Người mẹ đầu tiên lại chính là y bác sĩ - những người nỗ lực giành sự sống cho các em.
Hơn 9h sáng, tại khu hồi sức tích cực khoa sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), những tiếng bíp vang lên từ máy thở dài vô tận, lồng ấp trẻ sinh non nằm xếp dài. Các y bác sĩ liên tục rảo tay kiểm tra nhiệt độ, nhịp tim cho từng trẻ đang thở yếu ớt.
Khi sự sống của con chỉ có 5-10%
Trong căn phòng ấp kangaroo (trẻ nằm tiếp xúc da kề da trên ngực mẹ) khoa sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ, khuôn mặt chị T.L. (41 tuổi, Bình Dương) hốc hác, đôi mắt thâm quầng bởi những đêm thức trắng chăm con sinh non. Chị vẫn chưa hết xúc động khi nhắc đến thời gian mình vừa trải qua.
Sau 5 năm kết hôn, vợ chồng chị L. đợi mãi nhưng vẫn chưa nhận được tin vui có con. Cả hai bắt đầu hành trình tìm con nhờ vào phương pháp thụ tinh ống nghiệm (IVF), nhưng 11 lần làm IVF, 6 lần mang thai đều thất bại, không giữ được con. Mang theo hy vọng cuối cùng đến năm 2023, chị L. quyết định làm IVF thêm một lần chỉ mong kỳ tích sẽ xảy ra. Kết quả chị đã mang song sinh: một bé trai và một bé gái.
Thai nhi vẫn phát triển bình thường cho đến tuần thứ 28, thấy chị vỡ nước ối, gia đình đã gấp gáp đưa đến Bệnh viện Từ Dũ kiểm tra. Xác định là tình huống nguy kịch, các bác sĩ bắt buộc phải mổ để cứu sống cả ba mẹ con. Do sinh quá non tháng, chỉ còn hai mẹ con chị L. được cứu sống, bé nhanh chóng được chuyển đến khu hồi sức tích cực, sự sống chỉ còn 10%.
Sau hơn 20 ngày được các y bác sĩ chăm sóc bé đã dần bình phục. Chị L. được chuyển đến khu vực hồi sức tích cực làm quen dần với con qua cửa kính.
"Cách một cửa kính, thấy từng sớ thịt, mạch máu của con trong lồng ấp vì chỉ nặng 600 gam. Tôi bị sốc, nghĩ đây không phải là con của mình. Con không thể nhỏ thế này được, làm sao bế con, chăm con, tôi chạy đến một góc ngồi sụp xuống khóc. Nếu không có y bác sĩ động viên ngay lúc đó, tôi cũng không biết điều gì xảy ra với mình", chị L. rơi nước mắt.
Hằng ngày chị L. được các bác sĩ động viên, đưa đến nhìn con nhiều hơn cho đến khi ra khỏi lồng ấp để thực hiện ấp kangaroo. Mọi nỗ lực đã được bù đắp, sau gần hai tháng bé đã nặng 1,5kg và tiếp tục đồng hành cùng gia đình chị L..
Nằm cạnh giường, chị L.N. (33 tuổi, Sóc Trăng) cũng không khỏi xúc động về hành trình tìm kiếm sự sống cho đứa con sinh non nặng 700 gam. Sau khi kết hôn được 10 năm vẫn không có con, cả hai vợ chồng quyết định làm IVF và may mắn kết quả mang song thai là hai bé gái.
Đến tuần thứ 26, khi thấy cơn đau bụng quằn quại, gia đình đã đưa chị N. cấp cứu. Tại Bệnh viện Từ Dũ, các bác sĩ chẩn đoán bị nhiễm trùng máu, vỡ ối bắt buộc phải sinh, ba mẹ con mới có cơ hội sống sót, kết quả là chỉ một bé và chị N. tiếp tục sống. Một tháng sau khi sinh, chị chính thức được gặp con lần đầu tiên, lúc này em cũng chỉ còn 5% sự sống.
