Khung pháp lý chặt chẽ hơn
Thực tế cho thấy, quản trị công ty tốt giúp thúc đẩy hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh; nâng cao chất lượng nhận diện, kiểm soát rủi ro, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường vốn, gia tăng giá trị cổ phiếu, giá trị doanh nghiệp; nâng cao uy tín doanh nghiệp, cải thiện quan hệ với các bên liên quan…
Trong những năm qua, khung pháp lý về quản trị công ty tại Việt Nam dần được hoàn thiện, hướng tới quản trị công ty theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
Hiện tại, các quy định về quản trị công ty có ở Luật Chứng khoán năm 2019 (Mục 2 - Quản trị công ty áp dụng với công ty đại chúng), Luật Doanh nghiệp năm 2020 (Chương V - Công ty cổ phần), Nghị định 155/2020/NĐ-CP (Chương VIII - Quản trị công ty áp dụng với công ty đại chúng), Thông tư 96/2020/TT-BTC về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, Thông tư 116/2020/TT-BTC hướng dẫn một số điều về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng.
Ông Lê Trung Hải, Phó vụ trưởng Vụ Giám sát Ủy ban Chứng khoán Nhà nước |
Cụ thể hơn, Điều 40, Luật Chứng khoán 2019 yêu cầu công ty đại chúng thiết lập cơ cấu quản trị hợp lý, hiệu quả; bảo đảm hiệu quả hoạt động của hội đồng quản trị, ban kiểm soát; nâng cao trách nhiệm của hội đồng quản trị đối với công ty và cổ đông; bảo đảm quyền của cổ đông, đối xử bình đẳng giữa các cổ đông; bảo đảm vai trò của nhà đầu tư, thị trường chứng khoán và các tổ chức trung gian trong việc hỗ trợ hoạt động quản trị công ty; tôn trọng và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên có quyền lợi liên quan trong quản trị công ty; công bố thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác và minh bạch hoạt động của công ty; bảo đảm cổ đông được tiếp cận thông tin công bằng.
Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định về nguyên tắc áp dụng, điều lệ công ty và quy chế nội bộ về quản trị công ty; cổ đông và đại hội đồng cổ đông; thành viên hội đồng quản trị và hội đồng quản trị; thành viên ủy ban kiểm toán và ủy ban kiểm toán; thành viên ban kiểm soát và ban kiểm soát.
Thông tư 116/2020/TT-BTC ban hành điều lệ mẫu và quy chế nội bộ về quản trị công ty, quy chế hoạt động của hội đồng quản trị, quy chế hoạt động của ủy ban kiểm toán, quy chế hoạt động của ban kiểm soát.
Cùng với khung khổ pháp lý được hoàn thiện, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xây dựng Bộ quy tắc Quản trị công ty tại Việt Nam, bao gồm các tiêu chuẩn cao hơn yêu cầu tối thiểu theo quy định pháp luật, khuyến khích các doanh nghiệp hướng tới các thông lệ quốc tế như Bộ nguyên tắc Quản trị công ty của G20/OECD, Thẻ điểm Quản trị công ty ASEAN.
Một số lỗi vi phạm phổ biến
Kết quả đánh giá hoạt động quản trị công ty trong khuôn khổ Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết những năm gần đây cho thấy, thực hành quản trị công ty của doanh nghiệp niêm yết ngày càng có sự cải thiện. Nếu như năm 2018, các doanh nghiệp chủ yếu áp dụng ở mức tuân thủ bộ tiêu chí dựa trên nguyên tắc quản trị công ty của OECD và quy định hiện hành, thì đến năm 2022 đã áp dụng nhiều hơn chuẩn mực quản trị trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp vi phạm quy định về quản trị công ty vẫn đáng chú ý, với các lỗi vi phạm phổ biến sau.
Thứ nhất, doanh nghiệp không đảm bảo cơ cấu, số lượng thành viên hội đồng quản trị độc lập.
Điều 276, Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định, hội đồng quản trị công ty niêm yết có từ 3 - 5 thành viên phải có tối thiểu 1 thành viên độc lập, hội đồng quản trị có từ 6 - 8 thành viên phải có tối thiểu 2 thành viên độc lập, hội đồng quản trị có từ 9 - 11 thành viên phải có tối thiểu 3 thành viên độc lập.
Thứ hai, công ty vi phạm quy định (Điều 292 và Điều 293, Nghị định 155/2020/NĐ-CP) về giao dịch với cổ đông, người quản lý doanh nghiệp và người có liên quan của các đối tượng này.
