"Trên tình bạn, dưới tình yêu" của các bạn trẻ ra sao?
Quan hệ không dán nhãn tình yêu
Hiện tượng quan hệ không rõ ràng trong nhiều bạn trẻ dường như là một xu hướng. Nhiều bạn trẻ Gen Z cho rằng mối quan hệ mập mờ này xuất phát từ nhu cầu cá nhân của cả hai, trốn tránh tình yêu lãng mạn truyền thống bởi nó không có sự ràng buộc. Dù biết "trên tình bạn, dưới tình yêu" là mối quan hệ không lành mạnh nhưng nhiều bạn trẻ vẫn ngại bước vào một mối quan hệ chính thức, chỉ muốn dừng lại ở mối quan hệ mập mờ.
Từng trải qua nhiều mối quan hệ mập mờ, cô nàng Kim Ngân (22 tuổi, ở Quy Nhơn) cho biết: "Nếu mình đang thích họ nhưng không muốn tiến tới mối quan hệ yêu đương thì mập mờ vẫn tốt hơn.
Mặc dù thích được quan tâm, muốn có người nhắn tin trò chuyện mỗi ngày, nhưng không muốn ràng buộc nhau quá nhiều về chuyện tình cảm, không can thiệp quá sâu vào cuộc sống của nhau nên không khẳng định là thoải mái nhất. Hơn nữa một mối quan hệ nửa vời trên tình bạn, dưới tình yêu sẽ không khiến mình phải đau lòng nếu chia tay".
Đó cũng là tình trạng mà Hà An (23 tuổi, Hà Nội) đang gặp phải trong mối quan hệ của mình. Cách đây hơn một năm Hà An có quen một anh chàng hơn mình 3 tuổi. Sau một khoảng thời gian tìm hiểu nhau, Hà An tỏ ý muốn tiến đến một mối quan hệ xa hơn thì anh chàng lảng tránh.
Anh bảo là muốn tìm hiểu thêm, sau đó anh đột nhiên "biến mất" một thời gian và đưa ra những lý do rằng bận việc cơ quan, bận học thêm văn bằng này nọ nên không có nhiều thời gian dành cho mối quan hệ hiện tại.
Tưởng như mọi việc chỉ dừng lại ở đó, nhưng sau đó anh chàng lại vẫn tiếp tục hẹn đi chơi, đi "hẹn hò" với Hà An khi cô đã bắt đầu muốn từ bỏ mối quan hệ này. Cứ như vậy, câu chuyện tiếp tục diễn ra hơn một năm, vẫn dành cho nhau những hành động, cử chỉ thân mật như những cặp đôi yêu nhau nhưng khi Hà An hỏi "mối quan hệ giữa cô với anh ta là gì" thì anh ta luôn tìm cách né tránh.
Situationship hay còn được biết với tên gọi là một mối quan hệ mập mờ - trên tình bạn, dưới tình yêu. Đây là khái niệm dùng để chỉ những cặp đôi yêu có những mối quan hệ mập mờ, lãng mạn nhưng lại không "dán nhãn" tình yêu. Mối quan hệ này là không cần phải có trách nhiệm và sự cam kết dành cho nhau.
Hai người yêu nhau có thể lo lắng cho nhau trong từng cử chỉ, hành động nhỏ nhặt nhưng lại chẳng thể lên tiếng dưới bất kỳ danh nghĩa gì. Mối quan hệ như vậy tồn tại nửa vời, hơn tình bạn nhưng tuyệt đối không phải là người yêu. Mập mờ đôi khi khiến người ta say đắm hưởng thụ cảm giác yêu đương mà thoải mái nói rằng mình vẫn độc thân, nhưng không có lúc nào là không thất tình.
Lựa chọn nguy hiểm?
Nhiều Gen Z lựa chọn kiểu mập mờ này vì không muốn bị kiểm soát, họ cho rằng mối quan hệ gắn bó làm họ mất tập trung vào mục tiêu học tập hay sự nghiệp. Nhưng trên thực tế các ưu tiên có thể thống nhất với nhau, đặc biệt khi không thảo luận về tình trạng rõ ràng về mối quan hệ của mình. Khi mối quan hệ situationship kết thúc, hai người lại nhiều khả năng rơi vào tình trạng khó xử vì không còn là bạn cũng chẳng thể gọi là người yêu cũ.
