Sáng 22-12, tại Đường sách TP Thủ Đức diễn ra buổi trò chuyện cùng nhà văn, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu và dịch giả Quế Sơn với chủ đề Những thể nghiệm nhân sinh trong tác phẩm Kawabata Yasunari.
Cuộc trò chuyện xoay quanh các tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Kawabata Yasunari như: Nhật ký tuổi mười sáu, Cô vũ nữ xứ Izu, Xứ tuyết...
Trong đó, tiêu biểu nhất là Người đẹp ngủ mê, quyển sách đã giúp nhà văn trở thành tiểu thuyết gia người Nhật đầu tiên giành giải Nobel Văn học.
Cái đẹp văn chương cứu vớt nhân sinh
Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu nhận định rằng trong các tác phẩm của Kawabata Yasunari, Người đẹp ngủ mê được xem là cuốn tiểu thuyết đẫm chất u huyền nhất.
Cuốn sách là những suy tư của ông già Eguchi với những cô gái trẻ vô danh, khỏa thân, đang say ngủ bên cạnh ông nhưng không hề có sự đụng chạm thân thể hay một cuộc trò chuyện nào xảy ra. Họ không biết gì về ông và ông cũng không biết gì về họ.
"Người đẹp ngủ mê có đề tài kỳ lạ. Nếu nhà văn không biết cách kể, người đọc không hiểu về văn hóa Nhật thì sẽ thấy nó dung tục ngay", ông Nhật Chiêu nói.
Dịch giả Quế Sơn thì ấn tượng với cách nhà văn người Nhật mô tả vẻ đẹp của hoa trà trong sách.
Hoa trà sớm nở tối tàn, mỏng manh. Nhưng chính vì vậy mà theo ông, nhiều người đã mê mẩn loài hoa này.
"Nhà văn đã để cho nhân vật ông già, người đã qua hơn một nửa đời người, có khoảng lặng để thưởng thức vẻ đẹp phù du của hoa trà trước khi nó tàn.
Nhưng hoa tàn rồi sẽ lại nở. Con người cũng giống như hoa, mất rồi thì sẽ tái sinh", ông Sơn nêu cảm nghĩ của mình.
Nhiều ý kiến cho rằng tác phẩm của nhà văn người Nhật đã thể hiện cái đẹp ở trong cả những điều nhỏ nhất như thế.
Khi đọc diễn từ Nobel, Kawabata Yasunari đã nói rằng: "Tôi đến từ cái đẹp của Nhật Bản".
"Cái đẹp thì luôn có quanh ta nhưng khám phá ra nó và cứu vớt nó khỏi những trần luân lại là chuyện của mỗi người.
Kawabata Yasunari suốt đời theo đuổi lý tưởng cái đẹp và nhân sinh có thể cứu vớt lẫn nhau dù cuộc đời ông ngập tràn những đau buồn khi chứng kiến không ít sự ra đi của những người mà mình yêu thương nhất", ông Chiêu chia sẻ.
Văn của Kawabata Yasunari còn là gương soi
Theo ông Nhật Chiêu, nghệ thuật của Kawabata Yasunari có thể được mệnh danh là chiếc gương soi của cái đẹp.
Ông nhận xét: "Thẩm mỹ quan của Kawabata, từ ánh nhìn đầu tiên đến cuối cùng, vẫn là soi chiếu thế giới vào một tấm gương kỳ diệu và sự thật được phản chiếu sẽ đẹp hơn bản thân sự vật".
Hình ảnh của chiếc gương xuất hiện rất nhiều lần trong tác phẩm của nhà văn người Nhật, đặc biệt trong Thủy Nguyệt và Xứ tuyết, được xem như là biểu tượng của góc nhìn ấy.
Dịch giả Quế Sơn chia sẻ ông đã từng dịch 5 cuốn sách liên quan đến các giác quan của con người. Trong đó, nổi bật nhất là tiểu thuyết Lụa thể hiện xúc giác. Còn ở tác phẩm Người đẹp ngủ mê có khứu giác, xúc giác nhưng cái chính vẫn là thị giác.
Tác giả Kawabata đã miêu tả chân thực cái nhìn của nhân vật ông già Eguchi qua những ngôn từ tinh tế và gợi cảm nhất.
Kawabata Yasunari (1899-1972) là tiểu thuyết gia người Nhật đầu tiên và người châu Á thứ ba đoạt Giải Nobel văn học (1968).
Nhà văn viết cuốn sách Người đẹp ngủ mê vào lúc ông đã 62 tuổi. Tác phẩm dựa trên một kịch bản sân khấu kabuki với nhan đề Những mỹ nữ của Eguchi, công diễn khoảng thế kỷ XVII ở Nhật Bản.
TTCT - 'Đôi mắt mùa xuân' và 'Tâm sự người vợ' là hai phần nhỏ của phần tiếp theo có tên 'Cánh chim trên sóng' (Nami chidori) cho tác phẩm Ngàn cánh hạc được Kawabata Yasunari (1899-1972) viết dang dở.