Duy nhất ở tỉnh Cao Bằng còn lưu giữ 2 cột mốc mang ý nghĩa lịch sử, bên cạnh cột mốc quốc giới được phân định từ năm 2001. Đó là mốc 108 cạnh mốc 675 ở Pác Bó (xã Trường Hà, H.Hà Quảng) và mốc 53 cạnh mốc 835 ở Thác Bản Giốc (xã Đàm Thủy, H.Trùng Khánh).
108 - 675 đầu nguồn Pác Bó
Bên nguồn suối Lê Nin ở Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (H.Hà Quảng) có 1 tấm bảng nhỏ ghi chỉ dẫn đường lên mốc 108. Leo dốc, vượt rừng khoảng nửa tiếng, là đến mốc giới số 675 và di tích mốc 108.
Ông Đào Văn Mùi (Giám đốc Ban Quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng) kể: Hơn 80 năm về trước, vào ngày 28.1.1941 (tức mùng 2 Tết Tân Tỵ), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đặt bước chân đầu tiên trở về Tổ quốc tại cột mốc 108, kết thúc cuộc hành trình 30 năm tìm đường cứu nước. Kể từ đó, mốc 108 đã trở thành điểm di tích quan trọng trong hệ thống các di tích tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó.
Cột mốc lịch sử 108 làm bằng đá, mặt trước tương đối bằng phẳng, hướng về phía VN, ở giữa có ghi dòng chữ Pháp, được dịch là "biên giới Trung Hoa An Nam, số 108". Dọc hai bên mặt cột mốc có ghi 2 dòng chữ Trung Quốc: "đức nghiệp kha tây tự nhất bách linh bát (sự nghiệp, công sức mở mang bờ cõi biên giới phía tây số 108)" và "Trung Quốc Quảng Tây giới (biên giới Quảng Tây, Trung Quốc)".
"Năm 2001, Chính phủ VN và Trung Quốc đã hoạch định phân giới cắm mốc lại và cắm cột mốc mới mang số hiệu 675 cách cột mốc 108 khoảng 5 m. Cột mốc 675 hiện nay mang giá trị về mặt pháp lý, còn cột mốc 108 mang ý nghĩa lịch sử", ông Đào Văn Mùi khẳng định và cho biết với ý nghĩa quan trọng tại khu vực biên giới, cột mốc 108 là điểm đến yêu thích của khách tham quan trong hành trình "về nguồn" Pác Bó.
Mốc 675 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, được cắm ngày 23.10.2004. Mốc 675 đặt trên sống núi, ở độ cao 525,90 m, tại tọa độ địa lý 22°59'28,085" vĩ độ bắc - 106°02'52,273" kinh độ đông. Khoảng cách từ mốc 675 đến mốc 674 là 508,44 m và đến mốc 676 là 195,80 m.
53 - 835 trên Thác Bản Giốc
Từ đường tỉnh 206 rẽ hướng tây bắc, đi qua cầu Cô Muông bắc qua sông Quây Sơn là vào trạm kiểm soát Thác Bản Giốc (xóm Bản Giốc, xã Đàm Thủy, H.Trùng Khánh). Ở bãi đất trống gần đường bê tông mới làm, dẫn vào trạm là khu vực đặt mốc lịch sử 53 và mốc quốc giới 835.
Mốc 53 làm bằng đá, cao 1,6 m, rộng 0,6 m, dày 0,19 m. Mặt hướng về phía VN khắc 5 chữ Trung Quốc "biên giới Quảng Tây, Trung Quốc", phía dưới là tiếng Pháp "FRONTIERE SINO ANNAMITE"… Phía sau mốc 53, trong phần đất Trung Quốc, có đặt 1 bảng gỗ giới thiệu về mốc 53 bằng 4 thứ tiếng (Trung, Anh, Việt, Hàn), ghi rõ: "Cột mốc số 53 Trung - Việt là văn vật thuộc cấp quốc gia. Cột mốc được định vị vào năm 14 Thanh Quang Tự, do Sầm Dục Anh, tổng đốc Vân Quý tuân lệnh chính phủ nhà Thanh lập nên. Năm 2001, sau khi cột mốc 835 tại biên giới Trung - Việt được định vị, cột mốc 53 này đã mất đi ý nghĩa hoạch định phân ranh giới biên giới, nhưng vẫn có di tích chứng kiến lịch sử được lưu lại"…
Khi được hỏi về tính chính xác của các thông tin ghi trên bảng chỉ dẫn Trung Quốc về mốc 53, thiếu tá Nguyễn Việt Giang, Chính trị viên Đồn biên phòng Đàm Thủy (Bộ đội biên phòng Cao Bằng), cho biết: "Các nội dung này đã được 2 bên thống nhất, vì khu vực này rất nhạy cảm".
Cách mốc lịch sử 53 hơn 10 m là mốc quốc giới 835. Nghị định thư phân giới cắm mốc trên đất liền giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHND Trung Hoa (đăng trên Công báo Chính phủ số 666+667, tháng 11.2010) ghi rất rành mạch: "Mốc 835 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, mốc cao 2,22 m, đặt ở độ cao mặt đất 403,46 m và mốc 835 được cắm ngày 15.1.2009, trên bãi đất bằng"…
Du khách đến thác Bản Giốc phía VN thường chụp hình lưu niệm bên mốc 836 (2). Đây là mốc đôi cùng số, loại trung, làm bằng đá hoa cương, được cắm ngày 14.1.2009 trên bờ sông Quây Sơn ở phía VN. Nhìn sang phía đối diện Trung Quốc, chỉ cách 83,19 m qua sông Quây Sơn là mốc 836 (1), mốc đôi cùng số, được cắm ngày 16.1.2009.
Tháng 12.2023, chúng tôi đến các mốc khu vực thác Bản Giốc, luôn gặp lực lượng bộ đội biên phòng túc trực làm công tác đảm bảo an ninh trật tự. Thiếu tá Nguyễn Việt Giang cho biết: "Từ giữa tháng 9.2023, UBND tỉnh Cao Bằng và Chính quyền nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây tổ chức vận hành thí điểm cho du khách qua lại Khu cảnh quan thác Bản Giốc (VN) - Đức Thiên (Trung Quốc). Tuy số lượng các đoàn khách hạn chế nhưng công tác bảo vệ rất được coi trọng"… (còn tiếp)
Cao Bằng có đường biên giới chung với Trung Quốc dài hơn 333,125 km (trong đó đường biên giới trên đất liền hơn 298 km; trên sông, suối hơn 35 km); có 634 cột mốc (469 mốc chính, 165 mốc phụ). Có 1 cửa khẩu quốc tế (Tà Lùng - Thủy Khẩu), 3 cửa khẩu chính (Lý Vạn - Thạc Long; Trà Lĩnh - Long Bang; Sóc Giang - Bình Mãng), 2 cửa khẩu phụ (Hạ Lang - Khoa Giáp, Pò Peo - Nhạc Vu), 1 lối mở (Nà Lạn, Đức Long) và nhiều cặp chợ biên giới. Địa bàn khu vực biên giới của tỉnh có 46 xã, thị trấn thuộc 9 huyện biên giới (Bảo Lâm, Bảo Lạc, Thông Nông, Hà Quảng, Trà Lĩnh, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa, Thạch An).