Tên các nền tảng Internet xuất hiện rất nhiều quảng cáo các gói tầm soát ung thư. Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ - trưởng khoa ung bướu Bệnh viện Thành phố Thủ Đức (TP.HCM) - cho rằng có những quảng cáo trong số này mang tính kinh doanh là chính, thiếu khoa học và không giúp ích cho người được tầm soát.
Tập trung tầm soát các loại ung thư phổ biến tại Việt Nam
Bác sĩ Vũ cho hay ung thư hiện nay là một vấn nạn sức khỏe lớn của cả thế giới, tuy nhiên mỗi nước lại có đặc điểm riêng.
Chẳng hạn ung thư tiền liệt tuyến là ung thư hàng đầu tại Mỹ và châu Âu, nhưng ít gặp ở Việt Nam. Do đó áp dụng nguyên chương trình tầm soát từ nước ngoài vào Việt Nam có thể không mang lại hiệu quả.
Ví dụ điển hình như việc xét nghiệm tràn lan các chất chỉ điểm khối u trong máu như CEA, CA 125 hoặc CA 153… có thể không chính xác trong nhiều trường hợp, do các chất này có thể tăng trong một số bệnh lý khác nhau, lành tính cũng như ác tính, hoặc nhiều người thật sự bị khối u nhưng xét nghiệm vẫn bình thường.
Do đó kết quả xét nghiệm có thể gây hoang mang hoặc yên tâm giả tạo cho người được xét nghiệm.
"Việc lạm dụng các phương tiện hình ảnh như chụp cắt lớp toàn thân nhằm tầm soát ung thư cũng không mang lại hiệu quả tốt và chưa được tổ chức nào khuyên dùng", bác sĩ Vũ lưu ý.
Bác sĩ Nguyễn Minh Đức (Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM) - cho biết tại Việt Nam có bốn loại ung thư phổ biến là ung thư gan, ung thư phổi, ung thư vú, ung thư cổ tử cung.
Trong đó nam thường gặp hai loại ung thư là gan và phổi, do thói quen uống nhiều rượu bia và hút thuốc lá. Còn nữ là ung thư cổ tử cung và vú.
Tuy nhiên nếu được sàng lọc, phát hiện sớm, nhiều thể ung thư phổi, vú, cổ tử cung, tiền liệt tuyến, ung thư tuyến giáp... có cơ hội điều trị thành công cao.
"Do đó sàng lọc, phát hiện sớm ung thư là rất tốt, nhưng nhiều người đổ xô đi tầm soát ung thư toàn thân theo các gói quảng cáo, dù được thực hiện nhiều xét nghiệm máu, chụp chiếu... nhưng kết quả không đến đâu, hết sức tốn kém. Nên sàng lọc theo nhóm nguy cơ, tuổi, nhất là các loại ung thư có thể phát hiện sớm", bác sĩ Minh Đức nói.
Ai cần tầm soát loại ung thư nào?
Theo bác sĩ Minh Đức, để việc tầm soát ung thư có hiệu quả, cần có khâu sàng lọc, tư vấn ban đầu để hiệu quả sàng lọc tốt hơn. Người nhóm nguy cơ cao thì sàng lọc rộng hơn, người có yếu tố nguy cơ thấp hoặc rất thấp thì việc tầm soát cho họ cũng ở nhóm người nguy cơ thấp, rất thấp.
Ví dụ người hút thuốc lá lâu năm thì không cần chụp X-quang phổi mà chỉ chụp luôn CT-Scan phổi liều thấp. Với những người không có nhiều yếu tố nguy cơ như sống môi trường không khói thuốc lá, không quá ô nhiễm... thì chỉ cần chụp X-quang phổi.
Theo bác sĩ Vũ, điều quan trọng nhất đối với tầm soát là xử trí và theo dõi sau đó, không nên coi tầm soát chỉ là thỉnh thoảng đi xét nghiệm, mà đó phải là một quá trình theo từng độ tuổi nguy cơ, khi phát hiện bất thường, người dân phải được tư vấn các bước tiếp theo.
Chẳng hạn nếu phết tế bào cổ tử cung có nghi ngờ, nhân viên y tế sẽ hướng dẫn người bệnh sẽ điều trị ra sao hoặc cách theo dõi tiếp theo mà không làm họ hoảng sợ.
Bên cạnh đó, bác sĩ khuyến cáo nên duy trì lối sống khỏe mạnh, chích ngừa viêm gan siêu vi B và vi rút gây u nhú (HPV), đây là cách tốt giúp giảm nguy cơ ung thư gan và ung thư cổ tử cung.
Chú ý đến những thay đổi của cơ thể như khối u ở vú hoặc ra máu âm đạo bất thường, đi cầu ra máu… để đến bệnh viện khám sớm cũng là cách tốt để bảo vệ cơ thể.
Tại Việt Nam, mỗi năm có thêm hơn 182.000 ca mắc ung thư mới và có gần 123.000 ca tử vong do ung thư. Những loại ung thư phổ biến tại Việt Nam là gan, phổi, vú, dạ dày và đại trực tràng. Làm thế nào để kiểm soát được ung thư?