Không thể lùi một bước để làm bạn nhưng cũng chẳng thể tiến thêm nhiều bước nữa để làm người yêu, khi một người đã "sa chân" vào mối quan hệ này.
Hai người vẫn quan tâm, đầu tư thời gian và tâm sức nhưng không có đưa ra một lời dứt khoát rõ ràng. Trong mối quan hệ này, có thể một trong hai muốn xác định rõ ràng nhưng vì sợ từ chối hoặc phải buông bỏ nên đều quyết định giữ im lặng.
Còn về tình cảm, cũng giống như mối quan hệ tình yêu khác, cũng có sự ghen tuông nhất định nhưng phải kiềm chế vì biết bản thân làm gì có tư cách, không phải là người yêu của đối phương để làm được điều đó. Có những lúc cả hai nồng cháy đến bất tận nhưng đôi khi lại nhạt nhòa và im lặng đến trầm tư.
Theo nhà tâm lý học Drisha Dey, các phương tiện truyền thông xã hội đóng vai trò quan trọng trong sự gia tăng của xu hướng này ở Gen Z. Mạng xã hội cho phép họ tiếp cận với nhiều người, từ đó có nhiều lựa chọn hơn. Bởi vậy, thế hệ này thường lựa chọn các mối quan hệ mập mờ để trải nghiệm cảm giác yêu đương tự do, trong khi vẫn tiếp tục tìm kiếm đối tượng phù hợp hơn.
Nên phân biệt rõ là bạn hay yêu
Ngọc Châu (20 tuổi, ở Hội An) chia sẻ bản thân từng trải qua nhiều mối quan hệ mập mờ nhưng chẳng bao giờ cảm thấy dễ chịu khi cảm giác lo sợ vẫn luôn thường trực. "Mối quan hệ này đem lại cho mình cảm giác thiếu đi sự an toàn khi chẳng biết nó sẽ đi tới đâu, khiến mình lo được lo mất và cuối cùng là kết thúc mà bản thân cũng không biết bạn đó có thực sự thích mình không".
Tương tự, một số bạn đã trải nghiệm cũng cho rằng, trong một mối quan hệ mập mờ, chính các bạn trẻ cũng cảm thấy không chắc chắn liệu cả hai có phải duy nhất của nhau. Với một số người, giai đoạn đầu của cuộc hẹn hò là khoảng thời gian vui vẻ, thú vị. Nhưng sau đó lại là những tháng ngày ngờ vực, trông chờ. Thiếu định hướng rõ ràng cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến sự căng thẳng, mâu thuẫn gia tăng trong những mối quan hệ mập mờ.
Thực tế cho thấy thái độ mập mờ dẫn đến việc các bạn trẻ dễ sa đà vào các mối quan hệ không rõ ràng, không có trách nhiệm với đối phương. Điều này cũng làm các bạn dễ chai sạn tình cảm, khó cảm nhận được tình cảm thật, từ đó ít tin vào những điều tốt đẹp của tình yêu. Sự rõ ràng vẫn luôn cần thiết để mỗi người có kế hoạch cụ thể cho hành trình chung hoặc riêng của bản thân.
Theo các chuyên gia tâm lý, hãy chân thật với cảm xúc của mình. Nên phân biệt rõ mối quan hệ là bạn hay yêu. Nếu đã theo đuổi đối phương thì phải theo đuổi đến cùng. Nếu không thấy có chút hy vọng nào để mình nghiêm túc với mối quan hệ đó thì tốt nhất nên dừng lại.
Các bạn trẻ sợ áp lực?
Một nền tảng hẹn hò từng thống kê trong năm 2022 cho thấy 49% người dùng thêm mục đích kết bạn vào trang thông tin cá nhân và phần này có kiểu quan hệ mập mờ được nhắc tới cực kỳ nhiều. Đồng thời số liệu từ ứng dụng cũng cho biết cứ 10 bạn trẻ độc thân thì 1 người cho biết họ chọn situationship để mối quan hệ không bị áp lực quá nhiều. Đồng thời có tới 73% bạn trẻ được hỏi đã khẳng định họ chưa sẵn sàng cho quan hệ có cam kết.
Tình yêu là sự lớn lên của hai con người có những khuyết điểm riêng, cùng nhau thay đổi và hoàn thiện. Người hạnh phúc trong hôn nhân không phải vì họ gặp được người yêu hoàn hảo, mà vì họ học cách tha thứ cho những khiếm khuyết của nhau.