Ngày 14-12, ông Nguyễn Tuấn Dũng - phó giám đốc phụ trách Trung tâm Bảo tồn di tích Khánh Hòa - cho biết trung tâm đang thực hiện chỉnh trang khuôn viên và tu bổ, gia cố, phục hồi Tháp Nam (tháp B) di tích Tháp Bà Ponagar (phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang).
Các hạng mục Tháp Bà Ponagar xuống cấp
Theo ông Dũng, dự án chỉnh trang khuôn viên di tích Tháp Bà Ponagar có tổng mức đầu tư hơn 6,6 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn của Trung tâm Bảo tồn di tích hơn 6 tỉ đồng, số còn lại ngân sách tỉnh, thực hiện từ 2023 đến 2024.
Vị trí làm dự án là phần đất có các công trình phụ trợ của di tích bị giải tỏa để xây dựng bờ kè sông Cái (thuộc dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải - tiểu dự án Nha Trang).
Việc chỉnh trang khuôn viên, làm lại tường rào, cổng để xứng với di tích và phù hợp với mặt đường.
Đồng thời, xây dựng một số công trình phụ trợ phục vụ cho các hoạt động trong khu di tích.
Do đó, việc chỉnh trang khuôn viên với các hạng mục như nhà phục vụ, cổng tường rào, kè đá, nền sân, hầm thoát nước là cần thiết.
Về dự án tu bổ, gia cố, phục hồi Tháp Nam có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 13,8 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn của Trung tâm Bảo tồn di tích hơn 13,2 tỉ đồng, số còn lại từ ngân sách tỉnh, thực hiện từ 2023 đến 2025.
Tháp Bà Ponagar đã qua một số lần tu bổ, sửa chữa nhưng đang dần xuống cấp theo thời gian. Hiện kết cấu của tòa Tháp Nam vách nứt thấm dột, mủn gạch gây mất an toàn cho quá trình phục vụ du khách đến tham quan... Do đó, việc tu bổ, gia cố, phục hồi tòa tháp này là cần thiết.
Việc tu bổ dựa trên nền móng hiện trạng, không làm thay đổi kiến trúc, công năng sử dụng hiện có của công trình và khu đất, phù hợp quy định pháp luật.
Ngoài ra, việc phục hồi Tháp Nam nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; phục vụ khách hành hương, thăm quan tại di tích; gìn giữ kiến trúc nghệ thuật đền, tháp Chăm…
Phương án tu bổ, gia cố Tháp Nam ra sao?
Theo ông Dũng, hiện mới triển khai các thủ tục, trung tâm còn phải lấy ý kiến cộng đồng và mời các đơn vị, chuyên gia tư vấn…
Tuy nhiên, trong hồ sơ trình tỉnh phê duyệt, việc tu bổ phục hồi Tháp Nam trên yếu tố hiện trạng còn lại (yếu tố gốc) cũng như các tư liệu của di tích.
Đồng thời, loại bỏ các yếu tố, chi tiết không phù hợp với kiến trúc, không nguyên gốc được gia cường ở các giai đoạn tu bổ trước đây.
Về giải pháp kỹ thuật, đối với khối xây nguyên gốc được vệ sinh bề mặt, xử lý rêu mốc; xác định các vị trí vết nứt để gia cường ổn định khối xây và xử lý chống thấm.
Ông Dũng cho biết thêm trong quá trình triển khai, trung tâm yêu cầu các đơn vị tư vấn, thi công hạn chế thấp nhất việc ảnh hưởng đến hoạt động tham quan, hành hương của du khách và người dân.
Mới đây, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã thông qua nghị quyết thực hiện 2 dự án chỉnh trang, tu bổ, gia cố tháp ở di tích Tháp Bà Ponagar nói trên.
Tháp Bà Ponagar là một quần thể kiến trúc lớn và được phân bố trên 3 mặt bằng: Tháp Cổng, Mandapa và khu đền tháp. Do biến động của lịch sử, hiện nay khu di tích còn lại 5 công trình kiến trúc ở hai mặt bằng Mandapa và khu đền Tháp.
Di tích có niên đại xây dựng khoảng từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XIII. Khu đền tháp có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tôn giáo, tinh thần của người Chăm. Mỗi công trình chứa đựng những tinh hoa nghệ thuật của văn hóa Chămpa. Năm 1979, di tích Tháp Bà Ponagar được xếp hạng là di tích quốc gia.
Sáng 29-7, tại Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM diễn ra chương trình Đối thoại cùng chính quyền thành phố với chủ đề 'Đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo và khai thác các công trình di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn'.