Ngày 22-12, sau khi Tuổi Trẻ Online đăng bài "Đáp án đề thi lớp 12 ở An Giang về Dạ cổ hoài lang gây tranh cãi", đã có nhiều giáo viên phản hồi, chỉ ra thêm nhiều "sạn" trong đề thi, đáp án, điều kiện chấm điểm môn ngữ văn lớp 9 và 12 ở tỉnh An Giang.
Một giáo viên xin giấu tên chỉ ra sự bất hợp lý, có thể gây thiệt thòi cho học sinh. Cụ thể, đề thi ngữ văn cuối học kỳ 1 lớp 12 (ngày 19-12), ở phần đọc hiểu các thí sinh được yêu cầu đọc bài thơ "Đêm nghe Dạ cổ hoài lang trên Tam Đảo" của cố nhà thơ Trịnh Bửu Hoài.
Trong khi phần làm văn của đề, câu 1 yêu cầu học sinh dựa vào văn bản ở phần đọc hiểu để trình bày một đoạn văn (khoảng 150 chữ) suy nghĩ về bài "Dạ cổ hoài lang" với tâm tình người dân phương Nam (Nam Bộ).
"Câu này có tổng điểm số là 2 trên thang 10 điểm. Trong khi ở đáp án, phần xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,25 điểm) thì yêu cầu học sinh xác định tình cảm của người Đồng bằng sông Cửu Long với bài Dạ cổ hoài lang. Điều này gây khó cho học sinh lẫn người chấm điểm", nữ giáo viên nói.
Một giáo viên khác cho biết thêm trong đáp án phân tích đoạn tùy bút "Người lái đò sông Đà" của Nguyễn Tuân cũng làm khó người chấm thi. Bởi trong mục xác định đúng vấn đề cần nghị luận có 0,25 điểm. Nhưng mục hướng dẫn chấm lại ghi thí sinh xác định đúng, đầy đủ vấn đề cần nghị luận thì được 0,5 điểm. Chưa đầy đủ được 0,25 điểm.
Chưa dừng lại, trong phần lưu ý chấm điểm môn ngữ văn học kỳ 1, lớp 12 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang cũng được cho là "có vấn đề". Phần lưu ý người chấm thi có nêu: "Bởi thời lượng làm bài có 90 phút, nên câu 2 phần làm văn không có phần liên hệ với tác phẩm/vấn đề khác. Do đó, khi sửa bài cho học sinh, thầy/cô bổ sung phần liên hệ. Ví dụ, liên hệ với tùy bút "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" của Hoàng Phủ Ngọc Tường để tiệm cận với đề thi tốt nghiệp THPT của bộ".
"Đề thi là tùy bút Người lái đò sông Đà, còn "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" là thể loại bút ký. Vậy làm sao thầy cô thêm được phần liên hệ với tác phẩm/vấn đề khác, khi hai thể loại này khác nhau?", một giáo viên nói.
Trong ngày 19-12, học sinh lớp 9 ở An Giang cũng thi môn ngữ văn cuối học kỳ 1. Đề ngữ văn lớp 9 cũng gây băn khoăn cho nhiều người. Cụ thể, trong phần đọc hiểu, ngữ liệu được lấy từ truyện "Hai con chó" trên website của Trường mầm non Gia Quất (quận Long Biên, TP Hà Nội).
Nguồn truyện thể hiện trên đề thi cũng ghi rõ từ website của trường mà không có tác giả cụ thể. Nhiều giáo viên cho rằng ngữ liệu của truyện chưa thực sự được chọn lọc kỹ, nguồn dẫn không rõ ràng. Nội dung không phong phú khiến nhiều học sinh khó khăn trong làm bài.
Ở phần làm văn cũng khiến dư luận "dậy sóng" khi yêu cầu học sinh thuyết minh về một điện thoại di động thông minh (smartphone/iPhone) đã/đang sử dụng (câu 6 điểm). Nhiều phụ huynh cho rằng ở lứa tuổi lớp 9 đâu phải em nào cũng có điện thoại di động thông minh để sử dụng. Hoặc làm sao một đứa trẻ lớp 9 biết hết chức năng, cấu tạo của smartphone mà thuyết trình.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang cho biết đang làm báo cáo sự việc đề thi, đáp án gây xôn xao dư luận gửi Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Đồng thời sẽ cung cấp cho báo chí sau.
Ngày 21-12, mạng xã hội xôn xao, tranh cãi về đáp án đề kiểm tra cuối kỳ 1 môn ngữ văn lớp 12 ở An Giang về bài Dạ cổ hoài lang.