Nội dung trên được nêu trong báo cáo kết quả thực hiện công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và công tác dân vận năm 2023, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 trình Hội nghị Thành ủy TP Thủ Đức lần thứ 21, tổ chức sáng 18-12.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên dự hội nghị.
Theo báo cáo, trong năm 2023, UBND TP Thủ Đức đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức lễ đổi tên xa lộ Hà Nội (đoạn từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Thủ Đức) thành đường Võ Nguyên Giáp và lễ đặt tên 2 cây cầu bắc qua sông Sài Gòn.
Cùng với đó, UBND TP Thủ Đức cũng đã hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị đổi tên quốc lộ 13 (đoạn từ cầu Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình) thành đường 30 Tháng 4. Hội nghị cũng nghe nhiều báo cáo về kinh tế, xã hội và công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết ước đến ngày 15-12-2023, TP Thủ Đức giải ngân khoảng 2.140 tỉ, đạt 83% và đến ngày 25-12 ước đạt 95%. Thu ngân sách tính đến ngày 15-12-2023 gần 11.000 tỉ, đạt 61,6%, phấn đấu hết 2023 đạt 64,32% kế hoạch.
Trong năm qua, TP Thủ Đức cũng đã tập trung giải phóng mặt bằng, đến nay đã thu hồi và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư các dự án trọng điểm: nâng cấp đường Lê Văn Chí, xây dựng cầu Ông Bồn, dự án hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân, dự án nâng cấp cầu Long Đại...
Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Phước Hưng - phó bí thư thường trực Thành ủy, chủ tịch HĐND TP Thủ Đức - cũng đọc tờ trình về dự thảo báo cáo kết quả thực hiện công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và công tác dân vận năm 2023, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 2024.
Trong đó, Thành ủy Thủ Đức đã tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển theo nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Trọng tâm triển khai rà soát quy hoạch phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) tuyến metro 1, vành đai 3 - TP.HCM… để đề xuất UBND TP.HCM ban hành kế hoạch.
Ngoài những kết quả đạt được, ông Hưng thẳng thắn nêu ra một số hạn chế, trong đó có việc sản phẩm cụ thể để triển khai thực hiện kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Đến nay mới chỉ có 4 đề án, mô hình được triển khai gồm mô hình vườn cây quà tặng tại công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc, sáng kiến xây dựng khung hệ thống dữ liệu thông tin, sáng kiến ứng dụng drone vào hoạt động quảng bá hình ảnh các địa điểm du lịch và giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong thực hiện đầu tư xây dựng, tiếp nhận công trình từ nguồn vốn tài trợ, vốn xã hội hóa.
Mặt khác, việc triển khai các nội dung nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM gặp khó khăn.
Nguyên nhân do đây là nhiệm vụ mới, yêu cầu pháp lý chặt chẽ nhưng cán bộ phân công phụ trách còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn để xử lý. Việc chưa được bổ sung thêm biên chế cũng gây khó khăn cho TP Thủ Đức trong giai đoạn đầu triển khai nghị quyết.
Năm 2024, TP Thủ Đức đặt mục tiêu quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và nghị quyết 98.
Ưu tiên mở rộng quốc lộ 13 theo cơ chế BOT
Quốc lộ 13 đoạn qua TP.HCM dài khoảng 5km, hiện chỉ có 4-6 làn đường, trong khi lưu lượng xe qua lại đông nên thường xuyên ùn tắc. Nhiều lần TP.HCM lên phương án mở rộng nhưng chưa thực hiện được.
Dự án mở rộng, nâng cấp quốc lộ 13 đoạn qua TP.HCM là một trong 5 dự án trọng điểm cửa ngõ được TP.HCM ưu tiên đưa vào danh mục các dự án áp dụng hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) theo cơ chế, chính sách đặc thù theo nghị quyết 98.
Căn cứ vào 5 tiêu chí trong bộ tiêu chí để lựa chọn danh mục các dự án BOT trên đường đô thị trục chính, đường trên cao bằng hình thức BOT theo cơ chế nghị quyết 98, quốc lộ 13 được đánh giá đều đạt.
Đây là các dự án cửa ngõ cấp thiết cần được khơi thông trong giai đoạn 2023-2030.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã xây dựng bộ tiêu chí để lựa chọn danh mục các dự án BOT trên đường đô thị trục chính, đường trên cao bằng hình thức BOT theo cơ chế nghị quyết 98.