Ngày 18-12, Tòa án nhân dân TP Thủ Đức (TP.HCM) tổ chức cắt băng khánh thành "Công trình Thanh niên số hóa kho lưu trữ và ứng dụng công nghệ hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến" để đưa vào sử dụng, phục vụ nhiệm vụ chính trị chung của đơn vị.
TP Thủ Đức có diện tích lên đến 211,56 km², người dân khi liên hệ với Tòa án TP Thủ Đức thường phải đến trực tiếp, đi lại nhiều lần… tốn nhiều thời gian và công sức. Đồng thời, khối lượng hồ sơ của đơn vị ngày càng nhiều, gây khó khăn trong việc lưu trữ và quản lý toàn bộ bản án, quyết định của tòa án.
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu - chánh văn phòng Tòa án nhân dân TP Thủ Đức - cho biết việc thực hiện công trình gặp rất nhiều khó khăn, áp lực vì số lượng bản án, quyết định của tòa án quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức cũ rất lớn.
"Trước đây, thực hiện sao y một bản án, quyết định để cung cấp cho người dân, cơ quan, tổ chức mất ít nhất 3 - 10 ngày, có trường hợp phải hẹn lâu hơn vì hồ sơ cũ, lâu năm, không rõ dữ liệu. Sau khi số hóa, thời gian cung cấp bản sao chỉ còn khoảng vài phút", ông Hiếu nói.
Theo Tòa án nhân dân TP Thủ Đức, đoàn viên, công chức, người lao động đã phối hợp thực hiện 1.000 ngày công tình nguyện để thực hiện số hóa hơn 108.000 bản án, quyết định từ năm 1976 tới nay và hoàn thành sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch đã đề ra.
Đây là một trong những đơn vị đầu tiên của hệ thống tòa án cả nước hoàn thành số hóa toàn bộ bản án, quyết định hiện đang được lưu trữ tại đơn vị.
Sau khi số hóa, thời gian cung cấp bản sao chỉ còn 5-10 phút, rút ngắn thời gian người dân phải chờ đợi, tiết kiệm được thời gian, công sức của cán bộ chuyên trách và việc phân bổ công việc trong đơn vị cũng hợp lý hơn.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Xuân Tùng - phó chánh án Tòa án nhân dân TP Thủ Đức - cảm ơn và biểu dương những nỗ lực của đoàn viên, cán bộ, nhân viên Tòa án nhân dân TP Thủ Đức và sự nhiệt tình của đội ngũ sinh viên tình nguyện đã góp phần vào thành công của công trình ý nghĩa này.
"Tới đây người dân khi có nhu cầu trích lục bản án, quyết định chỉ cần cung cấp số quyết định, ngày ban hành quyết định hoặc họ tên nguyên đơn, bị đơn thì cán bộ sẽ truy cập hệ thống và in ra đóng dấu, chỉ mất vài phút so với trước đây người dân phải đi lại nhiều lần", ông Tùng chia sẻ.
Chiều 29-5, TAND TP Thủ Đức đã tổ chức phiên tòa trực tuyến vụ án hành chính giữa người khởi kiện là bà Trịnh Thị K. (85 tuổi) và người bị kiện là Chi cục Thuế TP Thủ Đức.