Ngày 22-12, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và nhiều chuyên gia nhận định Triều Tiên có vẻ đang vận hành một lò phản ứng hạt nhân mới tại khu phức hợp hạt nhân Yongbyon. Điều này cho thấy Triều Tiên có thể đang bổ sung nguồn plutonium để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Triều Tiên trong nhiều năm qua chiết xuất plutonium bằng nhiên liệu đã qua sử dụng lấy từ một lò phản ứng hạt nhân 5 megawatt tại khu Yongbyon.
Theo IAEA, việc nước ấm được xả ra từ một lò phản ứng nước nhẹ (lớn hơn lò phản ứng 5 megawatt) cho thấy lò này cũng đang được đưa vào hoạt động.
Theo Hãng tin Reuters, tái xử lý các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng (được lấy ra từ lò phản ứng hạt nhân) là một bước được thực hiện trước khi chiết xuất plutonium.
"Việc xả thải nước ấm là dấu hiệu cho thấy lò phản ứng đã đạt mức tới hạn", ông Rafael Grossi, giám đốc của IAEA, cho biết.
Kể từ khi Bình Nhưỡng trục xuất các thanh tra của IAEA năm 2009, cơ quan này đã không thể tiếp cận Triều Tiên để giám sát các chương trình hạt nhân.
IAEA hiện đang giám sát Triều Tiên chủ yếu dựa trên các hình ảnh vệ tinh, và vì không thể tiếp cận, cơ quan này cũng không thể xác nhận trạng thái hoạt động các lò hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Từ tháng 10, IAEA đã quan sát thấy có hoạt động xả nước từ lò phản ứng nước nhẹ, cho thấy lò này đang được vận hành. Theo ông Grossi, các dấu hiệu gần đây cho thấy lò này đang xả ra nước ấm.
Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân (CNS) James Martin ở California (Mỹ) cũng kết luận rằng lò phản ứng rất có thể đang hoạt động. Các chuyên gia cho rằng đây có thể là một "nguồn vật liệu hạt nhân đáng kể" cho chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Trong báo cáo công bố vào tháng 4-2023, Viện Khoa học và An ninh quốc tế ước tính lò phản ứng nước nhẹ của Triều Tiên có khả năng "tăng lượng plutonium với tỉ suất ước tính khoảng 20kg/năm - tỉ suất này lớn hơn gấp 4 đến 5 lần so với lò phản ứng hạt nhân nhỏ hơn gần đó".
Dựa vào loại thiết bị đang được chế tạo và nhiên liệu đang được sử dụng, nghiên cứu này kết luận Bình Nhưỡng đang có khoảng 31-96 đầu đạn hạt nhân.
Triều Tiên xác nhận đã phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un nói đây là lựa chọn nếu Mỹ 'đưa ra quyết định sai lầm'.