Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán MWG) vừa cập nhật kết quả kinh doanh, với nhiều dữ liệu đáng chú ý.
Thế Giới Di Động: Doanh thu giảm, không công bố lợi nhuận, vừa đóng 172 cửa hàng
Theo đó, tổng kết 11 tháng vừa qua, doanh nghiệp gặt hái được hơn 107.950 tỉ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Tương đương đã hoàn thành 80% chỉ tiêu doanh thu cả năm, 20% còn lại (27.000 tỉ đồng) đè nặng vào tháng này.
Xét từng đơn vị riêng biệt, trong khoảng thời gian trên, chuỗi cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh mang về tổng doanh thu 76.700 tỉ đồng (-21%), trong khi chuỗi thực phẩm Bách Hóa Xanh đạt 28.400 tỉ đồng (+16%).
Khác với cùng kỳ năm trước, đợt này doanh nghiệp chỉ công bố doanh thu, không công bố lợi nhuận.
Điểm đáng chú ý trong báo cáo lần này là tổng số cửa hàng của các chuỗi Thế Giới Di Động, TopZone, Điện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh, An Khang và Ava Kids bị giảm xuống còn 5.598 vào cuối tháng vừa qua. Như vậy, doanh nghiệp đã đóng cửa 172 cửa hàng trong vòng ba tháng nay.
Đối với chuỗi Thế Giới Di Động, TopZone và Điện Máy Xanh "sẽ tiếp tục đóng một số cửa hàng kém hiệu quả về doanh thu và lợi nhuận trong tháng 12 để ổn định hoạt động, chuẩn bị cho mùa bán hàng cao điểm đợt Tết Nguyên đán 2024".
Riêng các chuỗi còn lại đã hoàn tất việc rà soát đóng cửa hàng trong tháng qua, duy trì ổn định kể từ tháng này. Các chi phí đóng cửa hàng sẽ được phản ánh đầy đủ trong kết quả kinh doanh của năm nay, không ảnh hưởng đến năm tới.
Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư gần đây, chủ tịch Nguyễn Đức Tài cũng cho biết đang cố gắng cắt bớt những cửa hàng "ăn bám", xử lý dứt điểm trong năm nay để nhìn về tương lai.
Ngoài ra, theo chia sẻ mới dây, doanh nghiệp cũng thực hiện nhiều biện pháp để tái cấu trúc như: giữ hoạt động cốt lõi tạo ra giá trị ở hiện tại hoặc tương lai gần, loại bỏ lãng phí và ngừng hoạt động chưa thực sự cần thiết, tạm hoãn đầu tư dự án nghiên cứu - phát triển sản phẩm trung và dài hạn, phân bổ lại nguồn lực (lãnh đạo, cửa hàng, nhân viên, tài chính…), giải quyết vấn đề dư nguồn lực do tái cấu trúc hợp lý...
FPT Retail khả năng lỗ do bị ảnh hưởng "chiến giá"
Vào tháng này, đội ngũ phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã đưa ra các nhận định liên quan đến Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT - FPT Retail (mã chứng khoán FRT).
Cụ thể, dự báo trong quý cuối năm 2023, doanh thu thuần của chuỗi bán lẻ điện máy FPT Shop sẽ phục hồi, tăng 5% so với quý liền trước do nhu cầu mua hàng công nghệ và điện tử tăng lên trong dịp cuối năm, cộng với nguồn cung iPhone 15 dồi dào (không bị đứt gãy như đợt iPhone 14, lúc nhà máy Foxconn ở Trung Quốc bị phong tỏa).
Với tình hình hiện tại, lợi nhuận của chuỗi FPT Shop đã có dấu hiệu chạm đáy. Vào năm tới, trong bối cảnh tổng cầu về hàng công nghệ và điện tử chưa hoàn toàn hồi phục nhưng "cuộc chiến giá" có phần dịu hơn, kỳ vọng chuỗi điện máy này sẽ được phục hồi ở mức khiêm tốn.
Điểm đáng lưu ý được Chứng khoán Rồng Việt nêu ra: biên lợi nhuận mảng bán lẻ sản phẩm công nghệ và điện tử của các chuỗi Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh và FPT Shop đã có sự cải thiện nhẹ trong quý vừa qua, phát ra tín hiệu "cuộc chiến giá" dần chấm dứt. Điều đó cũng góp phần giúp FPT Shop dần phục hồi biên lợi nhuận ròng.
Trong FPT Retail còn có chuỗi Long Châu, phát triển tốt nhờ thế mạnh về giá, danh mục thuốc, tốc độ bổ sung hàng tồn kho, nền tảng bán hàng trực tuyến, chất lượng tư vấn...
Tổng kết, phía Chứng khoán Rồng Việt dự báo doanh thu thuần hợp nhất cả năm 2023 của FPT Retail đạt mức 31.920 tỉ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Song do ảnh hưởng từ "cuộc chiến giá" ở chuỗi điện máy nên doanh nghiệp ước tính bị lỗ sau thuế 227 tỉ đồng.
Trong lúc công ty con khó khăn, công ty mẹ - FPT vẫn mang về kết quả kinh doanh ấn tượng, khi vừa trở thành doanh nghiệp công nghệ đầu tiên của Việt Nam đạt doanh thu 1 tỉ USD từ xuất khẩu phần mềm.
Nhiều người đến các siêu thị điện máy không bao giờ trả giá vì nghĩ giá niêm yết là chuẩn rồi. Nhưng thực tế vì cạnh tranh giá lẫn nhau, người biết so sánh, mặc cả có thể được giảm số tiền lớn.