Thứ ba, công ty không ký kết hợp đồng bằng văn bản khi tiến hành giao dịch với người có liên quan (chiếm 3,5% số công ty), vi phạm quy định tại Điều 167, Luật Doanh nghiệp, Điều 292, Nghị định 155/2020/NĐ-CP. Pháp luật quy định, khi tiến hành giao dịch với người có liên quan, công ty đại chúng phải ký kết hợp đồng bằng văn bản theo nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, đồng thời áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa cổ đông và những người có liên quan tiến hành các giao dịch làm thất thoát vốn, tài sản hoặc các nguồn lực khác của công ty.
Với các lỗi trên, Nghị định 128/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán quy định mức phạt tiền từ 100 - 150 triệu đồng.
Thứ tư, thành viên hội đồng quản trị độc lập không lập báo cáo đánh giá về hoạt động của hội đồng quản trị. Lỗi này bị phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng.
Thứ năm, công ty không đưa nội dung thù lao của từng thành viên hội đồng quản trị, tiền lương của tổng giám đốc/giám đốc và người quản lý khác thành mục riêng trong báo cáo tài chính hàng năm và báo cáo đại hội cổ đông tại cuộc họp thường niên. Lỗi này bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng.
Thứ sáu, công ty không quy định tại quy chế nội bộ về quản trị công ty việc áp dụng công nghệ thông tin hiện đại để cổ đông có thể tham dự và phát biểu ý kiến tại cuộc họp đại hội cổ đông thông qua họp trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác. Lỗi vi phạm Điều 273, Nghị định 155/2020/NĐ-CP này bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.
Khung pháp lý về quản trị công ty tại Việt Nam dần được hoàn thiện, hướng tới quản trị công ty theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế |
Quy định về công bố thông tin và mức xử phạt
Điều 10, Thông tư 96/2020/TT-BTC quy định, công ty đại chúng phải công bố báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tổ chức kiểm toán ký báo cáo kiểm toán nhưng không vượt quá 90 ngày, kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Công ty đại chúng phải lập báo cáo thường niên theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này và công bố báo cáo này trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày công bố báo cáo tài chính năm được kiểm toán nhưng không vượt quá 110 ngày, kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Công ty đại chúng phải công bố thông tin về báo cáo tình hình quản trị công ty theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc 6 tháng đầu năm và kết thúc năm dương lịch.
Doanh nghiệp công bố thông tin không đúng thời hạn quy định, không đầy đủ nội dung có thể bị phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng.
Điều 11, Thông tư 96/2020/TT-BTC quy định, khi công bố thông tin các báo cáo tài chính, tổ chức niêm yết cổ phiếu, công ty đại chúng quy mô lớn phải đồng thời giải trình nguyên nhân khi xảy ra một trong các trường hợp sau: lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp tại báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của kỳ báo cáo thay đổi từ 10% trở lên so với báo cáo cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế trong kỳ báo cáo bị lỗ, chuyển từ lãi ở báo cáo cùng kỳ năm trước sang lỗ ở kỳ này hoặc ngược lại; lợi nhuận sau thuế trong kỳ báo cáo có sự chênh lệch trước và sau kiểm toán hoặc soát xét từ 5% trở lên, chuyển từ lỗ sang lãi hoặc ngược lại.
Khi có sự thay đổi số cổ phiếu có quyền biểu quyết, thời điểm công bố thông tin thực hiện như sau: 1) Trường hợp công ty phát hành thêm cổ phiếu hoặc chuyển đổi trái phiếu, cổ phiếu ưu đãi thành cổ phiếu, tính từ thời điểm công ty báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về kết quả phát hành, kết quả chuyển đổi theo quy định pháp luật về phát hành chứng khoán. 2) Trường hợp công ty mua lại cổ phiếu của chính mình hoặc bán cổ phiếu quỹ, tính từ thời điểm công ty báo cáo kết quả giao dịch theo quy định pháp luật về mua lại cổ phiếu của chính mình, bán cổ phiếu quỹ. 3) Trường hợp công ty mua lại cổ phiếu của người lao động theo quy chế phát hành cổ phiếu cho người lao động của công ty hoặc mua lại cổ phiếu lô lẻ theo yêu cầu của cổ đông; công ty chứng khoán mua cổ phiếu của chính mình để sửa lỗi giao dịch hoặc mua lại cổ phiếu lô lẻ, công ty công bố thông tin trong thời hạn 10 ngày đầu tiên của tháng trên cơ sở các giao dịch đã hoàn tất và cập nhật đến ngày công bố thông tin.
Điều 10, Quy chế công bố thông tin tại Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con quy định, khi có sự thay đổi số cổ phiếu có quyền biểu quyết, tổ chức đăng ký giao dịch thực hiện công bố thông tin theo quy định tại điểm k, khoản 1, Điều 11, Thông tư 96/2020/TT-BTC và mẫu quy định tại Phụ lục V (thông báo thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết) ban hành kèm theo quy chế này.
Vi phạm các quy định trên, doanh nghiệp có thể bị phạt tiền từ 70 - 100 triệu đồng.