Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, giải thích về thiết kế trụ đèn trên đèo Prenn, Sở Giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng cho hay chân đèn được lắp trên một trụ bê tông cốt thép, cắm sâu vào bờ ta luy bê tông. Thiết kế này đảm bảo đúng tiêu chuẩn và cũng đã được thử tải trước khi triển khai.
Còn theo Ban quản lý dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng, các trụ đèn và mố trụ đèn được thực hiện đúng quy chuẩn được luật quy định.
Trụ đèn đèo Prenn Đà Lạt không cắm xuống đất, đơn vị quản lý nói gì?
Các trụ đèn phải nằm cách mép đường tối thiểu 0,6m. Sau khi tham khảo nhiều giải pháp, tỉnh Lâm Đồng chọn việc xây chân đèn đường (mố trụ) trên cao, gắn vào ta luy để không phải mở rộng thêm diện tích hành lang đường gây thiệt hại rừng.
Một chuyên gia cầu đường ở TP.HCM cho hay về nguyên tắc thiết kế trụ đèn phải đảm bảo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn, không được quá thấp, cũng không được quá cao để đảm bảo lượng ánh sáng tỏa ra. Trường hợp thiết kế trên mái ta luy như trụ đèn ở đèo Prenn cũng hiếm thấy.
"Giải thích của chủ đầu tư việc tận dụng mái ta luy để thiết kế trụ đèn để không phải mở rộng thêm diện tích hành lang đường gây thiệt hại rừng... cũng khá hợp lý. Xét về thẩm mỹ, tùy vào cách nhìn đánh giá của mỗi người và cần phải đến khảo sát trực tiếp để có cái nhìn toàn diện hơn. Về góc độ an toàn, tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra và chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước những phương án mà mình đưa ra", vị này nói.
Tuổi Trẻ Online cũng gửi những hình ảnh, clip thực tế các trụ đèn Prenn Đà Lạt tới một số cán bộ, kỹ sư đang triển khai các dự án giao thông lớn ở phía Nam để đánh giá thêm. Các kỹ sư cho hay về cơ bản, thiết kế trụ đèn như trên không sai.
Tuy nhiên với đặc thù đường đèo dốc, việc lòi một cục bê tông nằm ngang tầm mắt có thể gây choáng ngợp về mặt cảm giác cho người đi đường, chưa tối ưu về thẩm mỹ.
Dù cục bê tông đã được ngăn cách bằng rãnh thoát nước và cọc tiêu nhưng cũng cần tính toán trường hợp người chạy xe máy bị trượt xuống và va vào cục bê tông.
"Nếu tôi được thiết kế, tôi có thể đưa đỉnh tường chắn. Giải pháp này không gây chướng mắt, vừa tiết kiệm một khoản chi phí do giảm bớt được chiều dài trụ đèn. Đường lên đèo có cả xe máy và ô tô cùng lưu thông. Xe ô tô có thể ép người đi xe máy dẫn tới xe máy trượt xuống rãnh thoát nước. Vì thế, khu vực này cần bổ sung phản quang, hộ lan để đảm bảo an toàn", một kỹ sư đang làm một tuyến cao tốc ở phía Nam nêu quan điểm.
Còn theo chuyên gia giao thông Nguyễn Ân, về thiết kế trụ đèn thì hợp lý, tuy nhiên để đảm bảo an toàn cho người đi đường, rãnh thoát nước cần có vách ngăn (phân cách) tránh chuyện người đi đường lao xuống rãnh và tình huống xấu hơn còn va đập vào bê tông.
Giải pháp vách ngăn có thể làm bằng nhựa có đổ nước hoặc cát để cố định vị trí, không bị xê dịch do gió to hoặc con người tác động. Vách ngăn "di động" có thể linh hoạt trong sử dụng vừa có yếu tố thẩm mỹ vừa đảm bảo an toàn cho người dân.
Đèo Prenn - cung đường du lịch cửa ngõ Đà Lạt
Đèo Prenn dài 7,4km nối quốc lộ 20. Đây là tuyến đường huyết mạch nối khu vực Đông Nam Bộ lên TP Đà Lạt. Dự án nâng cấp đường đèo Prenn có bề rộng mặt đường hơn 14m, dọc đường sẽ có nhiều điểm đỗ xe, ngắm cảnh.
Dự án được thông xe 3km đầu tiên vào ngày 14-12 sau hơn 10 tháng thi công. 4km còn lại đang được gấp rút thi công các hạng mục, dự kiến thông xe vào cận Tết âm lịch.
Dự án có tổng mức đầu tư 550 tỉ đồng, do Ban quản lý dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư. Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) - Công ty cổ phần Xây dựng Đèo Cả (DCC) là đơn vị trúng thầu thi công.
Thay vì cắm sâu xuống đất như những công trình khác, các trụ đèn đường ở đèo Prenn Đà Lạt lại được dựng lơ lửng bám theo vách ta luy bên đường.