Bên cạnh đó, các đơn vị từng bước hiện đại hóa các trạm trung chuyển rác (TTCR) khép kín, dần loại bỏ các trạm trung chuyển công nghệ cũ gây ô nhiễm mùi hôi...
Thuận tiện quản lý
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, định hướng quy hoạch mạng lưới TTCR tại TP đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 có nhiệm vụ quan trọng là hiện đại hóa các TTCR và chuyển đổi xe thu gom rác.
Việc này nhằm từng bước hiện đại hóa các công đoạn tập kết, vận chuyển rác giảm mức thấp nhất tác động đến môi trường, mỹ quan.
Theo đó, hiện nay nhiều xe vận chuyển rác tại TP đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, còn các TTCR cũng dần được lắp đặt camera giám sát.
Quyền vào các hệ thống này được UBND TP Thủ Đức và các quận huyện sử dụng để thuận tiện trong quản lý, giám sát xử lý các vấn đề phát sinh, đồng thời giúp xe vận chuyển rác làm việc đúng giờ quy định, hạn chế ùn tắc giao thông khi ra vào TTCR...
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Quế Hùng - giám đốc Xí nghiệp SP.SAMCO, đơn vị thi công TTCR theo dạng ép rác kín ở phường An Phú Đông, quận 12 - cho biết trạm này được trang bị các hệ thống, thiết bị ép rác tiên tiến như hệ thống phun sương khử mùi, hệ thống hút và lọc khí thải, hệ thống xử lý nước thải tại chỗ, trạm cân và hệ thống camera giám sát.
Mỗi ngày, trạm có thể ép từ 150 - 200 tấn rác thải sinh hoạt. Với các thiết bị hiện đại, trạm ép rác này sẽ góp phần xóa bỏ dần các điểm tập kết rác lộ thiên, ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt ngay từ những ngày đầu hoạt động, hệ thống camera giám sát được lắp đặt tại khu vực trạm cân và cửa ra vào.
Từ đó giúp địa phương, đơn vị quản lý TTCR dễ dàng quản lý xe thu gom rác ra vào trạm và khối lượng rác được tiếp nhận.
"Việc gắn camera giám sát tại TTCR và giám sát hành trình trên xe thu gom rác là rất cần thiết, giúp TTCR vận hành tốt và xe thu gom rác dễ dàng hơn góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường và hoạt động hiệu quả.
Tuy nhiên để làm được đồng bộ điều đó, TP.HCM phải đẩy nhanh hơn nữa vấn đề hiện đại hóa xe thu gom rác. Làm sao để các xe này đảm bảo điều kiện đi trên đường, điều kiện cần và đủ để gắn các thiết bị... Nếu vẫn hoạt động các xe tự chế, ba gác thì khó", ông Hùng cho hay.
Xử lý các trạm trung chuyển gây ô nhiễm
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, tính đến nay TP.HCM đã có 28 TTCR, trong đó có 21 TTCR được trang bị hệ thống xử lý nước thải, khí thải. Sở Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn các địa phương triển khai đầu tư thêm 16 TTCR khác.
Hai trong tổng số 16 TTCR đã hoàn thành đưa vào vận hành theo dạng ép rác khép kín là TTCR phường An Phú Đông, quận 12 và TTCR Sở Gà, TP Thủ Đức.
Các TTCR khác cũng đang điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, thủ tục giao đất, đăng ký vốn đầu tư công trung hạn để đầu tư xây dựng theo quy định.
Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, hiện vẫn còn một số TTCR chưa đăng ký hồ sơ môi trường, cơ sở hạ tầng xuống cấp, có mùi hôi, ùn ứ rác thải...
Sở Tài nguyên và Môi trường TP cho biết sẽ phối hợp cùng các bên liên quan cho ngưng hoạt động các TTCR có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời nâng cấp, cải tạo, đầu tư mới các TTCR đảm bảo hiện đại theo đúng định hướng, quy hoạch.
Đến năm 2025 hoàn tất chuyển đổi xe chở rác thô sơ
Đối với vấn đề chuyển đổi các xe thu gom rác thô sơ (xe ba gác, xe tự chế...) sang xe thu gom đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TP cho hay UBND TP.HCM đã chỉ đạo trong giai đoạn 2020 - 2021 phải có 100% xe vận chuyển rác thô sơ ở quận nội thành và một số huyện ngoại thành hoàn thành phải chuyển đổi. Còn giai đoạn 2022 - 2025 sẽ mở rộng ra khu vực ngoại thành.
Từ năm 2021 đến tháng 8-2023, TP đã rà soát, chuyển đổi 1.975 xe thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Tổng số xe thu gom rác hiện hữu là 6.391 xe. Trong đó có 4.015 xe đạt chuẩn, chiếm tỉ lệ 62,8%. Nhu cầu chuyển đổi xe thu gom, vận chuyển mới là 1.679 xe, với nhu cầu vốn vay từ quỹ bảo vệ môi trường hơn 204 tỉ đồng.
Ngày mai 30-11, quận Bình Tân sẽ khánh thành công viên trung tâm khu dân cư Vĩnh Lộc lớn nhất quận, rộng 3,6ha. Nơi đây từng là bãi trung chuyển rác gây ám ảnh vì ô nhiễm.