Thậm chí có nước xem bữa ăn học đường là bữa ăn nhiều dinh dưỡng nhất mà trẻ tiêu thụ trong ngày.
Nhật: bữa ăn học đường "kiểu mẫu"
Nhật nổi tiếng với hệ thống bữa ăn học đường tiên tiến hàng đầu thế giới. Chính sách dinh dưỡng được chuẩn hóa trên phạm vi cả nước, nhấn mạnh vào chế độ ăn uống lành mạnh. Bữa ăn tại trường luôn được cân bằng giữa các món cung cấp năng lượng, như cơm hoặc bánh mì, với các món chính đem lại protein, như thịt, cá hoặc đậu nành, kèm theo những món ăn phụ bổ sung vitamin và khoáng chất.
Chìa khóa thành công khi quản lý bữa ăn học đường ở Nhật là sự đồng hành của những người có kiến thức dinh dưỡng. Trong hầu hết các trường học ở Nhật đều có một vị trí giáo viên hoặc nhân viên chăm lo dinh dưỡng cho học sinh.
Họ sẽ chịu trách nhiệm thiết kế chính cho bữa ăn trong trường học. Họ cũng sẽ phối hợp với một số chuyên gia dinh dưỡng uy tín để bữa ăn đáp ứng tiêu chuẩn dinh dưỡng quốc gia, phù hợp từng giai đoạn tăng trưởng của trẻ, đồng thời cân đối được sở thích của các em.
Một điểm nhấn khác để bữa trưa tại Nhật được đánh giá cao là triết lý giáo dục dinh dưỡng (Shokuiku) được lồng ghép vào trong những bữa ăn học đường. Các trường sẽ dạy trẻ những bài học về giá trị dinh dưỡng cũng như ý nghĩa văn hóa của thực phẩm tương ứng từng bữa ăn. Cách làm này đã minh chứng được tác dụng, giúp cho học sinh tự ý thức được chế độ dinh dưỡng cho mình, từ những việc nhỏ nhất như không bỏ bữa sáng, ăn uống đúng giờ…
Hàn Quốc: tiết dạy về dinh dưỡng
Tại Hàn Quốc, hệ thống bữa ăn học đường được hình thành cách đây khoảng 70 năm, từ những năm 1953. Hiện nay, hệ thống cung cấp những bữa ăn học đường miễn phí cho gần như tất cả học sinh tiểu học trên cả nước, đồng thời xây dựng các nhóm giáo viên dinh dưỡng trong trường học.
Đặc biệt, các cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên sản xuất những tài liệu về giáo dục dinh dưỡng cho các trường học và yêu cầu các trường có những tiết dạy về dinh dưỡng. Đến nay, thống kê cho thấy tỉ lệ có đến 99% học sinh Hàn Quốc được ăn ít nhất một bữa tại trường mỗi ngày.
Mỹ: "xanh hóa" bữa ăn học đường
Tại Mỹ, "Chương trình bữa trưa học đường quốc gia" đã được triển khai suốt nhiều năm qua. Chương trình cung cấp bữa ăn cân bằng dinh dưỡng với chi phí thấp hoặc miễn phí cho trẻ em ở các trường công lập hoặc hầu hết các trường tư thục.
Không chỉ có sự tham gia của trường học và các cơ quan dinh dưỡng, chương trình còn có sự đồng hành của Bộ Nông nghiệp Mỹ để đảm bảo nguồn gốc của các thực phẩm đưa vào môi trường học đường. Ở nhiều địa phương, chính quyền còn yêu cầu các thực phẩm được sử dụng trong trường học phải tuân thủ các tiêu chuẩn hữu cơ nghiêm ngặt của Mỹ.
Nhờ đó, bữa ăn học đường ở Mỹ luôn giữ được chất lượng ở mức cao. Thậm chí, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng bữa ăn ở trường hiện là bữa ăn lành mạnh và giàu dinh dưỡng nhất nhì mà trẻ em ăn trong ngày.
Bữa ăn học đường còn luôn được thường xuyên cập nhật các tiêu chuẩn dinh dưỡng và những xu hướng thực phẩm mới. Xu hướng chung là cung cấp cho học sinh thêm trái cây, rau, sữa ít béo hoặc không béo, ngũ cốc nguyên hạt, đồng thời cân bằng các loại thực phẩm giàu protein. Từ năm 2012, các bữa ăn học đường còn được yêu cầu tích cực giảm lượng natri và chất béo chuyển hóa.
Đặc biệt, cải tiến trong chương trình bữa ăn học đường ở Mỹ không chỉ dừng lại ở các bữa ăn chính mà rộng hơn còn là ăn uống của học sinh trong toàn khuôn viên nhà trường. Chẳng hạn, căng tin hay các máy bán hàng tự động trong nhà trường cũng sẽ phải trở nên lành mạnh hơn, loại bỏ dần những thực phẩm không có nhiều giá trị dinh dưỡng như bánh kẹo, nước ngọt…
Vào cuộc nhanh khi có vấn đề
Trong quá trình vận hành bữa ăn học đường tại các quốc gia, đôi khi cũng xảy ra những vụ bê bối. Điểm chung của các vụ việc là các bên liên quan thường vào cuộc rất nhanh và quyết liệt xử lý vấn đề.
Chẳng hạn năm 2014, Chartwells, một nhà cung cấp bữa ăn học đường cho nhiều trường công lập ở Washington D.C (Mỹ), bị phát hiện có dấu hiệu gian lận. Nhằm tối ưu lợi nhuận, công ty này tìm những nguồn nguyên liệu rẻ nhất, khiến phụ huynh lo ngại về chất lượng bữa ăn. Khi vụ việc bị phanh phui, chính quyền địa phương lập tức vào cuộc, đâm đơn kiện Chartwells để đòi quyền lợi. Kết quả, Chartwells phải bồi thường 19,4 triệu USD.
Hay một vụ việc khác xảy ra tại Trường trung học Coelho, Attleboro, Massachusetts (Mỹ) vào năm 2013. Một số nhân viên của công ty cung cấp bữa ăn học đường đã không cho 25 học sinh trường này ăn trưa vì tuần đó các em không đủ tiền trong thẻ thanh toán.
Vụ việc khiến cha mẹ các em phẫn nộ, bởi thay vì gọi điện thông báo cho họ, hoặc ít nhất cho học sinh "ăn trước trả sau", thì những nhân viên này lại cắt luôn phần ăn của các em. Kết quả là các nhân viên trong vụ việc trên bị công ty sa thải.
Diễn đàn "Giám sát bữa ăn học đường" tiếp tục ghi nhận ý kiến của các đại biểu Quốc hội để đưa ra giải pháp cho vấn đề này.