Vào năm 1995, nhóm các nhà khảo cổ học Tây Ban Nha đã phát hiện ra một quần thể hang động ở phía nam của đồi La Garma thuộc tỉnh Cantabria của Tây Ban Nha. Đây là một hang động bị phong ấn trong suốt 16.700 năm bởi một trận lở đất trong thời kỳ băng hà cuối cùng. Có nghĩa là các chuyên gia không cần khai quật, họ có thể quan sát thấy các dấu tích còn sót lại của những con người thuộc thời Magdalenian.
Khi kiểm tra nơi này, các nhà khảo cổ cảm nhận như những cư dân sống trong hang này chỉ vừa mới rời khỏi đây và để lại một "kho báu" quý giá cho các thế hệ sau. Qua cửa hang, các nhà khoa học đã phát hiện ra một không gian rộng khoảng 5m2 có hình bầu dục. Bên trong có rất nhiều khối đá và măng đá.
Ở khu vực trung tâm, nhóm nghiên cứu tìm thấy tàn tích của một lò sưởi cổ bằng chứng của một nhóm nhỏ những người săn bắt hái lượm đã tập trung ở đây để chế tạo công cụ. Ngoài ra họ còn sơ chế thịt, chế biến xương và da của động vật ở đây.
Trong các loại xương, các nhà khoa học Tây Ban Nha còn tìm thấy 9 mẩu xương ngón chân sư tử hang động hóa thạch. Phần lớn các mẫu xương này có dấu hiệu chịu lực tác động của công cụ đá. Như vậy, những thợ săn bắt thời Magdalenia có thể đã dùng công cụ để lột da con vật nhưng vẫn giữ lại phần móng gắn liền với da lông. Từ đây, các chuyên gia cũng đặt ra giả thuyết rằng con người có thể là nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng của loài sư tử hang động.
Tổng cộng, hơn 4.614 hiện vật đã được ghi nhận, chúng bao gồm xương ngựa, xương bò, 600 mảnh đá lửa, lao móc, vỏ sò cũng như vô số mặt dây chuyền được cư dân sống trong hang đeo. Bên cạnh đó, các nhà khoa học còn tìm thấy rất nhiều ngọn đuốc dùng mỡ động vật và vòm đá tròn với hộp sọ ngựa ở giữa. Người cổ đại có lẽ đã tiến hành một số nghi lễ tôn giáo ở trong hang động này.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy 500 hình ảnh minh họa trên các bức tường. Những bức tranh hang động này được vẽ trên các bức tường và trần hang. Điểm đặc biệt của những bức tranh này là chúng có dấu hiệu được tô màu. Chúng là minh chứng cho sự độc đáo trong môi trường sống của người Magdalenian.
Các nhà khảo cổ học đã mất tới hai năm để phân tích hết các hiện vật này. Họ đã đã kết luận rằng quần thể hang động này chính là nơi lưu trữ 300.000 năm lịch sử tiến hóa của loài người.
Do tầm quan trọng của phát hiện này, nhóm nghiên cứu đã sử dụng kỹ thuật không xâm phạm bao gồm chụp cắt lớp mặt đất, bản đồ 3D, phân tích phân tử và đo khối phổ.
Hiện nay, quần thể hang động này đã được đưa vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO.
Những kết quả mới nhất của công việc khảo cổ vừa được trình bày tại Bảo tàng Khảo cổ Quốc gia Tây Ban Nha.
Trong tương lai, các nhà khoa học sẽ tái tạo lại môi trường sống cổ xưa của những cư dân trong quần thể hang động này và trưng bày tại trung tâm Nghệ thuật Đá Cantabria ở Puente Viesgo.
* Nguồn: Ancient Origins, Fundacionpalarq.