban và bà chủ Trần Tuệ Quyên đã thỏa thuận thành công giá cả cũng như đơn đặt hàng.
“Công nhân đang ráp các nhánh cây vào thân cây thông Noel”, Tôn Húc Đan, một tiểu thương kinh doanh đồ Giáng sinh ở Nghĩa Ô, nói với phóng viên vào hôm 5/12, “Những cây thông Noel này sẽ được chuyển đến Mexico, chúng là đơn đặt hàng của năm tới. Các đơn đặt hàng năm nay về cơ bản đã được chuyển đi trước cuối tháng 10. Hiện tại, còn chưa đầy 20 ngày nữa là đến Giáng sinh, hầu hết hàng hóa đã đến nơi tiêu thụ và đang được bán trên kệ của các cửa hàng”.
Theo Thời báo Hoàn cầu , 80% nguồn cung cấp đồ trang trí Giáng sinh trên thế giới đến từ Nghĩa Ô. Tháng 4 đến tháng 5 hàng năm là thời gian để khách hàng đặt hàng, và từ tháng 7 đến tháng 10 là thời gian để nhà bán lần lượt giao hàng. Nhưng cũng có nhiều thương nhân Nghĩa Ô như Tôn Húc Đan đã mở đơn hàng sớm cho năm sau.
“Mỗi năm chúng tôi sản xuất thêm nhiều mẫu mã mới”, Tôn Húc Đan nói, chỉ vào một cây thông Noel phía sau được bao phủ bởi tuyết. Trong mắt hầu hết mọi người, kiểu dáng và màu sắc của cây thông Noel sẽ hầu như không thay đổi nhiều mỗi năm, nhưng đối với nhiều thương nhân ở Nghĩa Ô, không đổi mới có nghĩa là bị đào thải.
Không chỉ cây thông Noel, mà ngay cả một quả châu trang trí cây thông nhỏ cũng phải thích ứng với những thay đổi của thị trường. Trong một cửa hàng chuyên về đồ trang trí Giáng sinh, một quả châu làm bằng vải đã thu hút sự chú ý của phóng viên. Vương Hiểu Lệ, chủ doanh nghiệp, nói rằng đây là sản phẩm mới nhất được thiết kế cho thị trường châu Âu, thay đổi sau lệnh cấm vi nhựa mới do Liên minh châu Âu ban hành trong năm nay.
Thủ phủ đồ Giáng sinh Nghĩa Ô chưa bao giờ sa sút?
Ai cũng nghĩ rằng dịch bệnh và tình hình lạm phát đang hoành hành trên toàn cầu sẽ giáng đòn nặng nề xuống Nghĩa Ô. Thế nhưng khi phóng viên tìm hiểu tình hình hiện tại, mọi chuyện lại trái ngược.
Gia đình Trương Lan Phương là một trong những thương nhân đầu tiên ở Nghĩa Ô làm đồ Giáng sinh từ 20 năm trước.
Trong thời đại mà mức lương bình quân đầu người hàng tháng chỉ vài trăm NDT, gia đình cô kiếm được hàng chục nghìn NDT từ việc bán đồ Giáng sinh.
“Làm đồ Giáng sinh rất có lãi!”, Trương Lan Phương nhớ lại cảm giác khó tin khi nhận số tiền buôn bán đầu tiên từ 20 năm trước. Từ một vài người trong gia đình đến một nhà máy với hơn 100 công nhân; từ chỉ 4-5 loại sản phẩm, đến hàng nghìn mẫu mã khác nhau; doanh thu hàng năm cũng đã tăng từ hàng chục nghìn NDT lên hàng chục triệu NDT như hiện tại.
Vớ Giáng sinh, túi giấy và mũ Giáng sinh cho đến nay là những sản phẩm bán chạy nhất, đặc biệt là ở các nước châu Âu như Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha và Nam Mỹ.
Mặc dù các thương nhân sản xuất đồ Giáng sinh lần lượt thay đổi và tỷ suất lợi nhuận ngày càng giảm, gia đình Trương Lan Phương vẫn kiên trì với nghề này. Cô nói thẳng: “Cung không đủ cầu, tạm thời chúng tôi chưa thể mở rộng sang các sản phẩm đặc trưng của các mùa lễ hội khác như Tết Nguyên Đán hay Halloween, chỉ tập trung vào Giáng sinh”.
