Truyền thông mạnh đến phụ huynh và xã hội về xâm hại trẻ em
Để góp phần đẩy lùi bạo hành, xâm hại trẻ em, trung tá Nguyễn Đào Minh Huy - Phòng cảnh sát hình sự Công an TP.HCM, thành viên Câu lạc bộ Tư vấn, trợ giúp trẻ em TP.HCM - cho rằng cần xem lại biện pháp truyền thông.
Theo anh Huy, phải tuyên truyền làm sao đem lại hiệu quả, thu hút bằng cách diễn đạt những thứ cần thiết nhất, gần gũi nhất. Và ngoài tuyên truyền cho trẻ, cần phải tuyên truyền cho người lớn để làm chỗ dựa cho trẻ.
Còn tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A - giảng viên Trường đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM, thành viên Câu lạc bộ Tư vấn, trợ giúp trẻ em TP.HCM - nói dù tấn công thể chất hay tinh thần đều nguy hại như nhau.
Bạo lực thể chất đi kèm với chửi bới cũng là đã bạo lực tinh thần. Ngược lại, khi bạo lực tinh thần, người bị hại đã bị tổn thương. Có thể không thấy được họ bị tác động thể lý nhưng họ sẽ tự làm hại chính mình, như vậy là ảnh hưởng đến thể chất.
"Tác động của bạo lực tinh thần là không bạo lực về thể chất để cảm thấy mình bị tấn công ngay lập tức, tim mình ngưng đập hay mình ngưng thở. Nhưng dù tim đang đập, hơi thở đang bình thường thì chất lượng tinh thần của các bạn giảm rất nhiều", tiến sĩ Tô Nhi A nói.
Tổn thương tinh thần khó nhận biết
Thực tế, phụ huynh cũng là người làm tổn hại tinh thần, bạo hành trẻ. Có phụ huynh thiếu trang bị kỹ năng và kiến thức khi họ bước vào đời sống gia đình.
"Phụ huynh hay nói con tui đẻ không lẽ tui không thương nhưng thương cách nào nó lại là câu chuyện khác. Phụ huynh chúng ta cũng từng là những đứa trẻ.
Kiểu ngày xưa má cũng bị ông ngoại chửi, ba cũng từng bị ông nội phạt. Nhưng phụ huynh chúng ta đã trưởng thành cách đây vài chục năm về trước trong bối cảnh xã hội khác", tiến sĩ Tô Nhi A nói.
Độ khó của tổn thương tinh thần như là không khí, không thể thấy bằng mắt thường. Cần khả năng suy luận và sự thấu cảm, phụ huynh đủ kiên nhẫn và kiến thức để hỏi về sự bần thần của con.
Nhiều khi bạo lực tinh thần xuất phát ngay trong gia đình với con số bằng và lớn hơn các yếu tố từ bên ngoài. Nhiều người bị body shaming (tạm dịch: miệt thị ngoại hình) từ chính gia đình mình.
Nó để lại hậu quả rất nghiêm trọng như rối loạn tâm thần kéo dài, trầm cảm hoặc liên quan đến việc hình thành các tính cách ổn định, gây bất lợi khi các bạn lớn lên.
Chị Nguyễn Ngọc Nhung - phó chủ tịch Hội đồng Đội TP.HCM - cho rằng việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong bối cảnh mới đặt ra nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức.
Việc tiếp xúc, sử dụng không gian mạng từ sớm giúp trẻ tìm hiểu kiến thức phục vụ học tập, mở rộng và nâng cao kiến thức nhưng đồng thời gây nên nhiều hệ lụy khôn lường.
Đáng nói là nhiều đối tượng đã lợi dụng và sử dụng không gian mạng để lừa gạt, dụ dỗ trẻ em, xâm phạm tính mạng của trẻ. Mà thực tế thời gian qua đã xảy ra không ít vụ việc đau lòng.
Trong trả lời đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TP.HCM), Thủ tướng đã chỉ rõ các nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại vẫn còn nhiều.