Thông tin nêu ra tại diễn đàn tiềm năng phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam, do báo điện tử VOV tổ chức ngày 14-12.
Nhà đầu tư lo ngại thủ tục phức tạp
Chỉ ra những thách thức lớn trong phát triển điện khí LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng), ông Mai Xuân Ba - đại diện Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) - cho hay theo Quy hoạch điện 8, điện khí chiếm tỉ trọng 24,8%, tương đương hơn 37.000 MW. Ngoài lượng khí trong nước đáp ứng khoảng 10% nhu cầu, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu thêm 15 triệu tấn LNG.
Tuy nhiên, điều đáng nói là trong tổng số 13 dự án cần phát triển đến năm 2030, hiện chỉ có duy nhất điện khí Nhơn Trạch 3, 4 đang trong giai đoạn xây dựng và sắp đưa vào vận hành, một dự án đang trong quá trình làm các thủ tục đầu tư, còn lại hầu hết các dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Theo ông Ba, mặc dù Quy hoạch điện 8 đã được ban hành nhưng một số quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương chưa hoàn thiện, đồng bộ và được cập nhật kịp thời, đặc biệt là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Vì vậy, khi PV Gas đến các tỉnh xin chủ trương đầu tư, nghiên cứu cơ hội đầu tư gặp nhiều khó khăn và rủi ro khi bị kéo dài thời gian xin chấp thuận chủ trương đầu tư, tìm kiếm địa điểm đầu tư, thỏa thuận phương án tuyến.
Ông dẫn chứng dự án điện khí Sơn Mỹ trước đây do PVGas làm chủ đầu tư với 100% vốn, lập dự án từ năm 2010.
Đến năm 2017, dự án mới được thẩm định thiết kế cơ sở, sau đó hình thành liên doanh giữa PVGas với đối tác là Tập đoàn AES, nhưng cũng mất thời gian để xin lại chủ trương đầu tư.
"Chúng tôi mất tới 2 năm xin lại chủ trương đầu tư. Một tờ giấy A4 xin chủ trương đầu tư kho điện khí, chuyển từ PV Gas sang liên doanh với AES thôi, nhưng thủ tục xin chủ trương đầu tư liên quan quy hoạch tỉnh là cực kỳ phức tạp" - ông Ba bày tỏ.
Hay nhắc đến kho cảng LNG Thị Vải đầu tiên của Việt Nam vừa được hoàn thành với công suất 1 triệu tấn/năm, ông Ba cho biết cũng phải mất gần 20 năm mới được hoàn thành. Lý do là chưa có cơ chế, thiếu hành lang pháp lý để triển khai thực hiện dự án.
Rủi ro biến động giá khí, đầu tư thời gian ngắn
Chưa kể việc đầu tư các kho cảng và nhà máy điện khí cần vốn đầu tư lớn, nhưng đến năm 2035 Nhà nước sẽ không cấp phép cho dự án điện khí, nên sẽ tạo rủi ro lớn cho nhà đầu tư.
Ông Ba dẫn chứng suất đầu tư một cảng LNG đáp ứng cho nhà máy điện công suất 3.000 MW có vốn đầu tư trên 1 tỉ USD; suất đầu tư cho nhà máy điện 1.500 MW là 1,5 tỉ USD.
TS Nguyễn Huy Hoạch - hội đồng khoa học tạp chí Năng Lượng Việt Nam - cho rằng chỉ còn gần 10 năm để đầu tư một loạt nhà máy điện khí với công suất gấp đôi là thách thức rất lớn.
Bởi thực tế thủ tục đầu tư các nhà máy này mất từ 6-8 năm, hoặc thậm chí có dự án cả chục năm, nên việc xây dựng và đưa các nhà máy điện khí trong thời gian ngắn, tạo ra lợi nhuận thu hút nhà đầu tư, là rất khó khăn.
Trong khi đó, giá khí biến động rất lớn, Việt Nam lại phải nhập khẩu và phụ thuộc giá thế giới.
Theo tính toán, trong trường hợp giá khí đang nhập về Việt Nam 10-12 USD/triệu BTU, thì giá thành điện năng sẽ tương đương 9,2 cent/kWh. Mức giá này cao hơn nhiều so với giá thành của ngành điện. Trong trường hợp giá khí biến động, tăng lên thì sẽ không khả thi và đảm bảo cho nhà đầu tư dự án để bán được điện.
Còn ông Tạ Đình Thi, phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng để phát triển điện khí LNG, chuyển đổi năng lượng bền vững, cần quan tâm việc hoàn thiện chính sách và tổ chức thực hiện hiệu quả.
Trong đó, cần cụ thể hóa việc triển khai các dự án điện khí LNG thông qua việc hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch triển khai thực hiện. Huy động nguồn lực gắn với cơ chế giá, xây dựng hạ tầng đồng bộ, đảm bảo chuỗi cung ứng cho sản xuất và nhập khẩu khí...
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cùng các đối tác vừa ký kết các hợp đồng liên quan và triển khai chuỗi dự án khí điện Lô B ngày 30-10