Ngày 15/12, Cục Thi hành án dân sự TPHCM cho biết, cơ quan này đang làm thủ tục để chia hơn 82 tỷ đồng cho hơn 4.500 bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền xảy ra tại công ty cổ phần địa ốc Alibaba. Người được nhận cao nhất là hơn 800 triệu đồng.
Đây là số tiền mặt các cơ quan tố tụng thu hồi được trong quá trình giải quyết vụ án. Đối với những tài sản khác như ôtô, xe máy, máy tính... Cục thi hành án tiếp tục xử lý để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm.
Đối với lượng lớn bất động sản tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận, Cục Thi hành án dân sự TPHCM đã có kế hoạch ủy thác cho cơ quan thi hành án tại địa phương xử lý, thu hồi tiền để tiếp tục chi trả cho bị hại trong các đợt sau.
Ngoài ra, Cục Thi hành án dân sự TPHCM cũng đang tổ chức cho 58 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tiếp tục nộp tiền để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Trong số hơn 4.548 bị hại có hơn 4.000 người đã có đơn yêu cầu thi hành án, Cục Thi hành án dân sự TPHCM đề nghị 500 người còn lại nhanh chóng liên hệ làm các thủ tục nhận tiền bồi thường. Do số lượng bị hại trong vụ án đặc biệt lớn, nên Cục Thi hành án dân sự TPHCM đã phải huy động hàng chục chấp hành viên tham gia tiếp nhận, giải quyết việc thi hành án vụ này.
Hồi tháng 5, TAND Cấp cao tại TPHCM xử phúc thẩm, bác đơn kháng cáo của Luyện, tuyên y án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) bị tuyên 23 năm tù về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền.
21 bị cáo khác bị tuyên mức án từ 2 năm 6 tháng tù treo đến 17 năm tù.
Về dân sự, tòa buộc Nguyễn Thái Luyện và vợ liên đới bồi thường toàn bộ số tiền chiếm đoạt của bị hại, tương đương hơn 2.400 tỷ đồng.
Theo hồ sơ vụ án, Luyện thu mua diện tích lớn đất nông nghiệp tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận. Chủ tịch địa ốc Alibaba thành lập 22 công ty con, trong đó sử dụng 12 pháp nhân làm chủ đầu tư 58 dự án bất động sản trên diện tích đất nông nghiệp này để bán cho 4.548 khách hàng chiếm đoạt hơn 2.445 tỷ đồng.