"Trong năm 2023, do thiếu vắc xin 5 trong 1 và một số loại vắc xin khác trên diện rộng trong chương trình tiêm chủng mở rộng, chương trình tiêm chủng quốc gia đã bị ảnh hưởng.
Kết quả tiêm chủng trong năm nay đã thấp hẳn so với những năm trước", bà Dương Thị Hồng, phó viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ trung ương đã cho biết như vậy tại hội thảo Cung cấp thông tin báo chí và chính sách trong công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân năm 2023, được Bộ Y tế tổ chức tại TP.HCM vào chiều 22-12.
Cụ thể, kết quả tiêm chủng trong 10 tháng năm 2023 chỉ đạt được 66,4%. Quy định phải đạt trên 75%.
Riêng tỉ lệ bao phủ tiêm chủng với các kháng nguyên bạch hầu - ho gà - uốn ván trong 10 tháng năm 2023 chỉ đạt 52,6%. Trong đó Tây Nguyên có tỉ lệ thấp nhất với 19,7%.
Theo bà Hồng, giữa tháng 12-2023, chương trình tiêm chủng mở rộng đã tiếp nhận gần 500.000 liều vắc xin DPT-VGB-Hib để triển khai trong tiêm chủng thường xuyên cho các tháng đầu năm 2024 do chính phủ Úc tài trợ.
500.000 liều vắc xin này sẽ được cung cấp cho 63 tỉnh thành.
Khi triển khai tiêm sẽ ưu tiên trẻ từ hai tháng tuổi trở lên chưa được tiêm mũi 1 vắc xin DPT-VGB-Hib bao gồm cả trẻ trên 12 tháng tuổi. Ưu tiên trước cho nhóm tuổi nhỏ nhất.
Sau đó, ưu tiên trả mũi 2 và mũi 3 cho trẻ chưa được tiêm đủ 3 mũi vắc xin DPT-VGB-Hib gồm cả trẻ trên 12 tháng tuổi.
Trong quý 1-2024, Viện vệ sinh dịch tễ trung ương sẽ tiếp nhận, phân bổ vắc xin kịp thời tới 63 tỉnh, thành để tổ chức tiêm chủng các vắc xin trong tiêm chủng mở rộng, bao gồm vắc xin nhập khẩu và vắc xin sản xuất trong nước.
Cũng trong quý 1-2024 này, sẽ triển khai công tác tiêm chủng bù, tiêm vét cho trẻ em đảm bảo an toàn tiêm chủng, đặc biệt một số vắc xin phòng chống dịch trong mùa đông xuân như sởi, rubella...
Ngoài ra, sẽ tăng cường giám sát các bệnh trong tiêm chủng mở rộng như giám sát bệnh sởi, rubella, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván sơ sinh, giám sát điểm ca tiêu chảy cấp do vi rút Rota.
Từ quý 2-2024, chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ chuẩn bị triển khai tiêm vắc xin Rota là một vắc xin mới trong tiêm chủng mở rộng tại 33 tỉnh, thành phố.
Chính phủ cũng có lộ trình tăng số lượng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021-2030. Cụ thể, năm 2025 sẽ tiêm vắc xin phế cầu, năm 2026 sẽ tiêm vắc xin HPV ( ung thư cổ tử cung) , năm 2030 triển khai tiêm vắc xin cúm mùa.
Sau thời gian cạn sạch nhiều loại vắc xin tiêm chủng mở rộng, TP.HCM dự kiến sẽ được Bộ Y tế phân bổ 14.400 liều vắc xin DPT-VGB-Hib (vắc xin 5 trong 1) và sẵn sàng tiêm cho trẻ ngay khi nhận được nguồn vắc xin này.