Ngày 14-12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh hy vọng các bên liên quan sẽ kiềm chế tối đa và tìm ra giải pháp cho tình hình ở Myanmar.
"Trung Quốc đã làm việc không mệt mỏi để ngăn chặn chiến tranh và thúc đẩy các cuộc đàm phán giữa các bên liên quan ở Myanmar, đồng thời thúc đẩy giảm leo thang và hạ nhiệt tình hình", Hãng tin Reuters dẫn lời bà Mao Ninh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Trước đó vài ngày, "Liên minh 3 anh em" tái khẳng định cam kết đánh bại chính quyền quân sự Myanmar, bất chấp các cuộc đàm phán hòa bình đang diễn ra. Liên minh này bao gồm Đội quân Dân tộc Arakan (AA), Đội quân Liên minh Dân chủ quốc gia Myanmar (MNDAA) và Quân đội Giải phóng Dân tộc Ta'ang (TNLA), có trụ sở ở miền đông bang Shan.
Liên minh này khẳng định họ sẽ không bao giờ ngừng ủng hộ "tham vọng chính trị" của người dân Myanmar.
Cuộc tấn công của Liên minh 3 anh em cùng các nhóm vũ trang sắc tộc khác đang đặt ra thách thức lớn nhất đối với chính quyền quân sự Myanmar, kể từ vụ đảo chính lật đổ chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi vào đầu năm 2021.
Liên minh 3 anh em đã phát động Chiến dịch 1027, bắt đầu vào ngày 27-10. Kể từ đó, liên minh đã kiểm soát hơn 200 vị trí quân sự, bao gồm một số thị trấn ở bang Shan và phía tây bang Rakhine.
Cuộc giao tranh chủ yếu diễn ra ở bang Shang đã gây lo lắng cho nước láng giềng Trung Quốc. Theo Liên Hiệp Quốc, khoảng 300.000 người đã phải di dời kể từ khi giao tranh nổ ra, và hơn 2 triệu người trở thành người vô gia cư kể từ đảo chính năm 2021.
Thống tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar, lên tiếng hiếm hoi về cuộc giao tranh hiện tại giữa quân đội nước này với phe nổi dậy.