Nhằm hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, TP.HCM đã và đang thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, việc phân loại rác tại nguồn không chỉ góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường mà còn giúp tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý.
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố quy định cụ thể phân loại rác tại nguồn dành cho hộ gia đình. Thời gian chính thức phân loại bắt đầu từ ngày 1-1-2025.
Trở thành nhiên liệu thay thế
Theo đó, rác thải được chia làm ba nhóm chính gồm: nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; nhóm chất thải thực phẩm; và nhóm chất thải rắn sinh hoạt khác.
Trong đó, nhóm chất thải không thể tái chế có thể được chuyển đổi thành nhiên liệu thay thế hoặc nguyên liệu thô thông qua giải pháp đồng xử lý đang được một số đơn vị, công ty môi trường ưu tiên (đồng xử lý là một giải pháp trong tháp quản lý chất thải bền vững đứng sau giải pháp tái chế).
Qua giải pháp đồng xử lý, chất thải không thể tái chế hoặc giá trị thấp có thể trở thành nhiên liệu cho nhà máy xi măng. Cụ thể, chất thải được hướng dẫn phân loại tại nguồn sẽ được đưa về nhà máy tiền xử lý.
Số rác thải này sẽ được đưa vào máy phá hủy kết cấu, cắt và nghiền nhỏ đến khi đạt kích thước tiêu chuẩn của nhiên liệu đầu vào nhà máy xi măng.
Tận dụng các lò nung xi măng hiện có, chất thải trở thành nhiên liệu (thay thế cho than hoặc các loại nhiên liệu hóa thạch khác) được đốt ở nhiệt độ lên đến 2.000oC.
Nhiệt độ cao và ổn định, môi trường oxy hóa thời gian lưu cháy dài cho phép tiêu hủy hoàn toàn chất thải. Khí thải phát sinh trong quá trình đốt bị triệt tiêu hoàn toàn và kiểm soát bằng hệ thống quan trắc tự động. Tro còn lại sẽ được phối trộn cùng clinker sản xuất xi măng.
Giải pháp đồng xử lý chất thải là câu trả lời tối ưu cho bài toán không chôn lấp chất thải, hạn chế khai thác tài nguyên, khoáng sản và giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
Từ đó, giải pháp này giúp kéo dài vòng đời các sản phẩm, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và nỗ lực tiến đến phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.
"Sau nhiều năm theo đuổi việc không chôn lấp rác và xây dựng, thúc đẩy hoạt động gia tăng giá trị cho rác, công ty đã cụ thể hóa các giải pháp biến rác thành tài nguyên.
Từ năm 2020, mỗi tháng, hơn 10.000 tấn chất thải được Công ty Môi trường Á Châu tiền xử lý và cung cấp đến nhà máy xi măng", đại diện Công ty Môi trường Á Châu chia sẻ.
Nâng cao ý thức phân loại rác
Để làm đồng bộ công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện rà soát lại hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải sau phân loại.
Nhóm chất thải có thể tái chế, người dân có thể bán phế liệu hoặc cho, tặng các đơn vị thu gom hoặc theo kế hoạch thu gom của chính quyền địa phương. Chất thải có thể tái chế được chuyển giao về các nhà máy tái chế có chức năng theo thị trường.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng tiếp tục xây dựng giá dịch vụ thu gom tại nguồn, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, kiểm tra, giám sát các khu liên hiệp xử lý chất thải rắn. Từ đó, tăng cường công tác quản lý, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa.
Bên cạnh đó, các đơn vị cũng lên kế hoạch đầu tư chuyển đổi công nghệ của các nhà máy xử lý chất thải rắn hiện hữu và đầu tư mới nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ tiên tiến hiện đại, hạn chế chôn lấp.
Thành phố cũng ngưng hoạt động các trạm trung chuyển có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời nâng cấp và cải tạo, đầu tư mới các trạm trung chuyển để đảm bảo đúng định hướng quy hoạch mạng lưới trạm trung chuyển ở TP.HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Việc làm này giúp quản lý hiệu quả vấn đề chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP Thủ Đức và các quận, huyện.
TP.HCM cần nỗ lực hơn trong phân loại rác
Từ năm 2006, chương trình phân loại rác tại nguồn đã được TP.HCM triển khai thí điểm nhưng do không đồng bộ từ người dân, đơn vị thu gom, vận chuyển, đơn vị xử lý nên chương trình chưa thành công.
Đến năm 2011, TP.HCM triển khai trở lại, theo đó sẽ phân loại rác thành ba loại nhưng một lần nữa chưa đạt được kết quả như ý khi hạ tầng xử lý, thu gom vẫn chưa đồng bộ, hoàn thiện.
Sau đó, TP.HCM đã triển khai kế hoạch phân loại rác tại nguồn thành hai loại theo quyết định 09/2021 của UBND TP. Việc phân loại này phù hợp với lộ trình chuyển đổi công nghệ xử lý rác từ chôn lấp sang đốt rác phát điện.
Kế hoạch phân loại rác thải sinh hoạt có nguy cơ vỡ trận khi người dân chưa có thói quen, trong khi bên thu gom lại đổ gộp lẫn lộn.