Hơn 20 năm kinh doanh đồ Giáng sinh, Trương Lan Phương thừa nhận rằng tình hình chưa bao giờ kém. Ngay cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra năm 2008, các đơn đặt hàng cung cấp đồ Giáng sinh vẫn bùng nổ.
“Có lẽ, sau một năm căng thẳng và thất vọng, mọi người đều muốn thắp sáng không khí Giáng sinh bằng những đồ trang trí sống động để xua tan sự chán nản và bất hạnh trước đó”, Trương Lan Phương, thương nhân kinh doanh mặt hàng Giáng sinh ở Nghĩa Ô.
Bị ảnh hưởng bởi giai đoạn dịch bệnh, người mua ở nước ngoài không thể đến Nghĩa Ô để xem hàng hóa và lựa chọn sản phẩm tại chỗ, điều này ảnh hưởng đến nhiều khách hàng mới. May mắn thay, có rất nhiều khách hàng cũ liên hệ qua WeChat và email, cũng có nhiều người mua ở nước ngoài đặt hàng trực tiếp trên nền tảng thương mại điện tử. Bỏ qua giai đoạn mọi thứ trên thế giới gần như dừng lại bởi dịch bệnh năm 2020-2021 thì tình hình kinh doanh đồ Giáng sinh ở Nghĩa Ô chưa bao giờ sa sút.
Hiện tại, mùa bán hàng cao điểm của đồ Giáng sinh đã qua, nhưng Trương Lan Phương không thể nhàn rỗi. “Bây giờ chúng tôi phải bắt đầu chuẩn bị hàng hóa cho Giáng sinh năm sau”.
Bức tranh xán lạn của đồ Giáng sinh “Made in China”
Theo thống kê hải quan Nghĩa Ô, trong nửa đầu năm nay, Nghĩa Ô đã xuất khẩu tổng cộng 1,05 tỷ NDT (hơn 3,5 nghìn tỷ đồng) sản phẩm Giáng sinh, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một số thương nhân kinh doanh đồ Giáng sinh cho biết: “Tình trạng xuất khẩu năm nay đã được phục hồi”. Tưởng Giang Bình đã điều hành một cửa hàng đồ Giáng sinh trong 20 năm, nói rằng doanh thu cửa hàng của ông đã phục hồi 90% vào đầu năm 2022 và “doanh thu năm nay 2023 đã tăng gần 20% so với năm 2019”.
Ngoài các thị trường châu Âu và Mỹ truyền thống, Mexico, Brazil, Argentina và các quốc gia khác đã có nhiều đơn hàng hơn trong năm nay.
Trên thực tế, Nghĩa Ô không phải là thành phố duy nhất trên thế giới sản xuất sản phẩm Giáng sinh. Vậy làm thế nào Nghĩa Ô có thể phủ sóng 2/3 thị trường đồ Giáng sinh của thế giới?
Nhìn chung nói theo cách dễ hiểu nhất, Nghĩa Ô có một chuỗi công nghiệp sản xuất, bán hàng, đóng gói sản phẩm Giáng sinh hoàn chỉnh. Hiện tại, chuyên về ngành công nghiệp sản phẩm Giáng sinh đã vượt quá 800 doanh nghiệp, cho ra chuỗi sản phẩm như đồ chơi Giáng sinh, cây thông Noel, trang phục Giáng sinh, đèn Giáng sinh và vô vàn mẫu mã khác. Các sản phẩm Giáng sinh được sản xuất tại Nghĩa Ô có sự đa dạng về chi phí và mẫu mã, cùng với hàng loạt chính sách tặng kèm khiến người mua trên khắp thế giới không thể không để mắt tới.
Tưởng Giang Bình tin rằng dưới ảnh hưởng của các yếu tố như sự đình trệ kinh tế toàn cầu hay chính sách mới của Mỹ và một số nước phương Tây sẽ ảnh hưởng đến thương mại xuất khẩu của Nghĩa Ô ở một mức độ nhất định, nhưng người kinh doanh ở Nghĩa Ô từ lâu đã nhận thức được vấn đề này và đã có những điều chỉnh cũng như tích cực khám phá các thị trường mới.
“Bức tranh khung cảnh Giáng sinh ở Nghĩa Ô phồn vinh có lẽ sẽ xán lạn mãi mãi trừ khi xuất hiện một đại dịch tiếp theo”, chủ cửa hàng đồ Giáng sinh ở Nghĩa Ô, Tưởng Giang Bình cười nói.
Nguồn: Tổng hợp