Hai suất diễn Senzen vào tối 16 và 17-12 tại Nhà hát TP.HCM, mỗi đêm hơn một tiếng đồng hồ với chừng mười nghệ sĩ trên sân khấu, ít ai biết đằng sau đó là hàng trăm con người với cả năm chuẩn bị, chưa kể những khó khăn về tài chính, nỗi niềm phải chia tay "nhà cũ", làm lại từ đầu...
Bao tâm huyết, thời gian và công sức cho hai đêm diễn "hết vé cũng lỗ" nhưng vẫn cứ làm! Vì đó là Arabesque Việt Nam, đã quen lội ngược dòng bất chấp con đường khó.
Đi qua bóng tối và ánh sáng
Một tuần trước công diễn, chiều muộn ở studio mới của Arabesque Việt Nam (P.Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức, TP.HCM), các nghệ sĩ quần quật "lăn lê bò toài" trên sàn tập.
Mỗi người thử nghiệm một ý tưởng tương tác sao cho hiệu quả với đạo cụ "bùn" đặc biệt trong vở Senzen.
Mệt mỏi nhưng hứng khởi, thân thiết như người nhà, luôn tìm tòi cái mới và phải làm cho bằng được, thế mới biết vì sao Arabesque còn được ví vui là "lò luyện quái vật".
Dù xuất thân là dân múa chuyên nghiệp, các bạn vẫn nỗ lực khắt khe mỗi ngày dưới sự hướng dẫn của NSƯT Tố Như và thầy Tấn Lộc.
"Em vô đoàn lúc 18 tuổi, con nít lắm! Sáu năm học hỏi, mỗi ngày làm việc, em trưởng thành nhiều.
Dù vẫn mệt nhưng cuối ngày đều động viên nhau cố gắng. Mệt quá thì... tập tiếp cho hết mệt!", Vũ Anh Thư cười mà mắt rưng rưng.
Với Thư, mọi khổ luyện đều xứng đáng vì còn được đứng trên sân khấu, được múa, được khán giả xem và vỗ tay tán thưởng chính là hạnh phúc.
Đó cũng là động lực để Arabesque quyết tâm thực hiện Senzen, vì đây không chỉ là dự án gói ghém nhiều tâm huyết của Tấn Lộc mà còn là dịp để anh hỗ trợ nhiều nhất cho những học trò đang độ "chín muồi".
Phải làm, vì Tấn Lộc đã "có tuổi". Senzen cũng có thể là tác phẩm cuối của nghệ sĩ Tố Như.
Với Tấn Lộc, đó là trải nghiệm quý từ những ngày sống giữa dịch COVID-19 ở TP.HCM. Anh vừa tập online với học trò, vừa xuôi ngược khắp nơi làm tình nguyện viên tiếp ứng từng bó rau, cân gạo.
Ở giữa sống chết, anh nhận ra giá trị của từng khoảnh khắc bình an. Senzen, vì thế, từ tác phẩm ngắn Sen của biên đạo Ngọc Anh trở thành lời nhắc nhớ mỗi người sống chậm lại, tìm về chính mình để bình tâm đi qua sóng gió...
Còn với Tố Như, sau The Ballerina năm 2018, chị đã định ngừng diễn và chỉ tập trung giảng dạy. Nhưng thấy các bạn tập luyện hăng say, chị lại không thể kiềm lòng. Nghệ sĩ tập luyện lao lực để làm gì?
Để được múa và thấy mình tồn tại, được tập trung tuyệt đối vào hơi thở, vào cơ thể mình và bạn diễn. Senzen kể về thiền nhưng cũng là múa, là hạnh phúc sau khổ luyện gian nan...
"Trong Senzen, có một đoạn mình múa cảnh sen tàn. Mình nghĩ sen cũng như người, dẫu có chết, thật tốt khi được như sen, tàn mà vẫn đẹp! Vì kết thúc cũng là khởi đầu, và đam mê rồi sẽ được tiếp nối...", Tố Như bộc bạch.
Yêu việc mình làm, và làm tận sức
Từ bé, Tấn Lộc đã được gia đình rèn cho nếp chỉn chu, tận sức với việc mình làm. Nhiều người bảo Lộc "khó tính, tự làm khó mình", nhưng không làm tốt nhất có thể, anh không chịu được!
Lộc nhớ hoài hình ảnh cô giáo Huế đằm thắm vén tà áo dài trước khi ngồi xuống, như cách anh nhắc mình tỉ mỉ với từng món phục trang, âm thanh, ánh sáng, hay sẵn lòng mua lại đạo cụ chỉ vì một lỗi in sai...
Những nề nếp nghiêm cẩn đó càng củng cố khi anh có cơ hội sang Nhật du học múa từ năm 1994, rồi sau này trở thành thương hiệu cho Arabesque. Vì Tấn Lộc hiểu đứng trước thực tế khó khăn, chê thì dễ, làm mới khó! Và nếu không nỗ lực tốt nhất có thể thì sẽ không phát triển được.
Luôn mong đem chất lượng quốc tế về Việt Nam và mang múa Việt Nam ra quốc tế, nghe ở đâu có người giỏi, Tấn Lộc lại tìm cách "rủ rê" làm việc chung.
Từ biên đạo Nguyễn Ngọc Anh, nhạc sĩ Ellen Wu, nghệ sĩ múa người Nhật Chika Tatsumi, Trần Văn Thịnh, nghệ sĩ trống taiko quốc tế nổi tiếng Kensaku Satou... đến cả những thành viên trong đội ngũ vận hành Arabesque hiện tại, tất cả đều có duyên nợ lâu năm và đầy tình nghĩa với "người đàn ông đặc biệt" này.
Senzen cũng là vở múa chứng kiến lần "dời nhà" lưu luyến nhất của Arabesque. Sau gần chục năm đóng đô ở rạp Lệ Thanh, vài bận phải dời đi rồi lại chuyển về, đầu năm 2023 là lần cuối cả đoàn bịn rịn chia tay. Tạm biệt nơi những Sương sớm, Mộc, Chuyện kể những chiếc giày,
The Ballerina... đã thành hình và ghi dấu ấn cho Arabesque, tiếc lắm! Nhưng cuộc sống vẫn phải bước tiếp. Cả đoàn lại hì hục dọn sang chỗ mới, sắp xếp lại từ đầu, tiếp tục làm vở mới...
Còn những thử thách về tài chính khi làm vở mới, với Arabesque đã là "chuyện thường ngày". Cả đoàn sẽ lại nhận làm event, sự kiện thương mại để kiếm tiền nuôi múa.
Vì ấp ủ sẽ tái diễn Senzen năm 2024, và còn đưa hai tác phẩm mới Saigon Urban Tales và Kliselamef đã ra mắt quốc tế về với khán giả Việt Nam...
Hòa quyện cùng nhạc cụ dân tộc Việt và trống Taiko của Nhật Bản, vở múa ballet đương đại Senzen đánh dấu sự trở lại của biên đạo Nguyễn Tấn Lộc cùng Arabesque Việt Nam sau hơn hai năm đại dịch.