"Lần đầu được bác sĩ gọi lên để gặp con, qua cửa kính chỉ thấy trên người con có dây quấn quanh chằng chịt, dịch truyền liên tục, tới bây giờ tôi vẫn còn sốc, khóc rất nhiều nhưng phải trấn an tinh thần chiến đấu cùng con" - chị N. nhớ lại.
Một tháng sau ấp kangaroo, kỳ tích đã xuất hiện: bé dần tăng ký, sức khỏe hồi phục tốt, cân nặng tăng 1,7kg. Gia đình đã quyết định đặt tên bé là Phúc An, mong bé mãi luôn an vui và hạnh phúc.
Những người mẹ đầu tiên
Vốn dĩ công việc chăm sóc trẻ sơ sinh bình thường đã vất vả, trẻ sinh non không thể có phản xạ khi có bất thường vì rất yếu, do đó công việc chăm sóc của y bác sĩ khó khăn gấp hàng chục lần.
Điều dưỡng Cao Thị Tuyết Anh - người đã có 10 năm chăm sóc trẻ sinh non tại khoa sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ - chia sẻ: "Trẻ sinh non tháng yếu, dễ bị tổn thương do đó phải chú ý những tác động từ bên ngoài.
Khó khăn nhất là không thể lắng nghe được phản xạ của các bé. Do vậy việc chăm sóc trẻ sinh non chủ yếu dựa vào sự thấu hiểu, quan sát tỉ mỉ màu da của trẻ kết hợp với tín hiệu báo từ các thiết bị".
Nhiều nhân viên y tế vẫn thường nói vui rằng thời gian chăm sóc trẻ sinh non ở bệnh viện còn nhiều hơn chăm con của chính mình.
Bác sĩ Võ Thị Thanh Trà - khoa sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ - cho biết chăm trẻ sinh non phải quan sát kỹ, nếu trẻ có biểu hiện tím tái, phải phát hiện trước khi các thiết bị y tế báo động để can thiệp nhanh. Nếu trường hợp nào cũng đợi máy báo động vang lên có khi đã trễ.
Ngoài những lần phối hợp hồi sức cứu những bé sinh non nguy kịch thành công, các bé có tim trở lại, tất cả nhân viên y tế đều nhìn nhau thở phào nhẹ nhõm. Thế nhưng, có những bé mặc dù y bác sĩ đã cố gắng nỗ lực, hồi sức tích cực đã không tỉnh lại.
"Mỗi lần như vậy đều tồn tại trong mỗi người một nỗi buồn sâu thẳm. Có đôi lúc lương tâm chúng tôi tự hỏi rằng tại sao đã nỗ lực, đã cố gắng hết sức nhưng lại không trả cho mình một kết quả đẹp hơn", điều dưỡng Tuyết Anh tâm sự.
Công việc vốn vất vả, nhưng hạnh phúc nhất là khi được thấy các bé đã khỏe mạnh xuất viện trở về nhà, được người nhà ẵm trên tay, nở nụ cười chào y bác sĩ.
Tỉ lệ sinh non đang gia tăng
Theo thống kê tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), tỉ lệ trẻ sinh non có xu hướng gia tăng qua các năm. Năm 2023, bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho khoảng 6.000 trẻ sinh non, tăng 40% so với năm 2022 (khoảng 4.600 trẻ). Trong đó, trẻ sinh non dưới 34 tuần hơn 3.000 trẻ. Trẻ có số cân nặng nhẹ nhất chỉ từ 500 đến 600 gam.
Bác sĩ Hồ Mạnh Tường - tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM - cho biết thêm tỉ lệ sinh non trên thế giới và tại Việt Nam có xu hướng tăng.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến xu hướng tăng tỉ lệ sinh non. Đáng nói là do tuổi mang thai của phụ nữ ngày càng tăng, phụ nữ ngày càng có con trễ cũng là yếu tố tăng nguy cơ sinh non...
Mang thai quá sớm hay quá muộn, sử dụng các chất kích thích, đa thai… là những nguyên nhân dẫn đến gia tăng tỉ lệ sinh non hiện nay.