Kết luận Thanh tra Bộ Tư pháp đã chỉ ra các hạn chế, vi phạm của chấp hành viên, Cục Thi hành án dân sự TP. Đặc biệt là Công ty đấu giá hợp danh VAMC có dấu hiệu thông đồng đấu giá căn nhà của bà L.T.K.C. là tài sản thi hành án.
Đó là nội dung kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật đối với Cục Thi hành án dân sự TP.HCM và Công ty đấu giá hợp danh VAMC, được Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Diện ban hành mới đây.
Có dấu hiệu dàn xếp, thông đồng
Căn nhà tại phường Tân Kiểng (quận 7, TP.HCM) của bà L.T.K.C. được thế chấp cho Agribank vào năm 2010. Theo bản án có hiệu lực pháp luật năm 2019 cho phép Agribank được yêu cầu bán đấu giá căn nhà của bà C. để thu hồi và cấn trừ tiền cho vay.
Từ đó, ngày 16-12-2020, cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM ban hành quyết định thi hành án, phân công chấp hành viên Nguyễn Hữu Kỳ giải quyết.
Chấp hành viên thuê đơn vị thẩm định giá căn nhà cho ra giá là hơn 16,2 tỉ đồng (trong khi bà C. nhờ đơn vị thẩm định giá khác thì gần 31 tỉ đồng). Chấp hành viên ký hợp đồng với Công ty đấu giá hợp danh VAMC để công ty này tổ chức việc đấu giá.
Đến ngày 15-4-2022, Công ty đấu giá hợp danh VAMC (hiện đã đổi tên thành Công ty đấu giá hợp danh Trung Tín) tổ chức cho hai khách hàng là Nguyễn Thái Dương (ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) và Nguyễn Huy Hạnh (ngụ tỉnh Hải Dương) đấu giá, với giá khởi điểm là hơn 16,2 tỉ đồng. Kết quả là ông Nguyễn Thái Dương trúng đấu giá, với giá cao hơn giá khởi điểm 150 triệu đồng.
Bức xúc vì mất nhà, bà C. đã làm đơn tố cáo chấp hành viên và quá trình thi hành án lên Cục Thi hành án dân sự TP và các cơ quan liên quan.
Thanh tra Bộ Tư pháp vào cuộc và phát hiện dấu hiệu dàn xếp, thông đồng đấu giá của Công ty đấu giá hợp danh VAMC và 2 khách hàng.
Kiến nghị chuyển cơ quan điều tra làm rõ
Dấu hiệu thông đồng đấu giá căn nhà của bà C. được Thanh tra Bộ Tư pháp chỉ ra qua hàng loạt hành vi của Công ty đấu giá hợp danh VAMC và phó giám đốc của công ty này diễn ra trước, trong và sau cuộc đấu giá.
Cụ thể: Hồi 8h23 ngày 16-3-2022, ông Trần Tấn Hoàng (phó giám đốc công ty) gọi cho ông Dương. Đến 10h14 cùng ngày, ông Hoàng gọi cho chấp hành viên để thực hiện việc ký hợp đồng đấu giá căn nhà của bà C.. Tiếp đến vào hồi 10h54, ông Hoàng gọi cho ông Hạnh.
Trong ngày 16-3 công ty đấu giá ban hành thông báo bán đấu giá, nhưng 2 ngày sau công ty đấu giá mới thực hiện việc niêm yết thông báo bán đấu giá tài sản. "Như vậy có thể khẳng định ngày 16-3-2022, hai khách hàng không thể biết thông tin chính thức về việc đấu giá tài sản để đăng ký tham gia đấu giá, nên chỉ có thể biết thông qua ông Hoàng", kết luận thanh tra nhận định.
Trước kề ngày đấu giá, ông Hoàng và hai khách hàng cũng liên tục liên hệ, nhắn tin cho nhau.
Theo kết luận thanh tra, thời điểm trước, trong và sau khi kết thúc cuộc đấu giá căn nhà của bà C. thì ông Hoàng và hai khách hàng thường xuyên liên lạc và nhắn tin với nhau.
"Từ những dấu hiệu nêu trên có thể khẳng định ông Hoàng và các khách hàng có quen biết nhau từ trước và có dấu hiệu dàn xếp trong việc mua hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá và trúng đấu giá. Hành vi dàn xếp, thông đồng đấu giá làm ảnh hưởng đến kết quả bán đấu giá là vi phạm Luật Đấu giá tài sản và vi phạm điều 218 Bộ luật Hình sự...", kết luận nêu.
Từ kết quả thanh tra, Thanh tra Bộ Tư pháp kiến nghị bộ trưởng Bộ Tư pháp giao Thanh tra bộ lập hồ sơ chuyển cơ quan điều tra về dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty đấu giá và khách hàng.
Bên cạnh đó, Thanh tra bộ cũng kiến nghị các biện pháp xử lý trách nhiệm của Cục Thi hành án dân sự TP.HCM và chấp hành viên.
Vai trò, trách nhiệm của Cục Thi hành án dân sự TP.HCM cùng chấp hành viên trong vụ bán đấu giá nhà bà C. như thế nào TTO sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Tố cáo chấp hành viên thiếu trách nhiệm gây thiệt hại
Ngày 10-5-2022, sau khi nhà đã bị bán đấu giá, bà C. làm đơn tố cáo chấp hành viên với 3 nội dung:
- Thứ nhất: Tống đạt thông báo về việc bán tài sản thi hành án (căn nhà bà C.) vào ngày thứ bảy và quá gần ngày đấu giá, khiến bà C. không chuẩn bị kịp tiền để chuộc lại tài sản.
- Thứ hai: Trước ngày đấu giá, bà C. yêu cầu cung cấp thông tin về số tiền bà phải thi hành án là bao nhiêu và cách thức nộp tiền để bà được thực hiện quyền ưu tiên mua lại nhà, nhưng không được hướng dẫn khiến bà không chuộc lại nhà được.
- Thứ ba: Chấp hành viên thuê đơn vị thẩm định giá căn nhà của bà C. có giá chỉ hơn 16,2 tỉ đồng, trong khi bà C. nhờ đơn vị khác thẩm định thì căn nhà có giá đến gần 31 tỉ đồng. Theo bà C., chấp hành viên thấy giá thẩm định thấp so với giá thị trường nhưng không có ý kiến gì.
Các hành vi thiếu trách nhiệm của chấp hành viên khiến bà C. không chuộc lại được nhà và căn nhà bị bán với giá thấp, gây thiệt hại rất nghiêm trọng đến quyền lợi của bà.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung nêu nhiều cuộc đấu giá mà người tham gia có biểu hiện đưa mức giá bất thường, trả giá quá cao, từ mấy chục tới 204 lần giá khởi điểm.